Th6 21, 2023

NUÔI DƯỠNG SỰ TỰ TIN TRONG CON (Phần 2)

Trong phần 1, mình đã chia sẻ về những yếu tố để tạo thành sự tự tin cho con và 11 điều mà mình áp dụng với Sóc, phần 2 sẽ tiếp tục nội dung với cùng chủ đề này.

Bố mẹ có thể theo dõi phần 1 tại đây.

NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ CÓ THỂ LÀM ĐỂ NUÔI DƯỠNG SỰ TỰ TIN BÊN TRONG CON (tiếp)

12. Nhận ra mong muốn, ước mơ của con; con có quyền được là chính mình

Thông thường, bố mẹ sẽ muốn con cái có một số phẩm chất và khả năng cụ thể mà bố mẹ cho là cần thiết và hữu ích với con. Nên trong khi dạy con, chúng ta vô tình không chú ý tới hoặc không đánh giá cao những phẩm chất mà con đang có. Hãy cố gắng đánh giá khách quan những kỳ vọng của bản thân về con cái: Những kỳ vọng đó có quá cao không? Đôi khi, con có thể bị ám ảnh bởi nỗi sợ không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, nỗi sợ thất bại, điều này làm suy yếu nền tảng niềm tin của trẻ vào bản thân. Việc người lớn có thể hiểu nhu cầu và sở thích của con mình là cực kỳ quan trọng. Nhìn nhận con như một người lớn độc lập, giảm bớt những lý do để khiển trách đi, và tập trung vào những lý do để tự hào và khen ngợi.

13. Phát triển tài năng và khả năng của con

Tài năng là những gì được cho là gắn với khả năng vốn có (VD như con thiên về nghệ thuật, con có trí thông minh ngôn ngữ, con thiên về logic toán học). Điểm mạnh/khả năng là thế mạnh thông qua rèn luyện mà tạo thành. Điểm yếu sẽ mang tính nhất thời và nó hoàn toàn có thể trở thành điểm mạnh với sự rèn luyện, củng cố và đồng hành của bố mẹ.

Khi con có một thế mạnh và đặc biệt nếu nó gắn liền với sở thích và đam mê của con, con sẽ có sự tự tin rất lớn. Vì vậy, đừng nhấn mạnh vào những gì mẹ nghĩ là tốt hơn cho con. Hãy để con có cơ hội để xác định xem con muốn làm gì (ví dụ: âm nhạc, thể thao hoặc vẽ).

14. Hãy nhận biết những thông điệp ngầm mà mẹ đang gửi cho con và cho chính mình.

Nếu bố mẹ luôn cảnh báo con về rủi ro gặp phải, điều này cũng ngầm ám chỉ rằng con sẽ không thể xử lý được mọi việc, không thể tự đưa ra quyết định, và con cũng không đáng tin để hoàn thành việc đó. Những thông điệp này, dù là ẩn ý (tức là thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ như thở dài, nhăn mặt,…) hay rõ ràng (được thể hiện bằng lời nói,…) đều có thể tác động tiêu cực đến mức độ tự tin, khả năng chấp nhận rủi ro cũng như khả năng khẳng định độc lập của con.

15. Tập trung vào nỗ lực, không phải kết quả.

Thực tế trong cuộc sống, mọi thứ thường không suôn sẻ ngay từ lần thử đầu tiên. Chúng ta thường phải nỗ lực với những gì chúng ta muốn và phải cam kết gắn bó với nó cho đến khi chúng ta đạt được kết quả. Dạy con ghi nhận và tự hào về những nỗ lực của mình giúp con công nhận những cảm xúc đi cùng với nỗ lực đó. Sau đó, con sẽ tự tin và tiếp tục rèn luyện vì mong muốn cải thiện và đạt được thành tích tốt hơn. Khi có cơ hội, hãy làm mẫu điều này cho con bằng chính cuộc sống của mẹ, và hãy chia sẻ với con về điều đó.

16. Dạy con rằng: Cảm xúc tệ là chuyện bình thường, nhưng chúng ta luôn có thể lựa chọn được hành động của bản thân.

Chúng ta có những suy nghĩ và cảm xúc bốc đồng bất chợt được khơi dậy. Nó có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực, phán xét, tội lỗi và xấu hổ khi chúng ta cố gắng ép con và ép bản thân phải kiểm soát cảm xúc. Con có thể ganh tị, có thể tức giận, mọi cảm xúc đều là một phần tự nhiên của cơ thể. Nó đến rồi đi. Con chỉ cần trải nghiệm cảm xúc đó. Khi cảm xúc qua đi, con sẽ lựa chọn được hành động phù hợp với giá trị cốt lõi, phẩm chất và mong muốn của bản thân.

