Th1 26, 2022

SÓC NHỎ BỊ ỐM – 23m10ds

Sắp đến sinh nhật mà Sóc lại bị ốm, thành ra kế hoạch đi chơi vào sinh nhật đã phải tạm hoãn. Hôm 2/12, cô giáo đến nhà dạy và Sóc quấy hơn bình thường, chỉ muốn được ôm. Sóc cũng ăn ít hơn bình thường. Đêm hôm đó, Sóc ngủ với bà, và bà bảo Sóc ho một lúc, và cứ tỉnh dậy nửa đêm, cho ngón tay vào trong họng và ọe ra. Cả nhà sợ Sóc bị vướng vật gì đó trong họng nên sáng hôm sau đặt lịch bên FMP bác Maria để Sóc đi khám.
Đến nơi thì Sóc nôn tất cả đồ ăn sáng ra và nôn hết ra người mẹ người con. Các bác sĩ bên FMP hỗ trợ vệ sinh cho 2 mẹ con xong thì Sóc được đưa vào khu khám bên ngoài riêng (vì có ho). Bác Maria khám xong và chẩn đoán đau họng, họng đỏ, có một ít đờm vì do dịch mũi chảy xuống họng và đọng lại ở họng. Mọi thứ khác bình thường.
Đơn thuốc của bác kê gồm có: Desloratadine loại siro (Đây là một loại kháng Histamine để điều trị cho những trường hợp viêm mũi dị ứng, Desloratadine hoạt động bằng cách ngăn chặn một chất tự nhiên nhất định là histamine mà cơ thể tạo ra trong phản ứng dị ứng; có thể Sóc bị mũi họng do thay đổi thời tiết), và xịt họng keo ong.
Mình có gọi hỏi bên Dược sĩ của FMP thì bác có bảo Desloratadine sẽ giảm tiết chất nhầy của mũi, cải thiện tình trạng sổ mũi. Mà Sóc thì chưa tới quá mức sổ mũi nên mình không dùng.
Bác sĩ hỏi mình có lấy thuốc cho Sóc dùng không, thì mình quyết định không lấy. Lúc đó, mình thực sự thấy tình trạng của con vẫn ở mức mà mình biết là ổn, chỉ cần kiểm tra và không bị mắc vật lạ trong họng là được. Hơn nữa, thuốc ở FMP đắt nên mình cũng không mua tại đó. Mình đưa Sóc về và rửa mũi cho con ngay sau khi về (vì khi nôn sợ là con hoảng nên sộc lên mũi).
Chiều hôm đó, chơi thơ thẩn cả chiều thì đến khoảng 6h tối, Sóc bắt đầu chảy nước mũi không kiểm soát. Bắt đầu sốt, đo nhiệt độ ở tai là 38 độ, bám mẹ nhưng cũng không quấy khóc. Thế là 2 mẹ con bắt đầu một hành trình với ốm. Mình đi kiểm tra thuốc thang và chuẩn bị tất cả mọi thứ dồn lại một chỗ để tiện lấy, từ tình trạng thuốc, loại thuốc, thay pin nhiệt kế nếu cần và những thứ trong checklist dưới đây:

🔴 1. THEO DÕI VÀ GHI LẠI NHIỆT ĐỘ CỦA CON
Thường thì mình sẽ khi lại vào trong Ghi Chú của điện thoại, những thứ cần ghi là tất cả những gì có thể hữu ích về mặt thông tin nếu cần vào viện và báo lại với bác sĩ:
✔️ Nhiệt độ của con là bao nhiêu?
✔️ Con bắt đầu sốt lúc mấy giờ?
✔️ Cữ sốt như thế nào? Mấy tiếng sốt lại 1 lần?
✔️ Biểu hiện lâm sàng là gì? (Con có quấy, có nổi mẩn, output lỏng hay không?)
✔️ Lượng ăn của con so với thông thường? Mẹ đã bổ sung thêm gì cho con?
✔️ Những loại thuốc và biện pháp hạ sốt gì mẹ đã làm?
✔️ Nếu rửa mũi thì tốt nhất là hứng mũi của con bằng chậu/khay nhựa trong để nhìn rõ lượng mũi và tình trạng mũi + chụp và lưu lại.

Với những lúc Sóc sốt cao, thậm chí cứ 10p là mình lại đo một lần cho con để đảm bảo rằng Sóc sẽ không sốt cao quá nhanh mà mẹ lại không biết. Đêm nếu không thể dậy thì đặt báo thức.

🔴 2. RỬA MŨI
Cách rửa mũi thì mình đã có một bài khác. Mọi người có thể xem tại đây: https://mevasoc.com/cham-soc-tai-mui-hong-cho-soc-rua-mui/
Đối với lần này, cái mà mình cân nhắc khi rửa mũi là loại muối rửa. Đây là lần đầu tiên Sóc bị sổ mũi mà ở tình trạng “chảy thò lò”. Tối hôm Sóc sốt, thì mình chợt nhớ ra có loại muối khác có tính kháng viêm cao hơn – muối ưu trương (loại muối mình thường dùng hàng ngày là muối đẳng trương).
Và mình thì luôn dự trữ sẵn 3 loại muối: Tép hồng, xanh và vàng của Gifrer (Loại này thì mọi người quá quen rồi). Sau đó thì mình bắt đầu search nhanh thông tin về màu xanh và vàng trên trang chủ của Gifrer (Đây mới là nguồn chính thống ạ). Và đây là những gì Gifrer cung cấp về thông tin sản phẩm (Trang này bằng tiếng Pháp nhưng có thể chọn bản tiếng Anh):

✔️ Muối xanh:

Đây là muối ưu trương (tiếng Pháp: hypertonique, tiếng Anh: hypertonic – từ này được ghi ngay trên vỏ hộp của muối xanh). Muối ưu trương là muối có nồng độ chất tan lớn hơn nồng độ các chất tan trong tế bào. Do vậy muối ưu trương giúp hút nước ra khỏi tế bào và làm giảm phù nề niêm mạc mũi. (Hiệu quả của muối ưu trương được công bố trên nghiên cứu của Kanjanawasee D và cộng sự, 2018)

Muối ưu trương sẽ làm giảm tình trạng ngạt mũi (blocked nose), khô niêm mạc mũi (dryness of mucous membranes).

kết hợp natri hydrat giúp làm giảm tình trạng khô rát so với muối ưu trương thông thường
✔️ Muối vàng:

là dung dịch rửa mũi trị cảm lạnh, và viêm mũi họng. Muối vàng có chứa NMSL và cỏ xạ hương (có tính kháng khuẩn).
Với Sóc thì mình sử dụng loại muối vàng cho Sóc. Ngày sẽ rửa khoảng 2 lần và xen kẽ với muối hồng. Sau 2 ngày kiên trì và kết hợp các biện pháp khác thì Sóc đã chuyển sang mũi vàng và hết sổ mũi, mặc dù mũi vẫn còn dịch nhầy và rửa vẫn ra mũi.
Bây giờ thì Sóc sẽ rửa bằng muối hồng bình thường thôi. (Rửa bằng xilanh 5ml + đệm mũi silicon ở đầu để tránh xước niêm mạc mũi, muối rửa mũi Neilmeds Kids, 1 gói muối pha với 120ml nước lọc ấm).

🔴 3. HẠ SỐT
Những biện pháp thông thường nhất đó là: Mặc thoáng, lau người bằng nước hơi âm ấm thấp hơn nhiệt độ cơ thể con, nhưng không quá mát (lukewarm), ngâm chân.

🔺 CÁC LOẠI HẠ SỐT
Hạ sốt sẽ chia làm 2 loại chứa thành phần chính là paracetamol/acetaminophen và ibuprofen.
✔️ Đối với trẻ nhỏ, khi hạ sốt luôn ưu tiên paracetamol
✔️ Liều dùng của paracetamol là 4-6 tiếng và ibuprofen là 6-8 tiếng
✔️ Không tự ý dùng ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng, và đặc biệt khi trẻ bị sốt xuất huyết
Không dùng 2 loại hạ sốt cho 1 lần sốt
✔️ Loại hạ sốt mà Sóc đang dùng là DOLIPRANE dạng siro có sẵn vạch chia theo cân nặng khá tiện.
✔️ Ngoài ra mình trữ thêm 1 hộp đút đít hạ sốt.
Trong trường hợp con đang ngủ mà bị sốt, thì đút đít là một trong những biện pháp hạ sốt tối ưu nhất (ngoại trừ con bị tiêu chảy).
👉 Thứ nhất, con đang ngủ là khi con đang thoải mái và cơ thể thư giãn thả lỏng, không nên gọi con dậy để uống hạ sốt, vì mục đích của uống hạ sốt là làm con dễ chịu hơn.
👉 Thứ hai, nhiệt độ đo ở hậu môn là chính xác nhất, do vậy, việc hạ sốt từ hậu môn sẽ có tác dụng nhanh hơn.
👉 Thứ ba, nếu con uống hạ sốt mà bị nôn trớ, thì cơ thể chưa kịp ngấm thuốc hạ sốt đã bị nôn ra ngoài.
⭕️ Lưu ý:
❌ Miếng dán hạ sốt:
Thành phần chủ yếu của miếng dán hạ sốt là hydrogel hoạt động theo cơ thế hấp thụ nhiệt và phân tán nhiệt ra bên ngoài. Một số loại dán có thêm thành phần tinh dầu, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt độ.
Tuy nhiên:
✔️ Da em bé khá mỏng nên dễ bị rát khi dùng loại có chứa tinh dầu, một số em bé sẽ bị dị ứng
✔️ Khi sốt cao mà dán sẽ bị mất cân bằng nhiệt cơ thể và gây co giật
✔️ Chỉ là dạng dán ngoài da nên không có tác dụng hạ sốt nhiều
⁉️⁉️⁉️ Tại sao paracetamol có thể hạ sốt?
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng paracetamol làm giảm tín hiệu đau trong não bộ và ngăn chặn quá trình sản sinh prostagladins (chất gây sốt và đau).

🔴 4. NHIỆT KẾ
Loại nhiệt kế chính xác nhất là nhiệt kế thủy ngân. Đối với Sóc, mình dùng loại điện tử để đỡ nguy hiểm. 2 loại nhiệt kế mà Sóc dùng là loại đo tai và đo trán của Braun (Khoảng 1500k/cái). Luôn luôn trữ 2 cái trong nhà phòng trừ hết pin và check chéo nhau để phòng sai số. Đo 10-20 phút 1 lần để theo dõi cữ sốt của con và ghi lại. Nhiệt kế này sẽ ghi lại được quá trình đo nhiệt của con (mục memory).


🔴 5. DẦU ẤM
Dầu ấm để xoa 1 ít vào lòng bàn chân khi con tắm xong (và có thể là ngực và lưng nếu con hết sốt). Sóc bị lạnh chân, không phải chỉ vì sốt nên chân tay co mạch, mà vì vốn dĩ Sóc giống mẹ, nên nếu chân lạnh có thể gây sốt khi không được ủ ấm, khả năng tự làm ấm của cơ thể rất kém. (Mình dù đi bốt nỉ rồi bít tất ấm mà trời lạnh thì chân vẫn lạnh), và Sóc y chang như thế luôn. Nên đối với Sóc thì mặc dù sốt, việc đi một đôi bít tất lưới mỏng vẫn cần thiết.
🔴 6. XÔNG TINH DẦU PHÒNG
Loại tinh dầu mà mình xông là dầu tram, đèn xông tinh dầu của Medisana. Để giữ ấm phòng và sạch không khí khi trời lạnh, giúp Sóc dễ chịu khi hít thở hơn.
🔴 7. ĐIỆN GIẢI, NƯỚC DỪA
Mình mua loại điện giải có nhiều hương vị dễ uống của hãng nào đó không nhớ, nhưng Sóc cũng không chịu uống. Nên đành mua nước dừa thay thế.
🔴 8. ĐỒ ĂN
Một trong những lí do khiến Sóc từ chối ăn là do họng đau nên không muốn nuốt những đồ nóng, cứng và khó nuốt. Nên thời gian Sóc ốm, mình ưu tiên những loại đồ ăn mềm, dễ chịu. Những loại đồ ăn từ yến mạch sẽ được ưu tiên hàng đầu vì tính dễ tiêu.
Ngoài ra, Sóc rất thích ăn Lê hấp táo đỏ đường phèn mỗi khi ốm. Cách làm siêu dễ: Cắt phần đầu núm quả lê để thành 1 cái nắp, khoét phần lòng quả lê và cho đường phèn, táo đỏ, gừng, kỳ tử vào, đậy nắp vừa cắt lại và hấp khoảng 20p là xong.
🔴 9. XỊT HỌNG KEO ONG
Sóc dùng loại xịt họng keo ong của Vitatree. Thực ra Sóc chỉ xịt 2 lần vào 2 tối trước khi đi ngủ. Xịt họng có thể dùng cho bé 2T, dưới 2T mẹ cho bé dùng siro ho cũng được. Mình dùng xịt họng lần này vì Sóc ho và hơi khó ngủ. Thực ra bản chất của ho là cơ chế đẩy đờm hoặc những vật bị hóc ra khỏi cổ họng, nên ho là tốt. Tuy nhiên, ho khiến bé khó ngủ thì mình sẽ dùng xịt họng hoặc siro ho để con ngủ ngon hơn. Giấc ngủ của con rất quan trọng vì ngủ ngon con sẽ có nhiều năng lượng và khỏe hơn. Ban ngày nếu ho thì sẽ không phải vấn đề lắm, nên mình thường kệ.

🔷🔷🔷 TỔNG KẾT: Lần ốm này thì mũi họng của Sóc bị nặng hơn, nhưng sốt chỉ đúng 1 lần vào đêm ngày 3.12. Sau 2 ngày thì mọi thứ đã ổn hơn rất nhiều. Và mẹ lại “lì” hơn một tí.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *