Từ khi mang thai, mình đã đặt mục tiêu 2 năm đầu đời không kháng sinh cho Sóc. Và sau 2 năm nếu đạt được, sẽ mở rộng thành 5 năm. Và trộm vía tỉ lần, Sóc nhỏ vẫn chưa 1 lần dùng tới kháng sinh cho tới thời điểm này.
Để đạt được mục tiêu thì việc học kiến thức từ khi con chưa sinh ra là điều mình làm gần như hơi thở hàng ngày. Ngày nào cũng đọc, ngày nào cũng ghi chép, cứ đến lịch đi khám là hỏi thêm bác sĩ.
Hôm nay mình mới có đủ chăm chỉ để note lại đây, bởi vì nó dài vãi
Trong bài này mình sẽ đi qua 3 phần: Thành phần của hệ miễn dịch, yếu tố suy giảm hệ miễn dịch và cách tăng sức đề kháng.
HỆ MIỄN DỊCH CỦA TRẺ BAO GỒM:
HỆ MIỄN DỊCH TỰ NHIÊN với 3 hàng rào:
Hàng rào cấu trúc: da, niêm mạc, chất nhầy. Trong đó, chất nhầy là dịch sinh lý của đường hô hấp và tiêu hóa, chứa rất nhiều kháng thể và các yếu tố chống nhiễm khuẩn.
Hàng rào hóa học: enzyme tiêu diệt vi khuẩn virus (lysozyme, lipase, interferon, acid béo, bổ thể)
Hàng rào tế bào: đại tế bào, bạch cầu, NK, LAK (có chức năng ăn vi khuẩn virus khi xâm nhập vào máu)
HỆ MIỄN DỊCH ĐẶC HIỆU: Khi hệ miễn dịch tự nhiên hoạt động, đại tế bào sẽ tiết ra chất interleukin – kích hoạt hệ miễn dịch đặc hiệu để tạo ra tế bào lympho B và lympho T để tiêu diệt virus và vi khuẩn. Hệ miễn dịch đặc hiệu sẽ được kích hoạt và tạo ra sau khi cơ thể đã có virus xâm nhập.
CÁC YẾU TỐ NÀO LÀM SUY GIẢM HỆ MD
1. MẸ KHÔNG CÓ ĐỦ KIẾN THỨC CHĂM CON, QUÁ LẠM DỤNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG, VITAMIN.
Cái này là mình gặp thường xuyên nhất, rất nhiều mẹ không có thói quen tìm hiểu chăm con ốm trước khi con bị ốm. Chỉ đến khi con gặp vấn đề gì, mới mang đi bác sĩ và theo bác sĩ uống rất nhiều thuốc. Thật sự, có rất nhiều bác sĩ vẫn chữa theo cách để trẻ hết triệu chứng, chứ không phải chữa tận gốc rễ vấn đề.
Mình từng nghe một mẹ inbox, con bị viêm tiểu phế quản, bác sĩ kê cho một đống kháng sinh và nhỏ mũi có betamethasone (corticoid) để dập tắt triệu chứng cho con mà mẹ không hề biết. Uống 1 tuần, nhỏ 1 tuần không khỏi. Mang ra bác Collin chỉ rửa mũi và thở khí dung là khỏi.
2. CHO CON UỐNG THUỐC HẠ SỐT KHÔNG ĐÚNG THỜI ĐIỂM.
Tại sao khi virus xâm nhập thì cơ thể lại sốt? Do interleukin cài đặt lại điểm biểu nhiệt cơ thể, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
Mình không anti thuốc hạ sốt, cũng không nói là không nên cho con uống. Nhưng sẽ có thời điểm và có những trường hợp phải uống ngay, cũng có những khoảng mẹ vẫn nên để cho con tự chiến đấu với virus, lúc đó cơ thể con đang sản sinh ra kháng thể để củng cố hệ miễn dịch. Quan trọng khi con sốt, mẹ hãy quan sát biểu hiện lâm sàng của con: con có quấy khóc quá không, con có bỏ ăn không, con có lờ đờ không, output lỏng hay bình thường, con có dấu hiệu phát ban hay không ổn ở vùng nào đó không.
Nếu con chỉ hâm hấp sốt, dưới 38.5, và con vẫn ăn chơi ngủ bình thường, thì mẹ hãy kiên trì lau nước mát cho con (khoảng 34,35 độ-lukewarm), mặc thoáng, để thoáng phòng và theo dõi nhiệt độ của con. Và để cơ thể con có cơ hội chiến đấu với virus vi khuẩn.
Có những loại vaccine khi tiêm về, con sẽ sốt nhanh, cao, nhiệt độ tăng đột ngột như viêm màng não mô cầu BC, thì đến khoảng 38 độ, mẹ cũng nên cho con uống, bởi khi con tiêm mũi này về, đã sốt thì sẽ có nguy cơ lên 39 độ có khi chỉ 5p sau, và dễ dẫn đến nguy cơ co giật.
Khi sốt, cơ thể con đang kích hoạt hệ miễn dịch đặc hiệu, giúp lần sau khi con nhiễm cùng loại virus, sẽ có tác dụng nhanh và mạnh hơn, giúp con kháng được virus vi khuẩn và không bị sốt nữa.
3. LẠM DỤNG CORTICOID
Thành phần này là nhiều vô kể trong các đơn thuốc của bác sĩ, có tác dụng chống viêm. Mặc dù việc sử dụng corticoid đúng thời điểm, đúng liều sẽ có tác dụng rất tốt. Nhưng với những bệnh đường hô hấp thông thường (trừ hen suyễn nặng) thì việc dùng corticoid là không cần thiết.
Corticoid thường gặp trong các thanh phần thuốc như betamethasone, dexamethasone…. Việc lạm dụng corticoid sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch và teo tuyến ức – trung tâm của hệ miễn dịch. Khi đó, hệ miễn dịch đặc hiệu không được hình thành, tổ chức lympho không được tạo ra.
4. KHÁNG VIÊM VÀ KHÁNG HISTAMIN
Kháng viêm, kháng histamin hay alphachoay (bản chất là enzyme phá vỡ cấu trúc lớp chất nhầy) hỏng lớp chất nhầy, mất đi chức năng bảo vệ cơ thể của lớp niêm mạc. Do vậy, những loại thuốc co mạch hay kháng viêm, kháng histamin sẽ ảnh hưởng tới lớp chất nhầy bảo vệ cơ thể.
5. LẠM DỤNG KHÁNG SINH
Lạm dụng kháng sinh sẽ khiến cơ thể con kháng thuốc. Kháng sinh cần sử dụng đúng thời điểm và đủ liều dùng, và khi con đã bị nhiễm khuẩn. khi con chỉ nhiễm virus thông thường, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.
6. TRẺ CÒI XƯƠNG, SUY DINH DƯỠNG
Suy dinh dưỡng và còi xương cũng là yếu tố khiến hệ miễn dịch của trẻ giảm đi.
7. THIẾU VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT
Những trẻ thiếu vitamin và khoáng chất (đặc biệt là B6) cũng là nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch của trẻ. Hoạt động của hệ miễn dịch là chuỗi phản ứng sinh hóa dưới xúc tác của enzyme, và vitamin đóng vai trò kích hoạt enzyme hoạt động.
YẾU TỐ TĂNG MIỄN DỊCH CHO TRẺ
1. BỔ SUNG KIỄN THỨC THƯỜNG XUYÊN LIÊN TỤC
Cho dù phương pháp nào, cách nào đi chăng nữa thì việc mẹ có kiến thức là điều đầu tiên và quan trọng nhất khi nuôi con. Chỉ có kiến thức của mẹ mới giúp con khỏe mạnh. Bởi mỗi đứa trẻ sinh ra là một phiên bản hoàn hảo của cấu trúc gen giữa bố và mẹ, chính bố mẹ không có kiến thức mới khiến miễn dịch của con ngày một yếu đi.
2. TỪNG BƯỚC LOẠI BỎ CÁC YẾU TỐ LÀM GIẢM MIỄN DỊCH
3. CHO CON BÚ SỮA MẸ LÂU NHẤT CÓ THỂ (KHOẢNG 2 TUỔI)
Đã từng có mẹ nói với mình rằng: “mẹ Sóc ơi, bé nhà tớ không tăng cân nhiều, tớ muốn bổ sung sữa công thức cho con”. Nhưng thật ra bạn ý chưa hiểu rằng: Sữa mẹ vẫn đang là tốt nhất, và ít sữa thì vẫn nên cố gắng kích sữa cho con để con duy trì sữa mẹ.
Sữa mẹ hay SCT thì đều chứa các chất thiết yếu cho con phát triển. Tuy nhiên, sữa mẹ chứa một lượng lớn kháng thể IgG tốt cho hệ miễn dịch của trẻ. Chính IgG sẽ giúp con chiến đấu với vi khuẩn virus. Nếu mẹ bỏ cuộc hay từ đầu khi ít sữa, hoặc vì tăng cân mà cho con uống sct mà bỏ qua sữa mẹ, cũng có nghĩa là mẹ đang để hệ miễn dịch của con yếu đi. Nếu con bú mẹ, con có thể nhận kháng thể này lên tới 6-9 tháng tuổi.
Ngoài ra sữa mẹ còn có IgAs, và với việc mẹ tiêm phòng đầy đủ trước khi sinh em bé, mẹ cũng đang cung cấp một lượng lớn IgAs qua sữa mẹ cho con.
Lợi khuẩn Bifidobacterium Breve M-16 là một lợi khuẩn có trong sữa mẹ và không có một loại SCT nào có, ngoại trừ Aptamil Profutura của Úc. Đây là công thức độc quyền của Ap Úc, do vậy, khi xưa mình chọn loại sữa này cho Sóc, thay thế cho sữa mẹ là vì lí do như vậy. Và Ap Úc đắt cũng vì công thức lợi khuẩn này.
4. NÂNG SỨC KHỎE HỆ TIÊU HÓA
Khi trẻ ốm và uống nhiều thuốc, hệ vi sinh đường ruột của trẻ bị rối loạn, nhung mao kém, không hấp thụ được dinh dưỡng, dẫn đến teo các tổ chức lympho dưới ruột. Do vậy, cách để nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa đó là bổ sung men vi sinh để củng cố hệ vi sinh đường ruột định kỳ.
Men vi sinh bản chất là lợi khuẩn, những vi khuẩn này có thể bị chết bởi kháng sinh và acid dạ dày. Do vậy, mẹ có thể tìm mua men vi sinh bao kép để đảm bảo tỉ lệ sống cho lợi khuẩn.
5. BỔ SUNG VITAMIN ĐỊNH KỲ
Đối với trẻ kém ăn trong thời gian dài, hoặc cơ địa dị ứng, mẹ có thể bổ sung vitamin định kỳ cho con. Tuy nhiên, có nhiều người bán hàng khi tư vấn sẽ tư vấn loại vitamin chứa cả sắt, lysine, canxi; nếu bổ sung những loại như vậy, mẹ sẽ không kiểm soát được lượng chất đưa vào cơ thể trẻ, nhiều quá sẽ gây tương tác và giảm hấp thụ của nhau.
Mình đã từng nói với 1 người về việc bổ sung men vi sinh, và bạn bán hàng đã đưa cả men vi sinh tổng hợp thêm cả rất nhiều chất khác nữa, rồi tư vấn là có lysine thì mới hấp thụ tốt bla bla… Nhưng không có một ai có thể nói 1 người là thiếu chất khi không có xét nghiệm. Do vậy, nếu bổ sung vitamin hay men vi sinh, hãy mua loại thuần.
6. VACCINE
Tiêm Vaccine là tiêm các kháng nguyên vào máu, kích thích quá trình sản sinh Lympho B và T. Và mẹ chắc chắn nên tiêm đúng lịch. Đợt dịch Covid lần 1 năm ngoai, rất nhiều mẹ vì dịch mà hoãn tiêm của con. Nhưng đây đang là giai đoạn con phơi nhiễm với các loại virus vi khuẩn gây bệnh, nên càng kéo dài thời gian tiêm, sẽ càng khiến cơ thể con mất nhiều thời gian để sản sinh kháng thể đối với loại bệnh đó.
Tại sao tiêm vaccine phòng bệnh nhưng vẫn bị bệnh đó? Tiêm vaccine là tiêm kháng nguyên vào máu, kích thích quá trình sản sinh lympho B và T. Vì vậy khi con đang ốm nhưng mẹ đưa con đi tiêm vaccine, tổ chức lympho đang bị ảnh hưởng, do đó, vaccine sẽ không có tác dụng.
7. VẬN ĐỘNG
Vận động là điều không thể thiếu đối với một đứa trẻ trong quá trinh rèn đề kháng. Mẹ cũng đừng sợ con bẩn, sợ con dính vi khuẩn mà ngăn con vận động. Điều cần ghi nhớ là luôn giữ sạch tay con khi con cầm đồ ăn bỏ vào miệng. Đây cũng là tiêu chí khi minh chọn trường mầm non cho Sóc – trường phải có khu vận động ngoài trời và phải gần với thiên nhiên để con có cơ hội nghịch ngợm và trải nghiệm.
Có loại TPCN, tinh dầu nào tăng sức đề kháng không? KHÔNG CÓ. Rèn đề kháng là cả quá trình, không thể dựa vào TPCN.
Bài viết đã tham khảo ý kiến từ bác I-an Maria, bác Collin bên Family Medical Practice, bác Trương Minh Đạt bên trung tâm sức khoẻ Nhi khoa Century
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)