Th6 14, 2023

NHỮNG GÓC NHÌN KHI CON ĐI MẪU GIÁO

1. Khoảnh khắc tạm biệt cần được trân trọng.

Khoảnh khắc tạm biệt là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý của con cả ngày dài ở trường. Có những bạn sẽ rất lèo nhèo và muốn mẹ ôm không rời, có những bạn sẽ vui tươi chạy vào lớp ngay, và có những bạn sẽ nằm ở trạng thái ở giữa: không vui và cũng chẳng khóc, nhưng tinh thần sẽ hơi chùng xuống.

Dù con ở trạng thái nào, thì việc để con trải nghiệm với thời khắc tạm biệt là điều cần thiết. Khi đã đưa con đến lớp, mẹ có thể hỗ trợ con cởi giày và mũ. Sau đó dừng lại trước cửa lớp, ngồi xuống trò chuyện 2-3 câu và tạm biệt con. Nếu con muốn ôm thì 2 mẹ con có thể ôm nhau trong 10 giây rồi buông, và mẹ sẽ đi.

Không trốn con để về

Đối với các bạn nhỏ, khi đến môi trường mới, điều con cần nhất là cảm giác an toàn. Trong 2 năm đầu đời, mục tiêu lớn nhất về sự phát triển của con cũng là sự hình thành lòng tin đối với người chăm sóc cố định (Erik Erikson). Vậy nên trong quãng thời gian con đi học, mẹ tuyệt đối không trốn con để về. Con sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và con sẽ sợ.

Không vào lớp của con để giúp con cất đồ hoặc xúc cho con ăn.

Không gian trong lớp là một không gian riêng tư của cô và trò, trừ những dịp đặc biệt như sinh nhật, hoặc là diễn văn nghệ, các cô sẽ nhờ bố mẹ hỗ trợ và tham gia cùng. Còn lại chúng ta nên dừng trước cửa lớp và tạm biệt con. Bên cạnh đó, việc giúp con cất đồ hay xúc ăn cũng sẽ nới thời gian tạm biệt ra, và con sẽ không biết khi nào cần phải tạm biệt mẹ để chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho những hoạt động trên lớp. Con sẽ có thể mè nheo và đòi mẹ ở lại nhiều hơn. Chúng ta nên xác định rõ đâu là nhiệm vụ của mẹ và đâu là nhiệm vụ của cô và trò trong lớp.

Với các bạn bé, tùy từng bạn sẽ có độ thích nghi khác nhau. Do vậy, nhiều trường sẽ có tuần làm quen và sẽ có bố mẹ đi kèm. Nhưng bố mẹ hãy đảm bảo rằng, trong quá trình đó, luôn luôn hỏi ý kiến và tham vấn từ giáo viên trực tiếp đón bé, để xem rằng con có cần mẹ ở lại không. Mẹ có thể thử để con trong lớp và ngồi tại văn phòng chờ. Nếu cô cần có sự hỗ trợ từ mẹ, cô sẽ gọi mẹ vào.

Sự thật là các bé sẽ luôn mè nheo với mẹ nhiều hơn người khác. Các cô là người có chuyên môn, cũng đã làm việc quen với các bé, nên các cô sẽ đánh giá được khả năng thích nghi của con tốt hơn mẹ.

2. Quá trình dạy và học không chỉ nằm ở giáo án và chương trình học.

Chúng ta sẽ thường nghe rất nhiều phàn nàn về việc: Chương trình gì mà cứ lặp đi lặp lại, chương trình chán thế, chương trình buồn tẻ thế. Thực tế, chương trình và giáo án cũng chỉ là một kế hoạch trên giấy, dạy và học thực sự nằm ở quá trình tương tác giữa giáo viên và học sinh.

Trong những trường hợp gấp, giáo viên cứng tay thậm chí còn không cần giáo án trước mà vẫn có thể đứng lớp hiệu quả. Bởi vì sự tương tác và khơi gợi đối với học sinh là thứ nằm ngoài giáo án và khung chương trình. Vậy nên chúng ta không thể đánh giá sự hiệu quả của quá trình dạy và học thông qua tiêu đề hoạt động được trình bày trong giáo án. Hơn nữa, chúng ta còn không có chuyên môn về giáo dục mầm non.

Đánh giá trong giáo dục sẽ cần một khoảng thời gian quan sát đủ dài, kết hợp bởi nhiều yếu tố: chuyên môn, hiệu quả của học sinh, công tác trong trường. 15-20 phút quan sát không nói lên điều gì cả.

Hoạt động sẽ là một phần của phương pháp để giúp cô và trò tương tác, hình thành tâm lý tích cực, tăng khả năng ngôn ngữ và sự tự tin cho con. Nhận thức của con sẽ được tích hợp và phát triển dần dần.

3. Con cần tích lũy đủ kĩ năng và nhận thức trước khi lên lớp lớn hơn.

Chúng ta sẽ thường gặp một vấn đề là con nhanh hơn so với các bạn trong lớp. Đây là việc Sóc cũng đã trải qua. Khả năng nhận thức của con và các kĩ năng trong các hoạt động cũng đã ngang bằng các bạn lớp lớn từ khi con mới 2.5 tuổi. Thế nhưng mình vẫn để con ở lớp bé bởi vì mấy lí do sau:

– Mẹ cần con được chăm sóc nhiều hơn ở độ tuổi nhỏ. Lên lớp lớn, lượng hoạt động sẽ nhiều hơn, và tất nhiên sự chăm sóc sẽ giảm đi. Nhưng ở khoảng 2 tuổi, con đang nằm trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch và con sẽ dễ có nguy cơ lây bệnh. Sóc cũng đã ốm khá nhiều lần trong khoảng từ 2-3 tuổi. Nên mong muốn của mình lúc đó là con được chăm sóc nhiều hơn.

– Nhận thức và kĩ năng vận động tinh của bàn tay của con tốt, nhưng cơ thể con vẫn nhỏ. Trong khi thiết kế không gian lớp học của lớp lớn cũng khác đi. Mình không muốn Sóc bị ngợp bởi không gian mới. Các anh chị lớp lớn cũng cao lớn hơn con nhiều. Trong khi các anh chị có thể dễ dàng nhảy lò cò, kiểm soát cơ thể tốt rồi, Sóc vẫn đang chạy và phanh không kịp.

– Về mặt nhận thức trong Giáo dục, để có thể lên đến mức độ phân tích, sáng tạo (khoảng trên 3 tuổi), con sẽ cần có sự lặp lại, ghi nhớ, phân loại (3 mức độ nhận thức thấp nhất trong thang). Các hoạt động ở lớp lớn (3-6 tuổi) sẽ thường hướng tới sự so sánh, đối chiếu, và nhiều hơn nữa là lắp ráp, xây dựng,…. Vậy nên con cần xây nền móng vững trong các mốc nhận thức đầu tiên trước khi lên lớp lớn.

Thang nhận thức Bloom

– Theo vùng phát triển lân cận (Zone of Proximal Development), nếu năng lực của con là i, thì nhiệm vụ đặt ra phải là i+1. Nghĩa là nhiệm vụ của hoạt động sẽ cần khó hơn năng lực của con. Tất nhiên là lúc này sẽ có những hoạt động dễ hơn level của con, nhưng không có nghĩa là tất cả các hoạt động. Cũng sẽ có đôi lúc con thấy chán nhưng chuyện đó cũng không phải vấn đề lớn.

4. Con không thể tập trung ngay được.

Trẻ con sẽ luôn luôn bị thu hút bởi cái mới. Vậy nên trước khi hiểu được rằng con cần ngồi một chỗ với các bạn. Con sẽ chạy vòng quanh lớp và lôi đủ thứ ra. Khi con đã làm quen một lượt với giáo cụ rồi, con sẽ bắt đầu hướng sự chú ý tới các bạn và các cô. Con cần được thỏa mãn sự tò mò của con đã. Việc đi kiểm tra mọi thứ quanh lớp cũng khiến con thấy an toàn và thân quen hơn.

Tất nhiên ở vai trò của giáo viên, các cô sẽ hướng con dần tới hoạt động và để con chú ý tới tiết học. Nhưng đó là một quá trình dần dần. 1 tháng đầu tiên mình luôn coi là khoảng thời gian làm quen của con. Vậy nên mình sẽ hoàn toàn thoải mái với sự mất tập trung, lộn xộn của con trên lớp trong khoảng thời gian đó.

Mình cũng là một đứa ham vui nên Sóc cũng sẽ vậy.

5. Camera trực tuyến không thật sự quá quan trọng.

Đặc điểm của lớp học mầm non là cần có camera để lưu lại những sơ xuất hoặc vấn đề gì phát sinh trong lớp. Thế nhưng, nếu có camera trực tuyến thì sao? Mẹ có chắc chắn rằng con sẽ không bao giờ xảy ra vấn đề gì không? Không. Nếu rủi mà gặp đúng cô giáo không có tâm thì người ta cũng sẽ có vô vàn cách để làm điều gì đó ảnh hưởng đến con mình. Góc khuất camera và nhà vệ sinh rất nhiều. Camera trực tuyến có thể giải quyết tâm lý tạm thời của mẹ, chứ không phải giải pháp lâu dài. Ngoài ra:

– Camera trực tuyến khiến mẹ mất thời gian hơn. Nếu không có thì không sao, nếu có thì mẹ/ông bà lại vào để xem. Vô tình, một lúc nào đó mẹ thấy có điều gì không hài lòng, mẹ có thể sốt ruột mà nhắn cho cô giáo. Trong khi ở trên lớp, các cô cần tập trung vào con, chứ không phải cái điện thoại.

– Camera trực tuyến đang là sự không tôn trọng không gian riêng của lớp. Các giáo viên đi dạy thì cũng giống chúng ta đi làm, không ai thoải mái làm việc khi có hàng chục phụ huynh xem liên tục cả. Lúc đó, tâm thế của các cô là sợ mình làm sai ở đâu trước camera.

– Khi vấn đề gì xảy ra, mẹ có thể yêu cầu check camera, hoặc mẹ có thể đến văn phòng xem camera. Thi thoảng mình cũng sẽ vậy. Không phải xem cô đang dạy thế nào dạy cái gì, mà xem con có ăn được nhiều không (những hôm Sóc bị nhiệt miệng hoặc mới ốm dậy).

6. Con không thể liên kết logic cả một ngày dài ở trường.

Chúng ta thường mong muốn con chia sẻ những chuyện trên trường bằng cách hỏi: Hôm nay học có gì vui không con? Như thang nhận thức Bloom ở trên, thì khả năng tổng hợp, đánh giá chỉ có thể đến sau. Những mức độ nhận thức ở đầu là ghi nhớ, phân loại. Vậy nên, mục tiêu nhận thức cho những tháng đầu đi học của con sẽ nằm ở giai đoạn:

– Ghi nhớ bạn bè, thầy cô, tên lớp, dụng cụ học, trò chơi.

– Phân biệt các nhóm trách nhiệm khác nhau: Thầy giáo dạy tiếng Anh, cô dạy trên lớp, bác bảo vệ,… để hiểu về hệ thống vận hành của nhà trường.

– Ghi nhớ và phân biệt các khu chức năng: Thư viện, góc chơi, bể bơi, cầu trượt, chỗ để dép,…

Để giúp con có sự gắn kết với trường học, mẹ hãy chịu khó để con nán lại trường chơi sau giờ tan học. Mẹ chụp ảnh con đang chơi, chụp các góc trong trường, quay video con cùng các bạn. Sau đó, mẹ sẽ cùng con xem lại ở nhà, và hỏi con về những nhân vật, sự kiện trong bức ảnh/video. Ảnh cũng có thể lấy từ fanpage trường và cô giáo gửi. Như vậy, con sẽ ghi nhớ mà không cần phải liên kết logic cả một ngày dài xem mình làm gì.

7. Thay đổi giáo viên và môi trường là chuyện bình thường, miễn không phải là thay đổi liên tục.

Rõ ràng, thay đổi giáo viên liên tục sẽ khiến hiệu quả dạy và học đi xuống, bởi vì quan sát con cần cả quá trình và có sự quen thuộc. Nhưng đôi khi việc thay đổi giáo viên, chuyển lớp là chuyện bình thường bởi sự sắp xếp nhân sự. Hoặc là khi mẹ thật sự không ưng trong quá trình con học vì rất nhiều vấn đề. Đừng ngại chuyển môi trường. Nhìn về mặt tâm lý thì con sẽ cần mất thời gian làm quen lại từ đầu. Nhưng nhìn về mặt tâm lý tích cực hơn, thì đó cũng là cơ hội cho con linh hoạt và nâng cao khả năng thích nghi.

Nếu nhà trường chuyển giáo viên liên tục, dĩ nhiên mẹ sẽ cần có sự phản hồi về việc này.

8. Đừng ngại làm một phụ huynh kĩ tính.

Hình như mình được “mang tiếng” là phụ huynh khó tính. Đối với mình thì kĩ tính và khó tính là khác nhau. Mình thừa nhận mình là một người kĩ tính, nhưng không đồng nghĩa với khó tính. Khó tính là khi người ta rất khó để chấp nhận những gì mà bản thân cho là đúng. Còn kĩ tính là người ta sẽ đặt ra tiêu chuẩn, yêu cầu cho những sự việc, quy trình, và xem xét tổng thể thì vẫn có thể chấp nhận những thứ chưa như mong muốn. Mình sẽ cực kỳ kĩ với việc:

– Nhà trường cần có một quy trình vận hành nghiêm túc.

– Nhà trường cần có sự giao tiếp thẳng thắn, công khai với phụ huynh.

– Nhà trường cần làm đúng những nhiệm vụ và công việc theo đúng pháp luật.

VD như: Nếu tuần này có lịch đi dã ngoại, kế hoạch phải được hoàn thành từ đầu tuần để sắp xếp nhân sự và lịch cho các con. Thứ 6 đi mà thứ 2,3 vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu, kế hoạch ra sao là mình sẽ kĩ tính.

Khó tính và kĩ tính cũng hoàn toàn khác với một phụ huynh vô lý. Thực ra giáo viên sẽ khó chịu với những phụ huynh vô lý. Khi giáo viên vẫn đang làm đúng mọi nhiệm vụ và phụ huynh cứ yêu cầu đủ thứ hoặc là hỏi đủ thứ, thì việc này mới khó chịu. Còn chúng ta phản hồi lại về những chuyện xảy ra với con trên lớp và chia sẻ sự lo lắng với giáo viên, đó là chuyện rất bình thường.

Còn nếu trong trường hợp trách nhiệm và nghĩa vụ của giáo viên không được hoàn thành, lại không muốn lắng nghe băn khoăn của phụ huynh, thì chuyển lớp hoặc chuyển trường thôi. Bởi vì sẽ không kỳ vọng gì vào một người đang dạy con mình mà lại có một tinh thần tiêu cực như vậy cả.

9. Con sẽ cần đi lớp khi bước sang tuổi lên 2.

Độ tuổi phù hợp và thông thường nhất để đi học là từ 1.5-2 tuổi. Vì trong giai đoạn này, con có một sự phát triển nhận thức nhảy vọt về hệ thống (gia đình, nhà trường, xã hội, tập thể) vào khoảng tuần thứ 70. Các bé sẽ có sự chênh lệch vài tháng. Con sẽ cần gia nhập vào một “hệ thống” như thế để bắt đầu hiểu và thực hành vai trò của mình trong nhóm hệ thống trường lớp. Và từ đó, con sẽ bắt đầu hiểu về những phẩm chất như: tôn trọng sự sở hữu, sự riêng tư, kiên nhẫn chờ đến lượt, chia sẻ, và tính trách nhiệm. Trường lớp sẽ là môi trường tuyệt vời để con có thêm trải nghiệm về những phẩm chất đó.

10. Con có thể cần một sự quen thuộc và đồng hành khi trên lớp.

Sóc luôn luôn có một bạn gấu bông hoặc đồ chơi nào đó cầm trên tay khi đi lớp. Đây là một phần mình học được trong bài nghiên cứu được thực hiện tại The Maytiv Preschool Program trên cơ sở của Tâm lý học tích cực. Trong chương trình, sẽ có những ngày con mang một đồ vật thân thiết đến lớp để gia tăng sự gắn kết về mặt tâm lý. Vậy nên, khi Sóc đi học, con có thể mang đồ chơi hoặc gấu bông. Có thể là con cần ôm bạn ý vào khoảng 1-2 tiếng buổi sáng, hoặc khi ngủ trưa. Việc này sẽ giúp con an tâm hơn.

Bài nghiên cứu: Shoshani A, Slone M. Positive Education for Young Children: Effects of a Positive Psychology Intervention for Preschool Children on Subjective Well Being and Learning Behaviors. Front Psychol. 2017 Oct 26;8:1866. doi: 10.3389/fpsyg.2017.01866. PMID: 29123496; PMCID: PMC5662620.

11. Tặng quà không phải điều gì bắt buộc.

Hình như vấn đề phong bì vẫn luôn rất nhạy cảm và đau đầu mỗi dịp 20.11. Thực ra đối với mình, việc chúng ta tặng thầy cô cái gì quan trọng nhất nằm ở cách tặng và suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta không tặng, thì các cô cũng vẫn vậy, vẫn đi dạy, vẫn chăm sóc con, đó là công việc kiếm sống của các cô mà. Nếu bố mẹ coi việc tặng quà là bắt buộc, điều đó đồng nghĩa với việc món quà đó được coi là trách nhiệm các cô cần hoàn thành (mẹ sẽ gửi gắm tâm tư gì khác với riêng con của mình). Nhưng nếu mẹ thoải mái nghĩ rằng nó là một lời cảm ơn. Tự nhiên món quà đấy cũng khác.

Lương của các cô mầm non thực sự rất thấp, mình luôn cho rằng nó không xứng đáng với những gì các cô đã bỏ ra và nỗ lực mỗi ngày. Trung bình hiện giờ cũng chỉ 6-7 triệu. Nếu các cô có bằng Montessori sẽ cao hơn, nhưng như thế thì các cô cũng phải bỏ số tiền rất lớn ra để học Montessori nếu muốn có bằng quốc tế.

Hàng ngày, các cô cũng phải quay cuồng với bao nhiêu trẻ. Trong khi mình ở nhà 3 ngày với con, mình cũng thấy mệt, có khi mình còn cho con xem tivi cho mẹ nhàn. Tất nhiên đó là vì mình muốn làm gì thì làm, còn các cô thì không thể thả học sinh, vì các cô cần hoàn thành chương trình dạy. Nhưng nó thật sự rất mệt.

Việc chúng ta gửi cô thêm tiền hay vật chất gì khác, đối với mình, mình luôn thấy xứng đáng. Các cô xứng đáng được nhận. Làm việc với trẻ nhỏ chưa bao giờ là dễ dàng. Vậy nên đừng bao giờ mẹ thấy rằng: Bỏ tiền ra thì con phải được bế ẵm, dỗ dành, phục vụ chu đáo, hoàn hảo. Bởi vì tất cả PH trong lớp đều vậy.

Quà tặng có thể chỉ đơn giản là hôm nay mẹ tiện đường qua quán cafe, mẹ mua cho các cô cốc trà, hay sinh tố dùng ngay sau giờ tan làm. Đó cũng là một lời cảm ơn rồi. Mình vẫn làm như thế với cô giáo của Sóc, và chưa từng áp lực gì với việc quà cáp cả.

Tâm thế và sự thoải mái bố mẹ đặt vào món quà cũng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của con sau này. Đừng để con ngấm tư tưởng rằng: 20.11 các cô được nhiều tiền lắm.

Chúng ta trân trọng những gì dành cho cô, cô cũng sẽ dành sự trân trọng đó lại. Và con cũng sẽ học được rằng các cô dạy mình đáng được trân trọng như thế.

12. Đừng kỳ vọng vào một hình tượng giáo viên trong lòng.

Rồi sẽ có những lúc chúng ta gặp tình huống: Mẹ và con rất yêu quý một giáo viên, và khi thay đổi giáo viên mới, chúng ta sẽ so sánh với giáo viên cũ. Chuyện yêu thích là điều rất bình thường, thế nhưng nếu cứ mãi so sánh như thế, chúng ta sẽ càng bị hụt hẫng và chỉ chăm chăm vào điểm chưa tốt của giáo viên mới. Và đôi khi sự yêu thích quá sẽ khiến con không hợp tác khi thay đổi môi trường.

Nếu con quá yêu thích một giáo viên, mẹ hãy hướng sự chú ý của con đến bạn bè, trò chơi, và quá trình học. Cùng con trò chuyện và khơi gợi lại những kỷ niệm với bạn bè của con trên trường. Trong khi con đang hướng sự tập trung tới một giáo viên duy nhất, đừng hỏi con: Con có thích cô này không? Cô này dạy có thích không? Như vậy, lại khơi gợi sự cảm tính trong con.

Về mặt nhận thức, con cũng sẽ cần học dần dần cách giải thích lý do vì sao mình yêu ghét một người, để từ đó rút ra những điểm mạnh, điểm yếu và góc nhìn khác biệt của mỗi cá nhân.

LUẬT GIÁO DỤC THAM KHẢO:

1. Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT kiểm định chất lượng giáo dục đối với trường mầm non.

2. Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, trung học, phổ thông.

3. Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.

4. Thông tư 49/2021/TT-BGDĐT quy chế tổ chức và hoạt động lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập dân lập và tư thục

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *