Th10 14, 2021

VẬN ĐỘNG TINH: KĨ NĂNG SỬ DỤNG KẸP

GIỚI THIỆU CHUNG

Sử dụng kẹp là hoạt động thuộc nhóm: thực hành cuộc sống. Thực hành cuộc sống là nhóm hoạt động giúp con giúp con thực hiện những hoạt động trong cuộc sống một cách có mục đích và hiệu quả. Thực hành cuộc sống trao cho con quyền kiểm soát và phối hợp những hành động của mình, nhằm giúp con độc lập và thích nghi với xã hội. Giống như bà Montessori nói rằng, chúng ta cần “dạy con chứ không sửa sai”, để thúc đẩy con trở thành một thành viên thực sự của xã hội. Thực hành cuộc sống bao gồm 4 khía cạnh cơ bản: Chăm sóc bản thân, chăm sóc môi trường, kiểm soát chuyển động, đức tính bao dung và lịch sự. Sử dụng kẹp cũng là một hoạt động thông qua Thực hành cuộc sống để rèn vận động tinh – khả năng kiểm soát và kết hợp các nhóm cơ nhỏ trong bàn tay để tạo ra những chuyển động chính xác. Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối. 

MỤC ĐÍCH

Hoạt động này nhằm giới thiệu với con về một vật dụng trong cuộc sống hàng ngày, đó là: kẹp quần áo. Kĩ năng mà con học được thông qua việc sử dụng kẹp sẽ giúp con phát triển vận động tinh: dùng ngón tay để kiểm soát kẹp quần áo. Hoạt động không những rèn luyện tính kiên nhẫn và kiên trì cho con mà còn khơi gợi sự hứng thú cho con.

MỤC TIÊU

– Nhận thức: Con có thể ghi nhớ một loại đồ vật mới: Kẹp quần áo; Con có thể ghi nhớ hình dáng của kẹp; Con có thể liên hệ chất liệu của kẹp với những đồ dùng khác; Con có thể thử nghiệm các cách khác nhau để kiểm soát kẹp bằng 5 ngón tay; Con có thể điều khiển kẹp và phối hợp tay mắt để kẹp vào khay;

– Vận động tinh: Con có thể sử dụng linh hoạt các ngón tay để giữ kẹp và kẹp vào khay;

– Vận động thô: Con có thể tự do điều chỉnh hướng ngồi và dáng ngồi để vững và thực hiện hoạt động; 

– Ngôn ngữ: Con có thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản của mẹ; Con có thể gọi tên kẹp và hành động;

– Nội dung tích hợp: Con có thể gọi tên màu sắc; Con có thể liên hệ hình dáng của kẹp với chữ cái A;

– Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.

ĐỘ TUỔI

12 tháng tuổi – 18 tháng tuổi trở lên là độ tuổi thích hợp để con tham gia vào hoạt động này. Khi đó, con đã biết bốc nhón và sử dụng linh hoạt các ngón tay, con biết kết hợp tay mắt để thực hiện một số hoạt động như: bỏ đồ vào lọ.

Lưu ý, mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp.

CHUẨN BỊ

– Kẹp gỗ hoặc kẹp nhựa. Kẹp gỗ sẽ nhẹ và con cần sử dụng ít lực hơn kẹp nhựa, nên sẽ phù hợp với các bạn nhỏ tay còn yếu. Khi con khoảng 18 tháng, con có thể bắt đầu chuyển sang kẹp nhựa;

– Khay trơn có thành mỏng, hoặc một tấm bìa cứng;

– Thảm chơi hoặc bàn chơi thấp.

CÁCH CHƠI

Bước 1: Bố mẹ giới thiệu với con về kẹp; 

Bước 2: Bố mẹ dùng tay ấn mở kẹp từ từ, bố mẹ chỉ cho con vị trí đặt tay; 

Bước 3: Bố mẹ cùng con thực hiện động tác mở kẹp; 

Bước 4: Bố mẹ quan sát con ấn mở kẹp và chỉnh vị trí tay nếu cần;

Bước 5: Bố mẹ hướng dẫn con kẹp vào thành của khay.

LƯU Ý

Khi tham gia hoạt động với kẹp quần áo, bố mẹ cần lưu ý một số điều như sau:

Bố mẹ nên để kẹp vào trong một khay để tạo thói quen cho con tập trung và tránh việc con vứt kẹp lung tung. Kẹp nhựa thật sẽ nặng, bố mẹ cần lưu ý quan sát, nếu thấy con gặp khó khăn trong quá trình dùng lực, thì cần chuyển sang kẹp gỗ để nhẹ hơn. Kẹp quá nặng sẽ khiến con mất hứng thú trong khi chơi.

Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý đến việc kẹp vào thành khay sẽ dễ hơn kẹp vào một tấm bìa. Vì khi kẹp vào bìa, con cần phối hợp kĩ năng song phương (1 tay giữ bìa, 1 tay dùng kẹp). Bố mẹ nên dựa vào kĩ năng của con để đưa ra hoạt động, tránh việc yêu cầu con hoàn thành nhiều kĩ năng cùng lúc khi con chưa thể làm được.

CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG

Bố mẹ có thể tham khảo một số hoạt động mở rộng với kẹp quần áo như là:

  • Viết số vào kẹp và số trên giấy rồi yêu cầu bé ghép đúng số với nhau;
  • Ghép chữ viết in hoa và chữ viết thường bằng cách viết chữ a – A vào hai chiếc kẹp và khoảng 5 – 7 chữ cái để em bé phân loại và kẹp vào miệng cốc giấy cạnh nhau thành cặp;
  • Viết số lên cốc giấy trắng và kẹp đúng số lượng kẹp lên miệng cốc;
  • Kẹp các chiếc kẹp lên nhau để tạo thành một chuỗi dài nhất có thể;
  • Phơi bít tất của mình để thực hành cuộc sống;
  • Phân loại màu sắc của kẹp.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *