GIỚI THIỆU CHUNG
Đây là nhóm hoạt động hướng tới mục tiêu chính: Kĩ năng phối hợp song phương (Vận động tinh). Mỗi bên của cơ thể (trái-phải) sẽ có trách nhiệm nhận biết bên còn lại đang làm gì để phối hợp và hoàn thành nhiệm vụ. Trong vận động tinh, tuỳ từng trường hợp, 1 bên tay sẽ làm nhiệm vụ chính, bên kia hỗ trợ – đó là mối quan hệ “tiến hành – giúp đỡ” (doing – helping relationship) giữa 2 tay:
- 1 tay viết và 1 tay giữ giấy
- 1 tay giữ và 1 tay kéo
- 1 tay chuyền đồ vật và tay kia đón
- …..
Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối.
MỤC ĐÍCH
- Rèn luyện sự phối hợp tay mắt cho con;
- Rèn luyện sự phối hợp của hai tay để điều khiển hộp theo hướng mong muốn;
- Khơi gợi sự hứng thú trong hoạt động của con;
- Kích thích tính kiên nhẫn và kiên trì để hoàn thành hoạt động.
MỤC TIÊU
- Nhận thức: Con biết sử dụng 2 tay để phối hợp và di chuyển hộp; Con nhận biết được sự lăn của bóng;
- Vận động tinh: Con phối hợp 2 tay và mắt để di chuyển bóng qua mê cung;
- Vận động thô: Con có thể ngồi/đứng và tự do kiểm soát sự chuyển động của cơ thể trong quá trình hoạt động;
- Ngôn ngữ: Con có thể ghi nhớ và gọi tên: Bóng/Bi, Mê cung, Lăn; và làm theo những chỉ dẫn của mẹ;
- Nội dung tích hợp: bên trái, phải, đường chéo, đường thẳng (với các bé khoảng 4 tuổi);
- Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.
ĐỘ TUỔI
18 tháng Con biết dùng hai tay để kiểm soát và điều khiển vật.(Mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp.)
CHUẨN BỊ
– Bóng nhỏ hoặc viên bi; – Khay từ hộp giấy cứng to; – Cành cây khô hoặc đồ gì khác tương tự, có thể gắn được bằng keo nến thành từng đoạn; (Trong hình, mình sử dụng cành cherry rừng đã khô) – Bố mẹ gắn cành cây khô vào hộp giấy theo các đường so le nhau để tạo thành mê cung.
CÁCH CHƠI
Bước 1: Bố mẹ giới thiệu với con về mê cung và chỉ các đường đi bằng cách di chuyển ngón tay;
Bước 2: Bố mẹ thả một viên bi vào mê cung và nghiêng qua các hướng để viên bi di chuyển, bố mẹ nói với con về sự di chuyển đó;
Bước 3: Bố mẹ để con di chuyển viên bi qua lại các đường của mê cung, và tùy theo khả năng của con để đưa ra các yêu cầu khó – dễ tương ứng;
LƯU Ý
– Trong quá trình hoạt động, có thể con sẽ không làm theo chỉ dẫn của mẹ. Con có thể chỉ đưa khay mê cung qua lại các hướng. Điều này là hoàn toàn bình thường. Mẹ cần cổ vũ và công nhận sự cố gắng của con.
– Hoạt động mê cung ở mức độ dễ hay khó sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ phức tạp của các lối đi. Mẹ có thể dựa vào khả năng của con mình để thiết kế mê cung phù hợp.
CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG
– Với các bé lớn, yêu cầu với hoạt động sẽ cao hơn. Con sẽ được yêu cầu di chuyển viên bi từ vị trí này sang vị trí kia. Mẹ cũng có thể kết hợp tính thời gian di chuyển để con có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng.
– Hoặc mẹ cũng có thể thiết kế mê cung đơn giản, nhưng cho 2 viên bi di chuyển cùng một lúc để tăng độ thách thức cho con.
– Với hoạt động tương tự như mê cung, mẹ có thể dán băng dính giấy trên nền nhà thành mê cung và để con tìm lối ra. Trong quá trình tìm lối ra, mẹ có thể đưa thêm yêu cầu: Con hãy nhảy lò cò và tìm lối ra, con hãy nhảy bằng 2 chân và tìm lối ra, con hãy tìm lối ra trong vòng 2 phút. Con hãy tìm lối ra và thu thập các vật phẩm trên đường.
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)