Th9 17, 2021

XỬ LÝ KHI CON BỊ SỐT

Sóc nhỏ xíu của mình đang 16m8ds và em bé đang bị sốt từ tối hôm qua. Lần đầu tiên phát hiện ra Sóc sốt là lúc 10h đêm. Nhiệt độ đo tai lúc đó là 38.6, em bé chỉ muốn mẹ ôm và không có tâm tình làm gì khác. Lúc 2h sáng, mình có dậy đo lại, nhiệt độ khoảng 38 độ. 5h sáng thấy Sóc ngủ rất khó chịu, nhiệt độ lại lên 38.6 và mình có đút đít hạ sốt cho Sóc, và cho em bé uống sữa.Sáng mình vẫn đi làm từ lúc 7h, con còn đang ngủ. 8h15 khi vừa hết tiết dạy đầu tiên thì bà gọi điện và bảo Sóc sốt cao quá, và khóc rất nhiều. Vậy là mình lại xin nghỉ để phi về nhà với con. Về đến nơi là 8.30, đo tai lúc đó là 39.1 độ. Nhưng vì chưa đủ thời gian để uống liều hạ sốt tiếp theo nên mình vẫn cố gắng lau người, mặc thoáng cho con, bổ sung điện giải, cho con uống sữa, và dỗ con ngừng khóc. Và cứ như vậy mỗi 4 tiếng, Sóc sau khi uống thuốc khoảng 30p sẽ hạ dần, sau đó lại tăng lên 39 độ. Sóc không muốn chơi, cũng không muốn ăn, em bé ngủ nhiều hơn bình thường.

🟠 Trong tủ thuốc của Sóc, mình luôn trữ 2 cái nhiệt kế (của hãng Braun). Không phải lúc nào trẻ con cũng sốt ban ngày, do vậy nhỡ đâu đêm hôm mà một cái hết pin thì còn cái kia cứu cánh. Và khi đo thì mình cũng luôn đo 2 cái cùng một lúc để check chéo nhau (vì nhiệt kế điện tử cũng sẽ có những sai số nhất định). Nếu mẹ nào không trữ 2 cái hoặc kinh tế chưa cho phép thì cũng nên trữ 1 cái nhiệt kế điện tử và 1 cái thuỷ ngân.

🟠 Khi Sóc đi tiêm về, mình luôn có một động thái đó là ghi lại giờ tiêm và giờ về của Sóc. Và đo nhiệt độ sau khoảng 10p về đến nhà rồi ghi lại vào sổ hoặc ghi chú trên đt. Mục đích là để theo dõi mọi phản ứng sau tiêm của con và có vấn đề gì còn tiện theo dõi. Và hơn nữa, mẹ là người ở bên cạnh con, thân cận nhất với con, mẹ phải nắm rõ tình trạng của con nhất. Bác sĩ cũng chỉ dựa trên những gì mẹ miêu tả lại. Do vậy, mẹ là người bác sĩ đầu tiên của con trong mọi tình huống.

🟠 Đây là những gì mà mình luôn tập thói quen note lại trong mỗi lần con sốt, để phòng cần phải đi khám, thì có thể đưa cho bác sĩ câu trả lời cụ thể nhất.

❓ sốt bao giờ?
❓ lần đầu tiên sốt là khi nào?
❓ nhiệt độ cụ thể là bao nhiêu?
❓ cữ sốt bao lâu?
❓ nhiệt độ cao nhất là bao nhiêu?
❓ lần cuối uống thuốc trước khi đến khám là bao giờ? (nếu có cho con đi khám)
❓ biểu hiện lâm sàng của con thế nào? (con ăn chơi ngủ nghỉ như nào?)
❓ con ăn sữa mẹ hay sữa ngoài? Lượng ăn là bao nhiêu so với ngày thường?
❓ khi ăn con có ăn liền được không hay phải dừng lại để thở rồi mới ăn tiếp?
❓ mẹ đã làm những biện pháp gì để hạ sốt? (sốt – mẹ cho uống gì? Liều bao nhiêu?, ho – mẹ đã làm gì? Rửa mũi? …)
❓ trong nhà có ai ốm không?
❓ gần đây Sóc đi những đâu và có gặp người ốm không?
❓ Output của con thế nào? Con poo poo mấy lần trong ngày?

✅ ĐO NHIỆT ĐỘ: Các mẹ luôn có thói quen đo một lần rồi thôi, khi nào thấy con nóng ran mới đo lại. Như vậy là không nên, hãy cố gắng đo liên tục theo khoảng 20p một lần và ghi lại. Cữ sốt chi tiết của con cùng với xét nghiệm mới cho ra kết quả chính xác là con bị sốt virus hay sốt bội nhiễm.

(Một trải nghiệm hú hồn là khi Sóc tiêm mũi viêm màng não mô cầu BC, 10h đêm mình đo 1 lần, lên 37.9 và đang chuẩn bị lau người bằng nước mát để hạ bớt, nhưng 2p sau bỗng nhiên Sóc khóc rất dữ dội, mình đo lại ngay tức khắc thì đã lên 38.7 (lên gần 1 độ trong khoảng thời gian quá ngắn), và nếu như mình coi đó là con quấy bình thường, thì rất có thể con lên đến 39-40 độ và co giật rồi. Nên các mẹ hãy đo cực kì chi tiết và theo dõi biểu hiện của con, so với quấy khóc thông thường).

Có thể là hình ảnh về văn bản

✅ BIỆN PHÁP HẠ SỐT:

✔️ Lau người bằng nước khoảng 34 độ, hoặc tắm nhanh/ngâm chân bằng nước mát (vừa phải) (khoảng 34 độ). Bà ngoại Sóc đã từng bảo mình lấy khăn chườm trán cho Sóc để hạ; thực ra, khi toàn thân con đang nóng ran mà chỉ chườm mỗi trán thì con sẽ bị mất cân bằng nhiệt trên cơ thể và không giảm bớt khó chịu đi. Nên hãy lau toàn thân, mặc quần áo thoáng mát. Đừng bịt tất tay tất chân vì đó là nơi tản nhiệt khá nhiều của con khi người con đang nóng.

❌ KHÔNG KIÊNG TẮM. theo bác Mattias bên FMP, tắm còn là phương pháp hạ sốt tốt, nước tắm pha sẽ THẤP HƠN NHIỆT ĐỘ CƠ THỂ 3-4 ĐỘ, (nước hơi âm ấm – lukewarm), không để nước quá nóng hoặc quá lạnh)

✔️ Không gian phòng: Điều hoà không làm con bị sốt thêm. Vào mùa hè nếu trời nóng mà tắt điều hoà, rồi đóng cửa sổ sợ gió vào, và 2 mẹ con trong phòng thì thật sự không thể nào chịu nổi. Nên hãy bật điều hoà ở nhiệt độ mát vừa phải, hạ thấp chế độ gió của điều hoà, tránh điều hoà thốc thẳng vào người con, mở một ít cửa cho thoáng phòng. Duy trì nhiệt độ phòng mát mẻ để con dễ chịu. Điều duy nhất không nên đó là để con cởi trần nằm điều hoà.

✔️ Uống thuốc hạ sốt: Hôm trước có 1 mẹ hỏi là con bé nhà tớ đang 38 độ thì cho uống thuốc hạ sốt được chưa. Mình vẫn khuyên là: với các biểu hiện lâm sàng ổn của con và con chưa đến 38.5 thì chưa cho uống, mà hãy làm các biện pháp khác trước. Vì khi con sốt là cơ thể con đang sản sinh ra kháng thể để chiến đấu lại virus, vậy nên hãy để cơ thể con có cơ hội tự chiến đấu lại virus và cũng là một phương pháp tăng cường hệ miễn dịch. Nếu con bị sốt dai dẳng kéo dài khoảng 3-4 ngày thì mẹ hãy cho con đi khám đi xác định xem con có phải sốt bội nhiễm hay không.
✔️ Bổ sung điện giải và nước hoa quả (nước dừa, nước cam).
✔️ Mặc thoáng cho con, áo quần rộng rãi, bỏ bỉm.
✔️ Duy trì rửa mũi (Sóc dùng muối rửa mũi Neilmed Kids pha nửa gói với 120ml nước ấm, xi lanh rửa 5ml và đệm silicon, mỗi lần rửa KHÔNG QUÁ 2 XILANH/ bên mũi nếu rửa liên tục khi Sóc ốm, vì nếu rửa liên tục mà lại quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc trong mũi)

✔️ Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Vì họng đỏ nên nếu không chăm sóc cẩn thận thì từ việc sốt virus sẽ dễ bội nhiễm thêm vi khuẩn, và lúc này thì Sóc sẽ phải gánh kháng sinh là chắc rồi, nên việc giữ sạch mũi họng cực kỳ quan trọng.

✅ PHÂN LOẠI
Có một lần Sóc đi khám ở FMP, Bác Mattias chỉ định cho Sóc làm xét nghiệm máu, nước tiểu và CRP. Và bác có giải thích là sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
❌ Một là Sóc bị SỐT VIRUS, trường hợp này thì KHÔNG CẦN DÙNG KHÁNG SINH
❌ Hai là Sóc bị SỐT DO NHIỄM KHUẨN (bacterial infection), thì sẽ cần dùng KHÁNG SINH để điều trị

✅✅✅ CÁC LOẠI HẠ SỐT

Hạ sốt sẽ chia làm 2 loại chứa thành phần chính là paracetamol/acetaminophen và ibuprofen.

✔️ Đối với trẻ nhỏ, khi hạ sốt luôn ưu tiên paracetamol
✔️ Liều dùng của paracetamol là 4-6 tiếng và ibuprofen là 6-8 tiếng
❌ Không tự ý dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng, và đặc biệt khi trẻ bị sốt xuất huyết
❌ Không dùng 2 loại hạ sốt cho 1 lần sốt

✅ Loại hạ sốt mà Sóc đang dùng là doliprane dạng siro có sẵn vạch chia theo cân nặng khá tiện.
✅ Ngoài ra mình trữ thêm 1 hộp đút đít hạ sốt. Trong trường hợp con đang ngủ mà bị sốt, thì đút đít là một trong những biện pháp hạ sốt tối ưu nhất (ngoại trừ con bị tiêu chảy).

✔️ Thứ nhất, con đang ngủ là khi con đang thoải mái và cơ thể thư giãn thả lỏng, không nên gọi con dậy để uống hạ sốt, vì mục đích của uống hạ sốt là làm con dễ chịu hơn.
✔️ Thứ hai, nhiệt độ đo ở hậu môn là chính xác nhất, do vậy, việc hạ sốt từ hậu môn sẽ có tác dụng nhanh hơn.
✔️ Thứ ba, nếu con uống hạ sốt mà bị nôn trớ, thì cơ thể chưa kịp ngấm thuốc hạ sốt đã bị nôn ra ngoài.

❌❌❌ Lưu ý:

📌 Miếng dán hạ sốt:

Thành phần chủ yếu của miếng dán hạ sốt là hydrogel hoạt động theo cơ thế hấp thụ nhiệt và phân tán nhiệt ra bên ngoài. Một số loại dán có thêm thành phần tinh dầu, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt độ.

📌 Tuy nhiên:
‼️ Da em bé khá mỏng nên dễ bị rát khi dùng loại có chứa tinh dầu, một số em bé sẽ bị dị ứng
‼️ Khi sốt cao mà dán sẽ bị mất cân bằng nhiệt cơ thể và gây co giật
‼️ Chỉ là dạng dán ngoài da nên không có tác dụng hạ sốt nhiều

⁉️ Tại sao paracetamol có thể hạ sốt?

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng paracetamol làm giảm tín hiệu đau trong não bộ và ngăn chặn quá trình sản sinh prostagladins (chất gây sốt và đau).

✅✅✅Cách KIỂM TRA PHÁT BAN AN TOÀN:

Khi dùng 2 ngón trỏ kéo căng 1 vùng da trên cơ thể, nếu thấy các vết mẩn phát ban biến mất trên vùng da đó, thì có nghĩa là phát ban an toàn, đây không phải là biểu hiện của sốt xuất huyết.

Đây là những cái mình đã đọc khi bầu và dựa trên kinh nghiệm xử lý vài lần sốt của con. Sốt không phải cái gì đó quá đáng sợ, do vậy các mẹ hãy bình tĩnh xử lý mọi chuyện. Rồi sau mỗi lần sốt là các em bé của chúng ta lại có thêm một xút kháng thể trong người rồi.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *