Th5 24, 2023

Nuôi dưỡng sự tự tin trong con

Lời khen mà Sóc được nhận nhiều nhất đợt gần đây là sự tự tin. Đây cũng là xuất phát điểm cho bài chia sẻ này. Tự tin là một trong những điểm mạnh mình muốn xây dựng cho Sóc. Trước khi xây dựng được cho con sự tự tin, chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm “tự tin”.

Một đứa trẻ tự tin là một đứa trẻ thể hiện niềm tin vào khả năng của chính mình. Như một bản năng, trẻ em tìm đến cha mẹ để được chỉ dẫn, kết nối cảm xúc, học cách cư xử và tin tưởng vào thế giới này. Và sự tự tin cũng như vậy. Bố mẹ sẽ là người dẫn dắt con tới sự tự tin, và rèn rũa phẩm chất đó.

“Sự tự tin” trông như thế nào?

– Khả năng phản ánh lại những phẩm chất tích cực. Ví dụ: “Bạn tô màu bức tranh đẹp quá” hoặc “Bạn thật khéo léo khi xếp tháp đó.” Sự phản ánh (mirror back) sẽ gieo hạt giống cho sự tự tin.

– Sự khuyến khích liên tục. Sự khuyến khích đối với một đứa trẻ là nguồn động viên vô tận và niềm tin vào ước mơ của chúng. Ước mơ của con sẽ thay đổi nhưng con sẽ không bao giờ quên cảm giác động lực mà bố mẹ đã mang lại.

– Lòng tin được mở rộng. Trẻ em liên tục tiếp nhận cảm giác của bố mẹ về chúng. Khi bố mẹ mở rộng niềm tin cho con mình, con sẽ bắt đầu mở rộng niềm tin đó cho chính bản thân.

– Bản thân với những kĩ năng thành thục. Trẻ cần nhìn thấy kỹ năng của chính mình và cảm thấy mình có thể làm được. Không quan trọng là độ tuổi nào, con cũng sẽ có những kĩ năng thành thạo nhất định và con sẽ tự tin về điều đó nếu được nhấn mạnh, công nhận bởi bố mẹ và môi trường xung quanh.

NHỮNG ĐIỀU BỐ MẸ CÓ THỂ LÀM ĐỂ NUÔI DƯỠNG SỰ TỰ TIN BÊN TRONG CON

1. Hãy bắt đầu với chính mình

Trẻ em bị ảnh hưởng bởi nhiều đặc điểm tính cách và hành vi của cha mẹ. Do đó, trước khi chúng ta bắt đầu nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ, hãy chú ý đến mối quan hệ của chính mình với (những) người xung quanh. Bầu không khí căng thẳng bao trùm ngôi nhà sau bất kỳ cuộc xung đột nào cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái cảm xúc của trẻ, làm suy giảm lòng tin của trẻ đối với cha mẹ. Hãy cố gắng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh, khi đó con sẽ cảm thấy tự tin hơn. Sự nghi ngờ bản thân của cha mẹ sẽ được truyền sang con, và con sẽ hình thành mức độ tự tin thấp vào bản thân mình.

Bên cạnh đó, hãy cùng con bắt đầu với trải nghiệm mới, để con thấy rằng bố mẹ cũng không ngại thay đổi và thử. Lần cuối cùng chúng ta làm điều gì đó lần đầu tiên là khi nào? Đó cũng là một cách để kết nối cảm xúc với con, và để con hiểu được cảm xúc trong mỗi trải nghiệm mới của bố mẹ.

2. Ngừng kiểm soát và trao quyền cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Là bố mẹ, chúng ta thường lo lắng và bao bọc con quá mức. Nhưng thực tế, để nuôi dưỡng sự tự tin của con, hãy kiềm chế sự lo lắng của bố mẹ lại. Điều này không có nghĩa là chúng ta mặc kệ con. Hãy đứng bên cạnh, mỉm cười, sẵn sàng giúp đỡ Khi con THỰC SỰ cần giúp đỡ.

Con có làm được cái này cái kia thành công trước mặt người khác hay không – điều này không quan trọng. Việc gây ấn tượng về thành quả của con với người khác sẽ khiến bố mẹ thấy dễ chịu và tự hào tạm thời, nhưng không giúp ích được gì cho con. Thực tế, điều này đang giới hạn con lại. Bố mẹ chỉ cần hỏi con xem con có đang giữ an toàn cho mình hay không, và đứng cạnh quan sát. Nếu con ngã, đó là vì con đang tự cho phép bản thân thử điều đó, và con cần bố mẹ hỗ trợ về mặt cảm xúc hơn là kĩ năng.

Hãy nhớ rằng sự hoàn hảo không phải là mục tiêu. Mẹ cần dập tắt mong muốn “cải thiện” kết quả trong các nhiệm vụ của con, trừ khi kết quả là cực kỳ quan trọng. Sự can thiệp liên tục làm suy yếu sự tự tin của con và ngăn cản sự tự học.

Đừng là một “helicopter parent” của con.

3. Xác định rõ bài học sau thất bại

Người ta thường cho rằng thất bại là điều tốt cho trẻ và giúp xây dựng khả năng phục hồi. Nhưng khi trẻ thất bại hết lần này đến lần khác và không được hỗ trợ để tiếp tục cố gắng, tất cả những gì con học được là: Con là kẻ thất bại. Khả năng phục hồi không đến từ thất bại, mà từ kinh nghiệm và bài học mà con có thể tự vực dậy, thử lại và thành công. Điều đó đòi hỏi kinh nghiệm và rất nhiều hỗ trợ về mặt cảm xúc.

Vì vậy, đúng là tất cả chúng ta đều học hỏi từ việc vượt qua thử thách, nhưng chúng ta cũng học tốt nhất khi trải nghiệm thành công, điều này thúc đẩy chúng ta giải quyết những thử thách khó khăn hơn. Làm chủ dẫn đến làm chủ. Thất bại tạo ra một chu kỳ thiếu tự tin, bỏ cuộc và thất bại nhiều hơn.

Hãy luôn là người hỗ trợ về mặt cảm xúc của con sau những lần con thất bại. Cùng con tìm ra những điểm mạnh và mặt tốt mà con đã hoàn thành trong suốt quá trình, và xác định bài học cũng như thử thách đặt ra.

4. Đừng chủ động khiến con thất bại, hãy cung cấp cách thức để con tiếp cận thành công.

“Cứ thử đi rồi thấy, bố mẹ nói rồi mà không nghe”.

Có rất nhiều chuyện từ bé đến khi trưởng thành, chúng ta sẽ băn khoăn liệu mình có nên bước vào và “giải cứu” con khỏi thất bại phía trước, hay là “để con mình tự rút ra bài học”? Luôn luôn là một quyết định khó khăn. Hỗ trợ ngay tức khắc có thể khiến con không học được những bài học quan trọng. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ nhìn thấy cha mẹ đứng bên cạnh và để chúng thất bại sẽ trải qua cảm giác không được yêu thương. Thay vì học bài học rằng lẽ ra con phải làm bước A, bước B, con lại học được bài học rằng: con thất bại, rằng con không thể tự quản lý và bố mẹ đã không đủ quan tâm để chỉ dẫn con.

Vậy hỗ trợ con thế nào là đúng?

Tất cả phụ thuộc vào cách thức được thực hiện. Nếu chúng ta “nhảy vào” và giúp con ở phút chót, điều này cực kỳ tệ. Con không chỉ biết rằng bố mẹ sẽ “bảo lãnh” cho mình nếu mình mắc sai lầm mà con còn biết rằng con không đủ năng lực. Nhưng nếu bố mẹ giúp con từng bước sắp xếp ý tưởng và nhiệm vụ của con, mà không can thiệp vào cụ thể nhiệm vụ, khi đó, con sẽ học được bài học về sắp xếp và công cụ để thực hiện nhiệm vụ.

5. Giúp con xây dựng sự tự tin bằng cách giải quyết những thử thách có thể kiểm soát được.

Các nhà nghiên cứu về sự phát triển cảm xúc gọi đây là “giàn giáo (scaffolding)”, có thể được định nghĩa là sự hỗ trợ mà mẹ đưa cho con dựa trên những gì con đã có thể làm. Ví dụ như con đã biết xếp tháp xếp chồng, nhưng đến khi luồn dây, mặc dù đã hiểu rằng lỗ ở giữa hạt là vị trí luồn, con vẫn chưa biết kết hợp 2 tay để giữ cho sợi dây chắc và luồn được dây qua. Mẹ sẽ hỗ trợ bằng cách chỉ dẫn con cách kết hợp 2 tay. Sự hỗ trợ này sẽ giúp con thành công khi con thử làm điều gì đó mới, và những thành công nhỏ đạt được với sự giúp đỡ của mẹ giúp con tự tin để tự mình thử những điều mới. “Scaffolding” cũng dạy trẻ em rằng luôn có sẵn sự trợ giúp nếu con cần. Đây sẽ là tiền đề cho sự kết nối tâm lý khi con bước vào tuổi dậy thì.

6. Khuyến khích, động viên, và khơi gợi sự tự khuyến khích từ bên trong.

Nhiều người trong chúng ta hành động dựa trên sự mong đợi hoặc cảm nhận của người khác. Khi giao tiếp với con, hãy chú ý hướng con tới sự tự hào của bản thân về những gì con đã đạt được. Ví dụ: thay vì chỉ tập trung vào “Lớp con chắc hẳn rất tự hào về con nhỉ”, hãy thử “Cuộc thi đó như thế nào đối với con? Và con cảm thấy thế nào về bản thân vì thành tích đó?”

Khuyến khích không chỉ giúp con cảm thấy tích cực và có động lực hơn mà còn mang đến cho con tiếng nói nội tâm giúp con tự khích lệ bản thân trong suốt quá trình trưởng thành. Hãy đem đến cho con những câu “thần chú” để nhắc nhở bản thân: “Con sẽ làm được!”, “Nếu con chưa làm được, con có thể thử lại!”, “Mẹ nghĩ rằng con sẽ làm được!”.

7. Hiểu về tính khí và những thách thức của bố mẹ và con cái.

Điểm mạnh của mỗi đứa trẻ là khác nhau, sự can đảm và độc lập của một đứa trẻ có thể không phải là thế mạnh với một đứa trẻ khác. Hãy công nhận, hiểu, chấp nhận và làm việc trong phạm vi thách thức của con và của chính bố mẹ. Đặt ra mục tiêu kỳ vọng dựa trên mức độ khả năng tương ứng của con và của bố mẹ.

Ví dụ, nếu con thường dè dặt trong giao tiếp xã hội, khi con tiếp cận một bạn khác để kết bạn, hãy ghi nhận và củng cố hành vi này. Bất kể thử thách cá nhân nào mà con đang cần đối mặt và giải quyết, hãy khen ngợi con vì đã đương đầu với thử thách và thừa nhận sự sẵn sàng hành động của con, dù thử thách đó khó khăn như thế nào. Điều này sẽ củng cố sự tự tin, yêu bản thân, lòng trắc ẩn và mong muốn tiến về phía trước và phát triển.

8. Thay vì đánh giá chung chung, hãy mô tả và chia sẻ cảm xúc chân thực.

Khen ngợi, đánh giá kết quả của con theo cách chung: “Làm tốt lắm!”. Điều này không cung cấp cho con thông tin về những gì con đã làm tốt, hoặc tại sao mẹ nghĩ con tốt, và cách đánh giá này dạy con rằng thành quả và nỗ lực của con chỉ dựa vào các nguồn đánh giá bên ngoài. Mẹ có thể điều chỉnh lời khen của mình để giúp con nhận ra tốt hơn bằng cách cho con quyền tự đánh giá. Chỉ cần mô tả những gì con đã làm và đồng cảm với cảm giác của con: “Con đã giữ cửa cho cô và em bé, và cô có thể đẩy xe em bé qua cửa dễ dàng hơn. Con đã rất biết giúp đỡ. Chắc chắn lúc này con cũng thấy rất vui. Mẹ cũng vậy đó.”

Bằng cách cung cấp thông tin chi tiết và trực tiếp, mẹ đang kết nối các hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng lòng tin mà con có thể tự đánh giá và đạt được. Khi áp dụng điều này cho bản thân, hãy chia sẻ cụ thể với con về những gì mà mẹ tự đánh giá cao trong các hành động cá nhân và những gì mẹ đã cố gắng.

9. Cân nhắc về cách giao tiếp với con.

Khi con chưa cố gắng hết khả năng, con quá nhạy cảm hoặc lo lắng hoặc tránh né việc gì đó, hãy đảm bảo rằng: Bố mẹ không truyền đạt những thông điệp tiêu cực, thể hiện sự không tán thành, hoặc thất vọng về con. Tránh những câu như “Con là trẻ con nên chưa làm được đâu.”, “Sao con lại làm thế?” “Có vấn đề gì với con thế?” hoặc “Con lười lắm.” Những câu nói này và những câu tương tự như thế này có tác động tiêu cực lâu dài đến sự tự tin và ý thức về giá trị bản thân của trẻ. Những thông điệp này sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan sát và sự yêu thương bản thân của con.

10. Phát triển kỹ năng giao tiếp

Sự tự tin được hình thành trong quá trình tương tác với người khác. Hãy dạy con cách bày tỏ mong muốn và cảm xúc của con. Những đứa trẻ nhút nhát thường chấp nhận ý kiến ​​của người khác vì con không biết làm thế nào hoặc con xấu hổ khi giải thích cho người khác những gì con muốn. Để làm điều này, mẹ có thể lập danh sách các cụm từ giúp xây dựng cuộc trò chuyện và luyện tập các cuộc đối thoại về các chủ đề khác nhau. Sau đó chơi cùng con các trò chơi nhập vai theo cốt truyện, trong đó mỗi người tham gia sẽ đều có cơ hội đóng vai chính.

11. Đừng so sánh con với bạn khác

Đây là một trong những ám ảnh của rất nhiều bạn dù bé hay lớn, hay thậm chí người lớn. Chúng ta luôn thấy thua thiệt người khác và có cảm giác mình không giỏi, không có khả năng. Đừng “châm ngòi” cho sự tự ti và tự so sánh trong con. Con cần được ở trong bầu không khí yêu thương và tâm lý thoải mái. Điều quan trọng là đảm bảo rằng trong lúc khó khăn, con sẽ luôn có sự giúp đỡ từ cha mẹ, chứ không phải là so sánh và đánh giá.

12. Nhận ra mong muốn, ước mơ của con; con có quyền được là chính mình

Thông thường, bố mẹ sẽ muốn con cái có một số phẩm chất và khả năng cụ thể mà bố mẹ cho là cần thiết và hữu ích với con. Nên trong khi dạy con, chúng ta vô tình không chú ý tới hoặc không đánh giá cao những phẩm chất mà con đang có. Hãy cố gắng đánh giá khách quan những kỳ vọng của bản thân về con cái: Những kỳ vọng đó có quá cao không? Đôi khi, con có thể bị ám ảnh bởi nỗi sợ không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ, nỗi sợ thất bại, điều này làm suy yếu nền tảng niềm tin của trẻ vào bản thân. Việc người lớn có thể hiểu nhu cầu và sở thích của con mình là cực kỳ quan trọng. Nhìn nhận con như một người lớn độc lập, giảm bớt những lý do để khiển trách đi, và tập trung vào những lý do để tự hào và khen ngợi.

13. Phát triển tài năng và khả năng của con

Tài năng là những gì được cho là gắn với khả năng vốn có (VD như con thiên về nghệ thuật, con có trí thông minh ngôn ngữ, con thiên về logic toán học). Điểm mạnh/khả năng là thế mạnh thông qua rèn luyện mà tạo thành. Điểm yếu sẽ mang tính nhất thời và nó hoàn toàn có thể trở thành điểm mạnh với sự rèn luyện, củng cố và đồng hành của bố mẹ.

Khi con có một thế mạnh và đặc biệt nếu nó gắn liền với sở thích và đam mê của con, con sẽ có sự tự tin rất lớn. Vì vậy, đừng nhấn mạnh vào những gì mẹ nghĩ là tốt hơn cho con. Hãy để con có cơ hội để xác định xem con muốn làm gì (ví dụ: âm nhạc, thể thao hoặc vẽ).

14. Hãy nhận biết những thông điệp ngầm mà mẹ đang gửi cho con và cho chính mình.

Nếu bố mẹ luôn cảnh báo con về rủi ro gặp phải, điều này cũng ngầm ám chỉ rằng con sẽ không thể xử lý được mọi việc, không thể tự đưa ra quyết định, và con cũng không đáng tin để hoàn thành việc đó. Những thông điệp này, dù là ẩn ý (tức là thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ như thở dài, nhăn mặt,…) hay rõ ràng (được thể hiện bằng lời nói,…) đều có thể tác động tiêu cực đến mức độ tự tin, khả năng chấp nhận rủi ro cũng như khả năng khẳng định độc lập của con.

15. Tập trung vào nỗ lực, không phải kết quả.

Thực tế trong cuộc sống, mọi thứ thường không suôn sẻ ngay từ lần thử đầu tiên. Chúng ta thường phải nỗ lực với những gì chúng ta muốn và phải cam kết gắn bó với nó cho đến khi chúng ta đạt được kết quả. Dạy con ghi nhận và tự hào về những nỗ lực của mình giúp con công nhận những cảm xúc đi cùng với nỗ lực đó. Sau đó, con sẽ tự tin và tiếp tục rèn luyện vì mong muốn cải thiện và đạt được thành tích tốt hơn. Khi có cơ hội, hãy làm mẫu điều này cho con bằng chính cuộc sống của mẹ, và hãy chia sẻ với con về điều đó.

16. Dạy con rằng: Cảm xúc tệ là chuyện bình thường, nhưng chúng ta luôn có thể lựa chọn được hành động của bản thân.

Chúng ta có những suy nghĩ và cảm xúc bốc đồng bất chợt được khơi dậy. Nó có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực, phán xét, tội lỗi và xấu hổ khi chúng ta cố gắng ép con và ép bản thân phải kiểm soát cảm xúc. Con có thể ganh tị, có thể tức giận, mọi cảm xúc đều là một phần tự nhiên của cơ thể. Nó đến rồi đi. Con chỉ cần trải nghiệm cảm xúc đó. Khi cảm xúc qua đi, con sẽ lựa chọn được hành động phù hợp với giá trị cốt lõi, phẩm chất và mong muốn của bản thân.

17. Hiểu được nỗi sợ hãi của con và của chính mình.

Để mạnh dạn và tự tin hơn, đầu tiên, hãy giải quyết những phán xét về bản thân như “Tôi sẽ không thể làm được”, “Tôi không giỏi việc đó”, “Họ sẽ không thích tôi”, … Hãy cùng con nói chuyện và giải quyết những suy nghĩ này để giúp con có động lực vượt qua.

18. Dạy con rằng: Ai cũng sẽ có lỗi lầm.

Đó là một phần tự nhiên của con người. Chúng ta thường muốn hướng đến những kỳ vọng tích cực. Và khi có điều gì không thuận lợi, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng. Đây là điều bình thường. Con có thể học cách chấp nhận và đánh giá cao tất cả các “phần” bên trong và làm việc với con người thật của mình, thay vì nghĩ rằng con “nên làm” hoặc “cần” phải như vậy. Ngoài ra, con sẽ nhận thức được “sai lầm” là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và phát triển cá nhân.

19. Chúng ta không được “định danh” bằng cảm xúc và ý kiến cá nhân của người khác.

Cảm giác về bản thân bắt nguồn trực tiếp từ sự tự tin của chúng ta và cách chúng ta nhìn nhận bản thân từ trong ra ngoài. Người khác cảm thấy con thế này, điều đó chưa chắc đã đúng. Con có thể học cách xây dựng sự tự tin bằng cách:

– Xác định điều gì khiến con lo lắng bất an?

– Tại sao điều đó lại quan trọng và nó quan trọng như thế nào?

– Phần nào con cần chú ý tới để có thể tìm cách khắc phục và cải thiện?

Sự tự tin được tạo thành. Nó không phải là bẩm sinh. Chúng ta có thể có tác động tích cực trong việc giúp con cảm thấy tự tin. Tất cả những gì bố mẹ mong muốn là khả năng nhìn thấy giá trị bản thân và cố gắng trở thành người tốt nhất có thể. Thậm chí, chúng ta cũng có thể thay đổi cả chính mình nữa.

20. Hãy công nhận điểm mạnh của con một cách công khai.

Theo văn hóa khiêm tốn của người Việt, chúng ta sẽ thường lùi lại khi có ai đó nói tốt về bản thân mình để thể hiện sự khiêm nhường. “Cháu cũng bình thường thôi ạ.”, “Ông bà cứ khen cháu quá!”. Thế nhưng, điều này vô tình khiến con cảm thấy con không có điểm mạnh gì trong mắt mẹ và mắt người khác. Con cũng sẽ thấy sự tự hào của mẹ về mình bị giảm đi. Thay vì khiêm tốn như vậy, hãy công khai thừa nhận những điểm mạnh của con:

– Đúng rồi ạ, giọng của con vào mic nghe hay lắm ạ.

– Con đã luyện tập phát âm rất lâu nên con phát âm đúng lắm ạ.

– Đợt này con đã chủ động giao tiếp hơn rồi ạ.

Hãy cố gắng công nhận càng chi tiết càng tốt. Khi con nghe thấy, con cũng sẽ tự hào về bản thân mình hơn.

21. Hãy luôn để con thấy rằng mẹ yêu con vô điều kiện.

Chúng ta sẽ rất khó để nói với con rằng: Mẹ mắng con là vì mẹ không thích hành động đó của con, chứ mẹ không ghét bỏ con. Tất cả những tín hiệu con nhận được trong một cơn giận dữ là: Bản thân con bị từ chối và bỏ rơi. Bản thân con có vấn đề. Con không thể hiểu được rằng: Hành vi của con mới là vấn đề với mẹ. Điều này sẽ khiến con thấy mất an toàn, và dần dần con sẽ hình thành tâm lý nghi ngờ đối với bản thân.

22. Giao cho con việc nhà.

Chúng ta sẽ thường ngại con ngã, làm vỡ đồ, bày bừa, mà ngăn cản con làm việc nhà. Nhưng thực tế, giao việc nhà thể hiện sự tin tưởng của mẹ với con, và con cũng tin tưởng vào bản thân mình. Những việc nhà mà Sóc cũng thường làm là: ép nước cam, cất quần áo, nấu món trứng bắc, rửa dọn đồ, hút bụi, lăn bụi ga giường, sắp xếp đồ trong tủ lạnh,… Trong mỗi việc sẽ luôn có những công đoạn đơn giản mà con làm được, mẹ hãy nhờ con làm giúp mẹ những công đoạn đó, để con rèn luyện thêm kĩ năng cho bản thân và có được sự tin tưởng vào khả năng của mình.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *