Th9 22, 2021

SÓC NHỎ VỚI HÀNH TRÌNH TU TI VÀ KÍCH SỮA MẸ

✍🏼 Sơ bộ về thông tin cá nhâ của mình: Sau cơn đau đẻ thường 5p như một chiếc gió thổi qua thì bạn Sóc chào đời lúc 39 tuần và cân nặng là 2.8kg. Sóc bú mẹ ngay sau khi sinh và đã tu luôn sạch sẽ nguồn sữa non nhiều dinh dưỡng từ mami.
✍🏼 Hồi xưa mình ngực lép (thật sự), lúc bầu ai cũng bảo thế này làm gì có sữa. Nhưng mà sau đó thì tất cả mọi người xung quanh đều phải công nhận mình là một con bò sữa thật sự. Ngày thứ 3 sau sinh, sữa đã bắt đầu về tràn trề và ngực rạn như trứng gà nở. Lúc đó sau khi cho con bú no tròn bụng xong, thì mình vắt được khoảng 100-200ml tùy cữ.
✍🏼 Và Sóc được khoảng 10 ngày tuổi thì sữa nhiều tới mức ám ảnh. Khi mà cứ 2-3 hôm lại tắc tia một lần vì sữa đặc và nhiều, xong rồi chỉ cần 1 tiếng rưỡi là ngực như bom nổ chậm. Đợt đó vắt 15p được khoảng 500ml sữa. 1 ngày tổng chắc phải 2 lít bỏ tủ. Đêm nằm ngủ quên cữ vắt là xác định hôm sau sẽ phải thay hết chăn ga gối đệm vì sữa chảy.
✍🏼 Đợt đó mình thuê tắm bé và massage sau sinh từ ngay khi ở viện về. Bạn hộ tá đến massage ngực giãn nang sữa và massage bụng nữa. Vì massage ngay từ đầu nên nang sữa của mình được giãn ra, các ống sữa cũng đỡ bị tắc hơn. Mình bị tắc vì lượng sữa dồn vào quá nhiều, rồi sữa đặc gây đọng cặn. Nhưng vì massage liên tục nên tình trạng luôn được kiểm soát, không chuyển sang áp xe và có mủ. Đầu ti có 5-7 tia sữa mỗi bên, và tia sữa cũng to. Đợt đó Sóc toàn bị sữa phun đầy mặt.
✍🏼 Nhưng đến khi Sóc khoảng 5-6 tháng thì mình làm luận văn, thức đêm quá nhiều kèm lo lắng nên sữa mất dần, và đỉnh điểm là vắt ra chỉ ở mức tráng lọ. Nên mình đang ngồi viết lại những đau thương trong quá trình kích lại sữa cho Sóc.

MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ SỮA MẸ
(1) TẤT CẢ các bà mẹ ĐỀU CÓ SỮA, chỉ có điều sữa ÍT hay NHIỀU, sữa về NHANH hay CHẬM. Những mẹ đẻ mổ thì sữa sẽ về chậm hơn đẻ thường.
(2) Tâm lý của mẹ sẽ rất ảnh hưởng đến lượng sữa và chất lượng sữa. Khi mẹ stress, Prolactin, Oxytocin, Estrogen, và Progesterone giảm đột ngột gây ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa, khiến sữa giảm dần và mất hẳn. Những lúc như này, mình thường ôm ấp và hôn con để kích thích sản sinh Oxytocin, có lợi cho việc tiết sữa.
(3) Những điều cần lưu ý để duy trì và kích sữa:

Luôn uống nhiều NƯỚC ẤM

Cho con ti trực tiếp cùng với vắt sữa đều đặn

Ăn uống điều độ và giữ tinh thần thoải mái

Uống sữa ông thọ (cái này mình rút ra từ bản thân thôi)

KIÊNG: rượu, bia, chất kích thích…

HÀNH TRÌNH KÍCH SỮA
CHÚ Ý BAN ĐẦU

  • Luôn rửa tay sạch sẽ, vệ sinh đầu ti, quầng vú, tiệt trùng máy vắt sữa, bình sữa sạch sẽ (mình dùng Cimilre S5 của Hàn Quốc, có pin tích điện, có thể đi loăng quăng trong nhà mà vẫn vắt sữa được, có 10 mức độ – 5 massage + 5 vắt, lực hút mạnh hơn Medela Pump)
  • Luôn uống nước ấm, sữa ấm, ngũ cốc ấm trước khi vắt 15p (Mình uống ngũ cốc lợi sữa Upspring Milkflow của Mỹ)
  • Uống nước ấm xong sẽ massage ngực khoảng 10p rồi mới vắt (clip massage ngực trên youtube nhiều cực)
  • Cho dù con bú xong rồi, nhưng đến cữ vắt thì vẫn vắt như bình thường
  • Luôn để con bú song song với vắt (vì khi con bú là kích thích tiết sữa tự nhiên và tốt nhất)
  • Luôn kích đúng giờ, không chênh lệch quá 20p
    -Trong khi vắt, KHÔNG nhìn chằm chằm vào cái bình sữa, hãy lấy một quyển sách ra đọc, học lướt web, hoặc chat với bạn bè để thư giãn đầu óc và giúp quên đi áp lực kích sữa.

CÁCH KÍCH SỮA

  • Vắt theo cữ đều đặn 3 tiếng 1 lần (L3) (3 tiếng kể từ khi bắt đầu vắt)
    (0h-3h-6h-9h-12h-15h-18h-21h-0h và tuyệt đối không bỏ cữ đêm, có díu mắt cũng bò dậy mà vắt, khi nào nhiều sữa rồi thì mới giãn cữ đêm dần và cho con bú thôi)
  • Uống nước ấm và massage
  • Thời gian: Tổng thời gian là 30-40p cho 1 lần vắt, trong thời gian này sữa sẽ về khoảng 2-3 lần. Chia nhỏ thời gian: Để chế độ massage của máy khoảng 5p và tăng dần lực massage cũng như lực hút. KHÔNG tăng đột ngột đến mức cao nhất, Vắt 15p đều 2 bên. Chuyển lại chế độ massage khoảng 10p, sau đó vắt khoảng 10p tiếp tục.
  • Sau khi vắt, ngực mềm, sờ nắn không có cục.

Sữa mẹ tiết theo nhu cầu, nên khi hút sữa đều đặn, nghĩa là đang báo hiệu cho cơ thể mẹ rằng con đang cần ngần đó sữa, cơ thể mẹ sẽ điều chỉnh để cung cấp đủ lượng sữa cho con.

VỆ SINH MÁY VẮT SỮA
Vắt sữa xong, để sữa vào lọ/túi trữ, phễu vắt bỏ vào túi zip sạch và bỏ ngăn mát tủ lạnh. Sau khoảng 3-4 cữ vắt thì tráng và tiệt trùng 1 lần.
Máy tiệt trùng UV: Haenim

CHỌN SIZE PHỄU HÚT SỮA

Nếu size phễu nhỏ, mẹ hút sẽ bị đau đầu ti và thậm chí nứt cổ gà. Cách đo size phễu như trong ảnh.

Nếu phễu như của Avent hoặc Cimilre S5 có đệm silicon bên trong, thì size phễu thực tế PHẢI GIẢM đi khoảng 2mm. Và theo kính nghiệm cá nhân tự nhận thấy, thì đệm silicon sẽ giúp massage ngực và tiết sữa tốt hơn phễu nhựa thường.

MẸ BỊ TẮC TIA SỮA

  • Cố gắng massage, lấy khăn ấm chườm.
  • Cho con bú trực tiếp, nếu nhẹ có thể hết tắc ngay.
  • Nếu mẹ sữa đặc và nhiều thì không nên uống lợi sữa và ăn những đồ ăn quá dầu mỡ và ngọt béo, dễ gây đọng cặn và cục cứng.
  • Luôn giữ sạch đầu ti và không để sữa đọng lại sau mỗi lần vắt.
  • Nếu tự làm không hết thì phải nhờ đến bên thông tắc tia sữa.
  • Có thể cân nhắc uống lá bồ công anh. Tuy nhiên bản chất của lá bồ công anh là tiêu sữa. Lượng sữa giảm đi thì sẽ bớt tắc. Nên cẩn trọng với liều dùng.
  • Luôn vắt kiệt sữa, khi bóp bằng tay thấy sữa chỉ nhỏ giọt mới gọi là kiệt sữa.

BẢO QUẢN SỮA MẸ

Sữa mẹ ở nhiệt độ phòng dưới 24 độ để được 4 tiếng, 25 độ trở lên tối đa 2 tiếng. Sữa mẹ để ngăn mát tủ lạnh (Sát chỗ tạo lạnh trong tủ chứ không phải cửa tủ) được 1 ngày, sau đó nên cho lên ngăn đá.

  • Ngăn đá: 3-6 tháng tùy điều kiện bảo quản (có túi zip hay không, có lẫn đồ ăn khác hay không, chất lượng túi trữ…)
  • Tủ đông: 6-12 tháng

Sữa mẹ rã đông nên để từ ngăn đá xuống ngăn mát. Và hâm nóng dưới 40 độ. Hâm từ từ và thật kiên nhẫn, không thả vào nước sôi vì mất hết chất của sữa. (Nhiều mẹ thấy con quạu ầm lên vì đói là vặn nhiệt độ bình hâm cao lên để nhanh rã đông, nhưng như thế là sai)

Xin sữa từ người quen thân, nếu người lạ phải thật sự cân nhắc. Đã từng có trường hợp các mẹ khó khăn, sau đó pha loãng sữa mẹ với nước lọc rồi trữ đông đem đổi bỉm. Hoặc pha sữa ông thọ với Vanilla và trữ đông, khiến một bạn nhỏ bị ngộ độc khi mới được 1 tuần tuổi.

LUÔN TÍNH LƯỢNG ĂN của con theo từng tuần, tháng để dự tính lượng sữa mẹ, lượng sữa dự trữ lại để nếu sữa có ít đi thì vẫn duy trì được sữa cho con.

MỘT VÀI THẮC MẮC VỀ SỮA CÔNG THỨC

  • Sóc dùng Aptamil Profutura của Úc vì có lợi khuẩn Bifidobacterium giống như sữa mẹ.
  • Không còn cách nào khác ngoài cách thử để xem con có hợp sữa hay không
  • Sữa có canxi hữu cơ mới là sữa tăng chiều cao
  • Con có đoạn giãn ruột và nhiều ngày k đi ngoài => k phải táo bón
  • Con rặn ị khó khăn và bị đau => táo bón
  • Cân nặng phải so theo khung chuẩn, không phải “nhìn bé quá, nhìn nhẹ cân thế”. Theo dõi cân nặng trên app Growth theo khung của WHO và CDC. Mẹ có thể đọc về app này tại đây.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *