GIỚI THIỆU CHUNG
Nhận diện số đếm là hoạt động thuộc nhóm Toán học và hướng tới mục tiêu chính: Nhận thức. Các cấp độ nhận thức của con đó là: Ghi nhớ – hiểu – áp dụng – phân tích – đánh giá – sáng tạo (Benjamin Bloom, 2001). Với các bé dưới 2 tuổi, mục tiêu của nhận thức ở nằm chủ yếu ở 3-4 cấp độ đầu.
- Ở cấp độ ghi nhớ, con có thể gọi tên, sao chép (cách làm, cách gọi, …), liệt kê, ghi nhớ và lặp lại những hành động, sự việc mà con được tiếp xúc.
- Ở cấp độ hiểu, con có thể phân loại, nhận biết, lựa chọn, miêu tả, và giải thích những khái niệm, sự việc mà con được tiếp xúc.
- Ở cấp độ áp dụng, con có thể thực hiện hành động, giải quyết, phác họa, diễn giải… những khái niệm, sự vật, sự việc mà con được tiếp xúc.
- Ở cấp độ phân tích, con có thể phân biệt, liên hệ, so sánh, đối chiếu, thử nghiệm, đặt câu hỏi,…
- Ở cấp độ đánh giá, con có thể tranh luận, đánh giá, cân nhắc, lựa chọn, phê bình,…
- Ở cấp độ sáng tạo, con có thể thiết kế, lắp ráp, xây dựng, phỏng đoán, phát triển, điều tra…
Với hoạt động này, mục tiêu nhận thức đang hướng tới cấp độ 1-2, để con ghi nhớ, nhận biết và phân loại số đếm. Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối.
MỤC ĐÍCH
- Giới thiệu cho con về mặt số;
- Khơi gợi sự hứng thú cho con khi học về số đếm;
- Rèn tính kiên nhẫn, kiên trì cho con.
MỤC TIÊU
- Nhận thức: Con có thể ghi nhớ mặt số đếm; Con có thể phân nhóm các số giống nhau; Con có thể gọi tên các số đếm;
- Vận động tinh: Con có thể rèn vận động tinh trong các hoạt động kết hợp như: Bốc nhón và thả vào hộp, luồn dây, bóc dán stickers, câu cá số, cầm cọ tô màu;
- Vận động thô: Con có thể chạy, ngồi, đứng và chuyển giữa các tư thế thành thạo;
- Ngôn ngữ: Con gọi tên được các số; Con làm theo được các chỉ dẫn đơn giản của mẹ;
- Nội dung tích hợp: Màu sắc, học theo chủ đề câu cá, đọc sách…
- Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.
ĐỘ TUỔI
18 tháng
Trước đó, con đã được giới thiệu về số đếm qua flashcards, với tần suất mỗi ngày 2 lượt, trong vòng 1-2 tháng. (Mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp.)
CÁCH CHƠI
- Chuẩn bị:
Hộp giấy cứng, giấy trắng khổ A3 trở lên, bút dạ màu hoặc bút dạ đen, dao rọc giấy, băng dính 2 mặt, que kem gỗ. Bố mẹ bọc giấy trắng bên ngoài hộp giấy (nếu hộp giấy có nhiều họa tiết), và dán giấy bằng băng dính 2 mặt để cố định giấy. Sau đó, bố mẹ dùng bút dạ màu ghi số lên một mặt của hộp, và dùng dao dọc giấy tạo thành những lỗ ngắn nhỏ để con thả vừa que kem gỗ. Bố mẹ ghi số lên các que kem gỗ.
- Cách chơi:
Bước 1: Mẹ cùng con đọc số trên hộp giấy;
Bước 2: Mẹ đưa cho con một que kem gỗ và hỏi con gọi tên số trên đó;
Bước 3: Mẹ cùng con tìm số tương ứng trên hộp và thả que kem gỗ vào đó.
Bước 4: Mẹ để con tự tìm số và thả que kem gỗ. Trong quá trình hoạt động, mẹ hỏi con thêm về số và màu sắc (nếu có) để kích thích suy nghĩ cho con.
LƯU Ý
- Đây là nhóm hoạt động thứ 2 sau khi học flashcards. Ở giai đoạn này, em bé sẽ học NHẬN DIỆN mặt số, KHÔNG PHẢI học đếm số lượng ngay lập tức.
- Tùy mỗi bé sẽ có những hứng thú khác nhau với từng nhóm đồ chơi. Nên những trò chơi của Sóc tầm 18M chưa chắc đã là nhóm đồ chơi yêu thích của các bạn khác. Những trường hợp như vậy, mẹ có thể chuyển sang những cách thức tương tự nhưng sử dụng những đồ chơi yêu thích của con.
- Nguyên tắc tiếp cận với số đếm: Cho con tiếp cận trong khoảng 3-5 số cùng một lúc tính cả cũ lẫn mới. Số lượng này sẽ dựa trên cả khả năng tiếp thu của con. Chẳng hạn như Sóc tiếp cận với khoảng 4-6 số cùng một lúc. Đây là lí do những hoạt động ban đầu của Sóc sẽ gồm 4 số: 1-2-3-4.
- Việc học số sẽ rất dễ trở nên nhàm chán nếu mẹ không liên tục thay đổi các con số. Một bí quyết để con hào hứng và ghi nhớ lâu đó là tạo lập môi trường học mọi lúc, mọi nơi và liên tục. Điều này có nghĩa là bất kể chỗ nào xuất hiện số đếm, hãy chỉ cho con, hãy để con được thấy sự hiện diện của số đếm khắp mọi nơi quanh con, từ số trên núm vặn của lò vi sóng, số trên bình nước, số trên đồng hồ, số trên cốc… Đừng bao giờ bó buộc môi trường khám phá của con lại những tấm thẻ từ, vì con có thể học mọi lúc mọi nơi là một yếu tố hàng đầu cho thói quen học tập suốt đời.
CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG
- Với các bé nhỏ (9 tháng – 18 tháng), mẹ có thể sử dụng hoạt động thả đồ vào lỗ như một hoạt động rèn vận động tinh độc lập, mà không cần kết hợp với chủ đề số đếm hay màu sắc như trong hoạt động này. Ban đầu, khi khả năng của con chưa tốt, mẹ sẽ ưu tiên chọn những vật to, mà con có thể cầm nắm được bằng cả bàn tay (như quả bóng tròn, hoặc đồ chơi vừa tay), và con sẽ bỏ vào những lỗ to. Thời gian này, mục tiêu chính của hoạt động là sự kết hợp tay và mắt để bỏ đồ vào lỗ. Sau đó, mẹ sẽ thu nhỏ lỗ dần và đồ chơi cũng sẽ nhỏ dần theo khả năng của con. Để đến mức độ khó hơn đó là con sẽ cần bốc nhón khuy, hạt bé bằng ngón trỏ và ngón cái và thả vào lỗ nhỏ. Những đồ như một tấm thẻ cứng cũng sẽ là một thách thức mới cho con, vậy nên, nếu trong nhà có card visit bỏ đi, hoặc những tấm thẻ không còn dùng nữa, mẹ có thể mang ra để làm hoạt động cho con chơi.
- Với các bé lớn hơn, mẹ có thể kết hợp những chủ đề khó hơn như: Viết chữ cái trên que kem và thả lỗ, viết chữ cái trên que kem và thả vào ô có âm ghép (Ví dụ: Ô có âm “ba”, con sẽ thả que kem có chữ cái “b” và “a” vào trong.) Những đồ mẹ có thể dùng đó là: Chai nhựa uống nước bỏ đi, cốc giấy, cốc bánh muffin, khay mứt, khay bánh muffin, cốc trà sữa, cafe…với đặc điểm chung là có thể phân ô, phân nhóm. Mẹ cũng có thể thay thế que kem gỗ bằng: Thẻ giấy cứng, mảnh bìa carton cắt vuông nhỏ, miếng gỗ tròn nhỏ, miếng lego ghép hình…, miễn là mẹ có thể ghi chữ và số, hoặc dính stickers lên đó.
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)