Nông trại là một khái niệm khá quen thuộc với Sóc qua những trang sách và video bài hát. Trong quá trình đọc sách, Sóc đang sử dụng thính giác, thị giác để nghe và nhìn cùng một lúc. Tuy nhiên, trong giáo dục trẻ con, việc càng kết hợp được nhiều giác quan của bé trong cùng một hoạt động là cực kỳ quan trọng, việc kết hợp đa giác quan sẽ giúp bé có những trải nghiệm thực sự và nhớ lâu hơn.
Những câu hỏi mà mình luôn đặt ra đó là:
- Có cách nào để làm con sờ được, cảm nhận được không?
- Làm cách nào để con tận tay tương tác với vật hay không?
- Trong nhà có những đồ gì để mô phỏng hoạt động mà con thấy quen thuộc?
- Liệu hoạt động này có làm mô hình được không?
- Có bài hát nào liên quan hay không?
- Có câu chuyện nào mà bé đã nghe mà mẹ đổi tên nhân vật được không?
Đây là một trong những yếu tố quan trọng để sáng tạo trò chơi cùng con. Quá trình kết hợp đa giác quan này đã thực sự có hiệu quả với việc Sóc có thể ghi nhớ chữ số và chữ cái – những phần vốn nhàm chán – thông qua tương tác thực sự với số đếm và chữ cái. Số đếm và chữ cái đối với Sóc đã không còn là những con số trên tấm flashcards nữa. Mà số hiện diện ở khắp mọi nơi và Sóc luôn sờ được.
GIỚI THIỆU CHUNG
Xây dựng nông trại là nhóm hoạt động thuộc nhóm ‘Văn hóa – Xã hội’. Trong nhóm hoạt động này, con sẽ được khám phá về các chủ đề: Động vật, thực vật, đại lý, lịch sử, khoa học. Riêng trong chủ đề động vật, sẽ có rất nhiều khía cạnh các con có thể tiếp cận ngay từ khi 18 tháng tuổi trở lên, như tên gọi của con vật, môi trường sống, chuỗi thức ăn, vòng đời của con vật,…
Hoạt động này hướng tới mục tiêu chính: Nhận thức. Các cấp độ nhận thức của con đó là: Ghi nhớ – hiểu – áp dụng – phân tích – đánh giá – sáng tạo (Benjamin Bloom, 2001). Với các bé dưới 2 tuổi, mục tiêu của nhận thức ở nằm chủ yếu ở 3-4 cấp độ đầu.
- Ở cấp độ ghi nhớ, con có thể gọi tên, sao chép (cách làm, cách gọi, …), liệt kê, ghi nhớ và lặp lại những hành động, sự việc mà con được tiếp xúc.
- Ở cấp độ hiểu, con có thể phân loại, nhận biết, lựa chọn, miêu tả, và giải thích những khái niệm, sự việc mà con được tiếp xúc.
- Ở cấp độ áp dụng, con có thể thực hiện hành động, giải quyết, phác họa, diễn giải… những khái niệm, sự vật, sự việc mà con được tiếp xúc.
- Ở cấp độ phân tích, con có thể phân biệt, liên hệ, so sánh, đối chiếu, thử nghiệm, đặt câu hỏi,…
- Ở cấp độ đánh giá, con có thể tranh luận, đánh giá, cân nhắc, lựa chọn, phê bình,…
- Ở cấp độ sáng tạo, con có thể thiết kế, lắp ráp, xây dựng, phỏng đoán, phát triển, điều tra…
Với hoạt động này, mục tiêu nhận thức đang hướng tới cấp độ 3-4 sau khi con đã ghi nhớ các hình khối con đã tiếp xúc. Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối.
MỤC TIÊU
- Giới thiệu cho con về khái niệm nông trại;
- Giúp con liên hệ với thực tế qua những chuyến tham quan nông trại;
- Kích thích hứng thú, trí tò mò của con qua hoạt động;
- Khơi gợi sự sáng tạo cho con;
MỤC TIÊU
- Nhận thức: Con có thể nhận biết được khái niệm nông trại (cỏ, chuồng trại, động vật); Con có thể sắp xếp và xây dựng một nông trại; Con có thể liệt kê các con vật sống ở nông trại (với các bé trên 2 tuổi);
- Vận động tinh: Con có thể sử dụng kéo léo bàn tay và phối hợp quan sát bằng mắt để lắp ghép nông trại;
- Vận động thô: Con có thể ngồi vững trong một khoảng thời gian, và chuyển qua lại giữa các tư thế;
- Ngôn ngữ: Con có thể làm theo chỉ dẫn của mẹ; Con có thể gọi tên các con vật; Con có thể hát bài hát về nông trại;
- Nội dung tích hợp: Đọc sách về nông trại, Mở rộng về môi trường sống, Bài hát: Old McDonald has a farm;
- Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.
ĐỘ TUỔI
18-24 tháng tuổi trở lên. Khi con có thể nhận biết một vài con vật, và đọc qua sách về nông trại.
CHUẨN BỊ
Dụng cụ: Thảm cỏ nhân tạo, bộ hình khối nam châm, mô hình động vật. Mẹ trải sẵn thảm cỏ nhân tạo vào góc hoạt động của con.
CÁCH CHƠI
Bước 1: Mẹ giới thiệu với con về khái niệm cỏ, hình khối nam châm;
Bước 2: Mẹ cùng con thử ghép các miếng hình nam châm lại với nhau;
Bước 3: Mẹ làm mẫu: ghép các miếng nam châm lại với nhau trên nền cỏ, và hướng dẫn con ghép nối tiếp vào của mẹ;
Bước 4: Mẹ để con xây dựng thành nông trại;
Bước 5: Mẹ cùng con gọi tên các con vật, sau mỗi lần gọi tên, mẹ cùng con đặt con vật vào trong chuồng;
Bước 6: Con được gợi ý xây dựng thêm chuồng với các kích cỡ khác nhau để vừa với các bạn động vật;
Bước 7: Con quan sát lại nông trại mà mình đã xây và miêu tả lại nông trại;
LƯU Ý
- Không đưa quá nhiều đồ cùng một lúc, khiến con bị mất tập trung và rối.
- Không dạy quá nhiều khái niệm cùng một lúc.
Ví dụ: Buổi 1: Dạy con về nhận biết nông trại (cỏ, chuồng, con vật) qua hình ảnh, sách truyện, video, dã ngoại thực tế; Buổi 2: Xây dựng chuồng; Buổi 3: Phân biệt môi trường sống của động vật; Buổi 4: Phân biệt thức ăn của động vật;…
CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG
- Mở rộng về môi trường sống của các loài động vật (nước, rừng, nông trại, nhà)
- Học về khái niệm: đất, nước, không khí;
- Học về rau củ trồng trong nông trại;
- Học về thức ăn của động vật trong nông trại;
- Học phân biệt động vật và tiếng kêu của nó;
- Phân loại nhóm động vật: gia súc, gia cầm, côn trùng,…
- Học về tổ/chuồng của các con vật (làm tổ chim, chuồng gà, chuồng lợn/ngựa,…)
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)