17. Hiểu được nỗi sợ hãi của con và của chính mình.

Để mạnh dạn và tự tin hơn, đầu tiên, hãy giải quyết những phán xét về bản thân như “Tôi sẽ không thể làm được”, “Tôi không giỏi việc đó”, “Họ sẽ không thích tôi”, … Hãy cùng con nói chuyện và giải quyết những suy nghĩ này để giúp con có động lực vượt qua.

18. Dạy con rằng: Ai cũng sẽ có lỗi lầm.

Đó là một phần tự nhiên của con người. Chúng ta thường muốn hướng đến những kỳ vọng tích cực. Và khi có điều gì không thuận lợi, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng. Đây là điều bình thường. Con có thể học cách chấp nhận và đánh giá cao tất cả các “phần” bên trong và làm việc với con người thật của mình, thay vì nghĩ rằng con “nên làm” hoặc “cần” phải như vậy. Ngoài ra, con sẽ nhận thức được “sai lầm” là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và phát triển cá nhân.

19. Chúng ta không được “định danh” bằng cảm xúc và ý kiến cá nhân của người khác.

Cảm giác về bản thân bắt nguồn trực tiếp từ sự tự tin của chúng ta và cách chúng ta nhìn nhận bản thân từ trong ra ngoài. Người khác cảm thấy con thế này, điều đó chưa chắc đã đúng. Con có thể học cách xây dựng sự tự tin bằng cách:

– Xác định điều gì khiến con lo lắng bất an?

– Tại sao điều đó lại quan trọng và nó quan trọng như thế nào?

– Phần nào con cần chú ý tới để có thể tìm cách khắc phục và cải thiện?

Sự tự tin được tạo thành. Nó không phải là bẩm sinh. Chúng ta có thể có tác động tích cực trong việc giúp con cảm thấy tự tin. Tất cả những gì bố mẹ mong muốn là khả năng nhìn thấy giá trị bản thân và cố gắng trở thành người tốt nhất có thể. Thậm chí, chúng ta cũng có thể thay đổi cả chính mình nữa.

20. Hãy công nhận điểm mạnh của con một cách công khai.

Theo văn hóa khiêm tốn của người Việt, chúng ta sẽ thường lùi lại khi có ai đó nói tốt về bản thân mình để thể hiện sự khiêm nhường. “Cháu cũng bình thường thôi ạ.”, “Ông bà cứ khen cháu quá!”. Thế nhưng, điều này vô tình khiến con cảm thấy con không có điểm mạnh gì trong mắt mẹ và mắt người khác. Con cũng sẽ thấy sự tự hào của mẹ về mình bị giảm đi. Thay vì khiêm tốn như vậy, hãy công khai thừa nhận những điểm mạnh của con:

– Đúng rồi ạ, giọng của con vào mic nghe hay lắm ạ.

– Con đã luyện tập phát âm rất lâu nên con phát âm đúng lắm ạ.

– Đợt này con đã chủ động giao tiếp hơn rồi ạ.

Hãy cố gắng công nhận càng chi tiết càng tốt. Khi con nghe thấy, con cũng sẽ tự hào về bản thân mình hơn.

21. Hãy luôn để con thấy rằng mẹ yêu con vô điều kiện.

Chúng ta sẽ rất khó để nói với con rằng: Mẹ mắng con là vì mẹ không thích hành động đó của con, chứ mẹ không ghét bỏ con. Tất cả những tín hiệu con nhận được trong một cơn giận dữ là: Bản thân con bị từ chối và bỏ rơi. Bản thân con có vấn đề. Con không thể hiểu được rằng: Hành vi của con mới là vấn đề với mẹ. Điều này sẽ khiến con thấy mất an toàn, và dần dần con sẽ hình thành tâm lý nghi ngờ đối với bản thân.

22. Giao cho con việc nhà.

Chúng ta sẽ thường ngại con ngã, làm vỡ đồ, bày bừa, mà ngăn cản con làm việc nhà. Nhưng thực tế, giao việc nhà thể hiện sự tin tưởng của mẹ với con, và con cũng tin tưởng vào bản thân mình. Những việc nhà mà Sóc cũng thường làm là: ép nước cam, cất quần áo, nấu món trứng bắc, rửa dọn đồ, hút bụi, lăn bụi ga giường, sắp xếp đồ trong tủ lạnh,… Trong mỗi việc sẽ luôn có những công đoạn đơn giản mà con làm được, mẹ hãy nhờ con làm giúp mẹ những công đoạn đó, để con rèn luyện thêm kĩ năng cho bản thân và có được sự tin tưởng vào khả năng của mình.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *