Th9 20, 2021

VẬN ĐỘNG TINH: KĨ NĂNG CẦM NẮM

Kỹ năng cầm nắm là một trong những kỹ năng rất quan trọng nằm trong nhóm vận động tinh.


Kỹ năng cầm nắm là kỹ năng vận động đầu tiên của bé, não của bé bắt đầu chỉ huy phối hợp được sự vận động của đôi tay. Chính vì vậy “giai đoạn tập cầm nắm” đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển trí não của bé. Trước đó khi ba mẹ đưa tay cho bé, bé sẽ cầm lấy, nhưng đây chỉ là phản xạ đầu đời của bé. Bé chỉ thực sự bắt đầu phát triển kỹ năng cầm nắm khi được 3 hoặc 4 tháng tuổi và phải đến cả năm sau thì kỹ năng đó mới có thể phát triển toàn diện, bé có thể phối hợp nhuần nhuyễn việc cầm và giữ đồ trong tay.

Các giai đoạn phát triển kỹ năng cầm nắm ở trẻ:

  • Bé 3 tháng tuổi: Bé chưa thể nắm lấy mọi thứ một cách chính xác. Lúc này bé đã có thể phối hợp giữ tay và mắt – nhìn thấy vật mình thích và cố để với lấy chúng, do đó món đồ chơi treo trong nôi sẽ là niềm vui bất tận của bé. (Tìm hiểu phản xạ cầm nắm ở trẻ sơ sinh)
  • Bé từ 4-8 tháng tuổi: Ở tháng thứ 4, bé đã có thể cầm lấy những vật lớn, như thú bông, đồ chơi. Những vật nhỏ hơn như hạt đậu thì bé vẫn chưa thể cầm được cho đến khi bé hoàn thiện các kỹ năng sử dụng ngón tay của mình. Không lâu nữa, sau khi bé mọc chiếc răng sữa đầu tiên, bé sẽ bắt đầu lượm nhặt các vật xung quanh để cho vào miệng và thậm chí là cố cầm chiếc muỗng để múc đồ ăn cho mình. Lúc này , bé bắt đầu chuyền đồ đạc từ tay này sang tay kia được rồi.
  • Bé từ 9 đến 12 tháng tuổi: Với những sự nỗ lực không ngừng, bé bây giờ đã thành thục kỹ năng cầm nắm của mình hơn. Đây cũng là lúc bạn có thể nhận thấy dấu hiệu của việc thuận tay phải hay trái của bé, tuy là tay thuận không thể xác định chính xác cho đến khi bé 2-3 tuổi. Bé dần hoàn thiện kỹ năng bốc bằng ngón tay trỏ và ngón tay cái với những vật nhỏ hơn. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa bàn tay và các ngón tay giúp bé bắt đầu có thể tự cầm muỗng, nĩa để xúc thức ăn cho mình, mặc dù thật ra thì bé chỉ cầm muỗng bằng một tay và bốc thức ăn bằng tay còn lại.

Mục đích của trò chơi

  • Rèn luyện sự tập trung, chú ý của trẻ.
  • Phát triển vận động tinh.
  • Tăng sự phối hợp linh hoạt của đôi bàn tay.

Mục tiêu

  • Nhận thức: Ba mẹ có thể lồng ghép nhiều nội dung nhận thức vào các hoạt động như: màu sắc, nhận biết logic giữa các thao tác.
  • Vận động tinh: Bé học được cách cầm nắm nhiều loại đồ vật khác nhau, phối hợp linh hoạt đôi bàn tay.
  • Vận động thô: Bé có thể nằm, ngồi để tham gia hoạt động.
  • Ngôn ngữ: Bé hiểu và làm theo các chỉ dẫn của ba mẹ.
  • Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.

Độ tuổi chơi

  • Khoảng từ 4 tháng tuổi trở lên.

Các vật dụng cần chuẩn bị

  • Dâu ruy băng vải màu sắc.
  • Rổ lỗ
  • Bóng dính
  • Khăn voan màu sắc
  • Hộp giấy ăn.
  • Giấy note

Cách chơi

Có rất nhiều cách chơi khác nhau:

  • Cách chơi 1: Chơi với dây ruy băng vải màu sắc và rổ lỗ.
    + Ba mẹ luồn dây ruy băng vào các lỗ trên rổ.
    + Ba mẹ hướng dẫn bé cầm và kéo dây ruy băng ra khỏi lỗ trên rổ.

  • Cách chơi 2: Chơi cùng khăn voan màu săc và hộp giấy
    + Ba mẹ buộc những chiếc khăn voan màu sắc vào thành một dải khăn dài sau đó xếp vào hộp giấy ăn.
    + Ba mẹ hướng dẫn bé cầm 1 đầu khăn và khéo cả dải khăn ra khỏi hộp giấy.
  • Cách chơi 3: Chơi cùng bóng dính:
    + Với hoạt động này, ba mẹ bọc băng dính ngoài quả bóng nhưng mặt dính ra ngoài, khi bé cầm vào bóng, bé sẽ cần dùng tay kia để gỡ bóng ra.
    + Hoạt động này sẽ kích thích quá trình cầm nắm tương đối tốt, vì em bé sẽ có cảm giác rõ ràng ở lòng bàn tay và sử dụng các cơ trong tay linh hoạt để gỡ bóng.
  • Cách chơi 4: Gỡ giấy note: Đây hoạt động đầu tiên trong chuỗi vận động tinh, ba mẹ dính từng tờ giấy note nhỏ lên thành giường, và cho bé dựa vào người mẹ để gỡ những mảnh giấy note xuống. Hoạt động này sẽ kích thích bé chú ý đến mục tiêu và kết hợp tay để hoàn thành nhiệm vụ.

Một vài các lưu ý nhỏ

  • Ba mẹ cần chú ý quan sát và hướng dẫn bé chơi đúng lúc để bé duy trì được hứng thú với hoạt động.

Các hoạt động khác phát triển trò chơi

  • Ngoài ra ba mẹ có thể thay đổi hoạt động bằng cách thay đổi các vật cầm nắm bằng những đồ vật với chất liệu khác nhau.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *