Trong giai đoạn bầu, mình đã từng đọc vài cuốn sách như Đọc vị các vấn đề của trẻ, Nuôi con không phải là cuộc chiến. Có những kiến thức qua thời gian sẽ trôi đi rất nhanh, cũng có những câu đã lưu lại trong mình đến tận bây giờ. Đó là:
Mới chỉ vài phút trước thôi, con vẫn ở trong bụng mẹ, vẫn đang nhận nguồn dinh dưỡng qua nhau thai, vẫn hít thở trong môi trường nước ối, tất cả mọi sự phát triển và vận động của cơ thể đều có sự trợ giúp từ mẹ. Nhưng giây phút con chào đời, tất cả mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong đời, các cơ quan trong cơ thể con hoạt động một cách độc lập và không có sự trợ giúp từ mẹ nữa. Con phải hít thở, phải học cách bú, phải học cách bài tiết… Thế giới xung quanh bỗng sáng bừng lên với ánh đèn điện và rất nhiều âm thanh khác nhau. Cơ thể nhỏ bé của con đang phải xử lý quá nhiều vấn đề mà con chưa từng gặp trong suốt 9 tháng bên mẹ. Dường như thế giới này đang là quá nhiều đối với con.
Chính điều này đã giúp mình luôn nhắc nhở bản thân phải nhìn con từ góc nhìn của con, chứ không phải từ góc nhìn và mong muốn của mẹ. Đó là nhận thức ban đầu của mình về thế giới của con. Sau đó mình có đọc thêm về phát triển nhận thức cho trẻ, và mình biết đến học thuyết của Jean Piaget một cách khá tình cờ. Đó là khi mình đang làm luận văn thạc sĩ, việc sử dụng google scholar liên tục và tìm kiếm thông tin dưới dạng nghiên cứu khoa học đã đưa mình đến với nghiên cứu của ông Piaget ngay khi mình search cụm từ “cognitive development”. Ông đã nghiên cứu và phát triển học thuyết này thông qua quá trình quan sát tự nhiên và có kiểm soát (naturalistic and controlled observation) với chính những đứa con của mình.
Trong học thuyết này, ông đưa ra nhận định về sự phát triển nhận thức của trẻ qua 4 giai đoạn:
- Sensorimotor (Giai đoạn giác cảm) 0-2 tuổi
- Preoperational (Tiền thao tác) 2-7 tuổi
- Concrete operational (Thao thác cụ thể) 7-11 tuổi
- Formal operational (Thao tác hình thức) 12 tuổi trở lên
Giai đoạn 1 (Sensorimotor) (0-2 tuổi) tập trung vào sự khám phá thông qua 5 giác quan. Đây là định hướng đầu tiên cho mình đối với việc không xem tivi và điện thoại sớm, bởi vì con sẽ phát triển tốt nhất thông qua việc khám phá bằng giác quan của cơ thể. Mặc dù khi xem tivi, con vẫn ghi nhớ và học được nhiều thứ; nhưng xem tivi có chứa quá nhiều thông tin cùng một lúc. Nó giống như việc cung cấp cho con một khối lượng mảnh ghép lớn, lộn xộn mà đang quá sức với não bộ của con. Con sẽ khó khăn trong việc sắp xếp mọi thứ lại thành một bức tranh toàn cảnh về thế giới, và con cũng dễ cáu gắt hơn.
Có một xu hướng mà bố mẹ thường thấy đó là: Con hay bỏ tất cả đồ chơi ra sàn nhà và bày hết ra. Điều này thực ra không phải con bày bừa hay con không biết cất dọn; bởi người lớn luôn làm mọi thứ theo trình tự và ngăn nắp. Nhưng trẻ con thì đang tìm cách để lấy nhiều thông tin hơn. Con sẽ nhặt chỗ này một ít, chỗ kia một ít và bày ra trước mặt. Sau đó sẽ lưu trữ thông tin, ghi nhớ, dán nhãn và cố gắng ghép chúng lại với nhau thành một hình ảnh thế giới rộng lớn hơn, với hi vọng mình có thể tác động tới thế giới.
Sự phát triển nhận thức lớn nhất của giai đoạn này là Sự trường thực của vật thể (Object Permanence). Điều này được lý giải đơn giản là phát triển nhận thức của con về sự tồn tại của vật dù cho có nhìn thấy vật đó hay không. Giai đoạn nhận thức này được phản ánh qua những tình huống như: Khi con đang đòi một vật, nhưng mẹ đánh lạc hướng con bằng một hành động khác, con sẽ rất nhanh chóng quên đi vật mình đang đòi. Trong giai đoạn này, hoạt động nổi bật là giấu vật đi để con tìm, và giúp con nhận biết được: Mặc dù con không nhìn thấy, nhưng vật đó vẫn tồn tại.
Giai đoạn 2 (Preoperational) (2-7m) nhấn mạnh sự phát triển Nhận thức mang tính trừu tượng (Symbolic Thought). Câu hỏi được đặt ra trong thời gian này đó là: Hình này/vật này biểu trưng cho cái gì (cái gì tổng thể)? Nhận thức trừu tượng này không nhất thiết bắt đầu vào thời điểm con 2 tuổi, mà có thể bắt đầu ở khoảng 18 tháng – giai đoạn giao thoa giữa 2 khoảng phát triển nhận thức. Điều này cũng khiến con rơi vào khủng hoảng tuổi lên 2, bởi vì chính trong nhận thức của con cũng đang có sự đấu tranh dữ dội.
Vào thời gian này, Sóc (21 tháng) đang có khủng hoảng nhận thức và những hoạt động tập trung nhiều nhất đó là xây dựng những hình ảnh mang tính biểu tượng cho con. Đơn giản như: liên hệ hình vẽ – vật thật – mô hình của các con vật, để con thấy sự hiện diện của các vật khắp mọi nơi, giúp con khám phá ra những đặc điểm sẽ không bao giờ thay đổi của vật (ví dự như cái bờm của sư tử, cái đuôi và vây của con cá, cái vòi của con voi…).
Trong giai đoạn 2, con sẽ nhìn nhận thế giới thông qua việc “thế giới trông như thế nào” chứ không phải “thế giới thực sự như thế nào” (How the world looks – rather than – how the world is). Con phản ánh về thế giới bằng ngôn ngữ và trí tưởng tượng của mình. Con cũng tin rằng đồ vật cũng có sự sống và tình cảm; đây cũng là một đặc điểm mà mẹ có thể tập trung để phát triển trí tuệ cảm xúc cho con.
Đặc điểm khác đó là con có xu hướng coi mình là trung tâm, và con sẽ thường hành động theo trực giác. Có thể là “con cảm thấy rằng mẹ sắp đi làm, con cảm thấy rằng mẹ đưa đồ chơi cho bạn khác là không yêu mình”; và chính những đặc điểm nhận thức này đã hình thành nên những hành vi như “giữ khư khư đồ, đánh bạn, và đôi khi là hơi ích kỷ”.
Giai đoạn 3 và 4 sẽ phán ánh quá trình nhận thức logic và khả năng nhìn nhận mang tính thử nghiệm và dự đoán hơn. Ví dụ như những bạn từ 7-11 tuổi có thể bắt đầu với những nhóm hoạt động đòi hỏi trình tự. Những nhóm 12 tuổi trở lên có thể bắt đầu tự làm những thí nghiệm nho nhỏ. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, mình sẽ tập trung vào độ tuổi 0-7 tuổi hơn.
Qua một cái nhìn tổng quan, mọi người có thể thấy rằng: khủng hoảng ở độ tuổi là một việc tất yếu sẽ xảy ra, bởi vì con mới có vài tuổi, con chưa có năng lực ghép một bức tranh tổng thể về thế giới. Nên khi nhận thức phát triển, nhưng phát triển của cơ thể không tương đồng với nhận thức, con chưa biểu đạt được bằng lời nói, bằng cử chỉ, chưa hiểu được cảm xúc của bản thân, thì việc con cáu gắt, con ầm ĩ, con ném đồ đạc là chuyện hết sức bình thường. Bản thân mẹ phải học cách bình tĩnh mới đồng hành cùng con một cách có hiệu quả.
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)