tư duy phát triển
Th7 16, 2023

Làm thế nào để con thấm nhuần “tư duy phát triển”?

Có thể chúng ta đã lớn lên với niềm tin rằng: Một số người giỏi những môn học khó, còn những người khác không có thiên bẩm để học cách giải quyết các bài toán và khoa học phức tạp.

Thế nhưng, những nghiên cứu về giáo dục và não bộ trong những thập kỷ gần đây lại cho thấy điều ngược lại.

Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em và người lớn có thể phát triển và rèn luyện trí thông minh.

(Dweck CS. The choice to Make a Difference, 2019)

Một trong những yếu tố quan trọng để có thể phát triển loại trí thông mình này nằm ở niềm tin vào sự tiến bộ của bản thân, rằng: Thông minh là kết quả của quá trình rèn luyện và học tập. Hay một từ khác cho nó – tư duy phát triển (a growth mindset).

 “Tư duy phát triển” là gì?

Thuật ngữ này được đặt ra bởi Tiến sĩ Carol Dweck (Standford University). Dweck đặt lên bàn cân nhóm “tư duy phát triển” với nhóm “tư duy cố định” (a fixed mindset). Trong cuốn sách “Mindset: The New Psychology of Success”, Dweck giải thích, “tư duy cố định” cho rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo của chúng ta là không thay đổi. Ngược lại, niềm tin ‘tôi có thể’ sẽ quyết định đến khả năng để giải quyết những vấn đề khó và đầy thách thức. (Yeager DS, et al., 2019)

Theo như nghiên cứu của Dweck, khi chúng ta rèn luyện “tư duy phát triển”, những trở ngại mà chúng ta đối mặt dường như đều có thể vượt qua được. Quan trọng là nhận ra rằng, chúng ta không bất lực, chúng ta có thể phát triển và thích nghi. Song song với niềm tin này, “tư duy phát triển” nhấn mạnh một niềm tin khác, đó là: những người đang thách thức và cản trở chúng ta cũng có thể thay đổi. Góc nhìn này sẽ giải phóng những áp lực mà chúng ta đang chịu đựng, và giúp chúng ta nghĩ về những thách thức hơn là mối đe dọa.

Cách nhìn nhận với con cái

Góc nhìn về “tư duy phát triển” ban đầu dường như đối lập với lý thuyết về đa dạng trí thông minh, khi có nhiều quan điểm cho rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều thiên về một nhóm năng khiếu nào đó. Tuy nhiên, lật lại vấn đề, năng khiếu thiên bẩm sẽ chỉ là yếu tố ban đầu. Để năng khiếu đó trở thành thế mạnh và điểm mạnh của con, con cần qua quá trình rèn luyện và học tập bền bỉ.

“Tư duy phát triển” sẽ là công cụ để con luôn bước về phía trước và không giới hạn khả năng của chính mình. Thấm nhuần tư duy phát triển là khi con nhận định rằng khả năng của con là không giới hạn, dù con không có những thiên bẩm hay năng khiếu về mặt nào đó, con vẫn có thể phát triển thông qua nỗ lực của chính mình.

Chẳng hạn:

Một đứa trẻ như Sóc, khi con giỏi những hoạt động vận động tinh trên bàn, và con không nổi trội về vận động thô. Điều đó không có nghĩa rằng kĩ năng vận động thô của con không tốt, con hoàn toàn có thể thay đổi điều đó thông qua quá trình làm quen và rèn luyện. 

Làm thế nào để hình thành “tư duy phát triển” cho con?

1. Dạy con kĩ năng giải quyết vấn đề và thử những ý tưởng mới

Các con sẽ cần rất nhiều thời gian để biết rằng mỗi vấn đề có thể được giải quyết bằng cách nào. Những vấn đề dù là đơn giản hay phức tạp, vẫn sẽ luôn có nhiều cách giải quyết khác nhau. Là bố mẹ, chúng ta đừng cố giải quyết vấn đề giúp con. Khi con đang bế tắc, hãy cùng con nghĩ về những điều khác mà con có thể thử.

Chẳng hạn như: Khi con đang gặp vấn đề với bài tập, hãy hỏi con rằng những nguồn tài liệu nào mà con có thể tìm kiếm them thông tin, như sách giáo khoa, website online, hoặc hỏi từ một vài người bạn.

Liên quan: Dạy con kĩ năng giải quyết vấn đề

2. Dạy con rằng lỗi sai là chuyện bình thường.

Chúng ta đều biết rằng nỗi sợ thất bại sẽ là cản trở lớn nhất để chúng ta thử một thứ gì đó mới. Hãy chấp nhận những lỗi sai của con dù là nhỏ nhất, bởi vì con đang trong quá trình hoàn thiện và học cách giải quyết các vấn đề.

Đừng trách mắng con nếu con có lỡ tạo ra một hệ quả gì đó như làm vỡ cái cốc, đổ đồ ăn, nói bậy. Nếu bố mẹ trách mắng, trước khi bản than các con nhận thức được việc đó là sai, con đã sợ vì mắc lỗi, và cảm giác sợ đó sẽ theo con lâu dài, khiến con không dám  thử những điều mới nữa.

Dạy con rằng mắc lỗi là chuyện bình thường sẽ giúp con tự do và thoải mái để thử những thách thức mới.

3. Sử dụng những ngôn ngữ “phát triển”

Hãy sử dụng những cụm từ tích cực để giao tiếp với con. Ví dụ như:

Thay vì dùng từ “thất bại”, hãy dùng từ “học”.

  • Con làm vỡ cốc rồi => Con đang học cách cầm cốc.

Thay vì dùng từ “không”, hãy dùng từ “chưa”

  • Con không cắt được tờ giấy à? => Con chưa cắt được tờ giấy thôi.

Dweck đã nói rằng từ “chưa” đã trở thành một trong những cụm từ yêu thích của bà.

4. Dạy con luôn cố gắng giải quyết vấn đề khó, dù con không nhìn thấy kết quả cuối cùng

Đôi khi chúng ta sẽ cần nhiều bước để hoàn thành. Hãy nhớ lại đề toán của chúng ta ngày trước, có rất nhiều đề toán cần phải giải qua nhiều bước mới có thể có kết quả cuối cùng. Những kĩ năng này đã được sử dụng trong trường học từ rất sớm.

Đôi khi những bước tiếp theo trở nên rõ rang chỉ sau khi bước đầu tiên hoàn thành. Hoặc đôi khi con sẽ nhận ra rằng con cần tiếp cận vấn đề với một góc nhìn khác. Trọng điểm là, con sẽ cần tin tưởng vào quá trình và thử nhiều cách khác nhau để có thể đi đến kết quả.

5. Dạy con câu thần chú “Lỗi sai là nơi chúng ta tiến bộ”

Tiến sĩ Carol Dweck luôn khuyến khích các giáo viên nhắc nhở học sinh rằng: Lỗi sai là nơi chúng ta tiến bộ. Khi con có thể tìm câu trả lời một cách dễ dàng, điều đó có nghĩa là con đang chỉ đưa ra những kiến thức con đã vốn có. Khi con mắc lỗi, con sẽ có động lực để đi tìm hiểu tại sao và học được từ quá trình đó.

Sử dụng câu thần chú “Lỗi sai là nơi chúng ta tiến bộ” không chỉ loại bỏ nỗi sợ sai, mà còn công nhận sự nỗ lực của con trong quá trình đó.

Điều này sẽ thúc đẩy sự khuyến khích học tập liên tục. Phần thưởng mà con nhận được không phải vì con thông minh và con có đáp án đúng, mà vì con đã rất cố gắng trong cả quá trình.

6. Giúp con chú ý đến những cách tiếp cận vấn đề

Điều này sẽ giúp con xem xét những cách mà con đã chọn để giải quyết vấn đề. Liệu rằng con đã vẽ một bức tranh tổng thể để có thể xem xét các vấn đề xung quanh một cách hoàn chỉnh chưa? Liệu rằng con đã tìm ra những câu hỏi cốt lõi con cần trả lời chưa?

Kĩ năng giải quyết vấn đề có thể được sử dụng trong một vài tình huống. Bố mẹ có thể hỏi con rằng con quyết định giải quyết vấn đề này như thế nào, hoặc đơn giản là dừng tìm kiếm cách giải quyết lại để nghĩ về những cách tiếp cận khác nhau cho vấn đề đó. Điều này cũng có thể được thảo luận khi con đã giải quyết xong vấn đề.

7. Dạy con nói về những lỗi sai

Điều này không nhằm mục đích giáo huấn bài học cho con, chỉ trích con, hay để con thấy mình bị hạ thấp. Hãy mang những lỗi sai ra trong một cuộc nói chuyện thoải mái, để nói về những gì đã không thực sự hiệu quả trong tình huống đó.

Điều này sẽ giúp con học cách bàn luận những cách thức giải quyết vấn đề và hoàn thành nhiệm vụ. Con cũng sẽ học cách nhận biết những điều mà con đã thử và không hiệu quả, do vậy con có thể thử lại và tìm ra điều gì có ích. Điều này cũng giúp con có được những kỹ năng tốt khi làm việc sau này.

8. Nhấn mạnh rằng: “Tư duy phát triển” không nhất thiết phải đạt 100% mọi lúc, mọi nơi.

Tư duy phát triển là một cách nhìn nhận tổng quan về việc chúng ta học được gì từ những thách thức và vấn đề. Nhưng nếu chúng ta có nói với con điều gì, mà điều đó đi ngược lại với tư duy này, thì đó cũng là chuyện bình thường. Không có ai luôn luôn hoàn hảo.

Điều quan trọng không phải là trở nên hoàn hảo, mà là sự cố gắng để giữ vững thái độ này. Khi bố mẹ càng duy trì “tư duy phát triển” với con lâu, con sẽ thấm nhuần tư duy đó càng nhiều.

9. Hoạt động với chiếc bánh

Trong bài tập này, chiếc bánh là vấn đề, và mỗi lát cắt là một nguyên nhân tiềm tang. Hãy để con tự nhận diện các khía cạnh: Con đang thấy nguyên nhân là tạm thời hay lâu dài? Con có đang đổ lỗi cho bản thân hay cho người khác không?

Giúp con nhìn nhận vấn đề với góc độ: Các vấn đề chỉ là tạm thời. Và chỉ ra rằng con có thể kiểm soát bằng cách tạo ra một vài thay đổi như thế nào.

10. Hẹn rò riêng tư cùng con

Hãy có những buổi hẹn hò riêng với con để thảo luận về những thách thức cũng như vướng mắc mà con đã gặp phải. Chúng ta cũng có thể nói về “việc khó” mà con đã chọn và những gì con đã làm để hoàn thành nhiệm vụ đó.

Bố mẹ có thể làm gì?

1. Cảm thông

 “Tư duy phát triển” sẽ nhắc nhở chúng ta về việc cảm thông nhiều hơn. Thay vì việc nhìn vào lỗi lầm của con cái, chúng ta sẽ nhìn với góc độ những gì mà con có thể học, những giá trị mà con cần có, những cách mà con có thể làm thử.

Tin rằng “Con đang trải qua một khoảng thời gian khó khăn, con sẽ thay đổi hành vi dần theo thời gian” sẽ giúp chúng ta kiên nhẫn hơn.

2. Hợp tác

Khi nhìn nhận tính cách, quan điểm như một “khuôn đúc, cố hữu, không thể thay đổi”, chúng ta sẽ dường như rất khó để xây dựng được cảm xúc tích cực với con cái và mọi người xung quanh. Nhưng nếu tin rằng tính cách, phẩm chất đều có thể rèn luyện, và tình huống có thể thay đổi, chúng ta sẽ sẵn sàng để tìm ra cách kết nối và hợp tác hơn.

Tin tưởng vào khả năng thay đổi của con người gắn kết chặt chẽ với việc ít trầm cảm hơn, sức khỏe thể chất tốt hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn.

Amy L. Eva

Mặc dù thông điệp là như vậy, những nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ rằng, chúng ta sẽ không mặc định việc đơn giản hóa “con người-có thể-thay đổi” khi chúng ta chia sẻ những thông tin về “tư duy phát triển”. Chúng ta không thể đặt hết kỳ vọng và gánh nặng lên một ai đó khi người ta đang ở trong hoàn cảnh không mấy tích cực.

3. Nhận biết các yếu tố kích hoạt trong tình huống

Đôi khi, sẽ rất khó để chúng ta suy nghĩ từ góc độ của “tư duy phát triển”. Tư duy cố định sẽ kích hoạt một loạt các cảm xúc như: cảm thấy đe dọa, cảm thấy bị so sánh, cảm thấy bị chỉ trích. Nhưng cảm giác này khiến chúng ta không an toàn và muốn phòng thủ. Do vậy, chúng ta sẽ rất khó để tin vào khả năng thay đổi của bản thân hoặc người khác. Tư duy cố định cũng sẽ khơi gợi những cảm giác tiêu cực về bản than như xấu hổ – dấu hiệu của sự lo lắng và chúng ta sẽ phản ứng như khi đương đầu với một mối đe dọa.

Những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng “tư duy phát triển sẽ chống lại các phản ứng chiến-hay-chạy, giúp chúng ta nhìn nhận các vấn đề xã hội dưới dạng thách thức. Điều này sẽ giúp chúng ta thích nghi, thay đổi và phát triển – cốt lõi của sự kiên cường. Khi chúng ta thúc đẩy niềm tin rằng con người thực sự có khả năng thay đổi, chúng ta sẽ giải phóng suy nghĩ của bản thân và của người khác.

Những cuốn sách nuôi dưỡng “tư duy phát triển”

Có rất nhiều cuốn sách cho trẻ em về chủ đề “tư duy phát triển”. Đọc một vài cuốn sách dưới đây sẽ giúp con làm quen với các yếu tố của “tư duy phát triển”.

Sách là một công cụ tuyệt vời để thúc đẩy lớp học với tư duy phát triển.

(Einck, 2017)
  • Growth Mindset Book Series by Esther Pia Cordova.
    • I Can’t Do That, YET: Growth Mindset
    • A World Without Failures
    • Little Bears Can Do BIG Things
    • Your Thoughts Matter
  • Mistakes Are How I Learn by Kiara Wilson.
  • Growth Mindset Kids Activities for Ages 4-12 by Mark Steven.
  • I Can Do Hard Things: Mindful Affirmations for Kids by Gabi Garcia.
  • Pelican and Pelican’t by Sarah Froeber.

Các bộ phim nuôi dưỡng “tư duy phát triển”

Giống như sách, phim cũng là một nguồn hiệu quả để nuôi dưỡng “tư duy phát triển” (Einck, 2017). Hãy xem những bộ phim chứa những nội dung về con người vượt qua thách thức, và bàn luận về những thách thức mà nhân vật đã đối mặt. Nhận biết những cách mà nhân vật đó đã vượt qua thách thức.

  • Remember the Titans
  • The Blind Side
  • Good Will Hunting
  • Moana
  • Brave
  • Finding Nemo

7 Câu hỏi để con làm quen với “tư duy phát triển”

Giúp con “nghĩ về những suy nghĩ” của mình có thể giúp con nuôi dưỡng tư duy phát triển, cũng như có thể bàn luận về những thách thức và rào cản.

Những câu hỏi dưới đây có thể được sử dụng để bắt đầu một cuộc hội thoại:

1. Con đang nghe thấy gì trong đầu?

Nếu tâm trí của con nói rằng con không thể làm điều gì, hãy nói lại “Không, cảm ơn. Tôi có thể làm được.” Tự nói với bản than đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tự tin và năng lực bản than. (Tod, Hardy, & Oliver, 2011)

2. Phần khó nhất là gì? Làm thế nào để con vượt qua phần đó?

Để con nhận diện phần khó nhất trong cả vấn đề sẽ giúp con nhận ra rằng: Thực ra toàn bộ tình huống không khó, mà vấn đề thực sự chỉ nằm ở một phần thôi.

3. Một vài thách thức mà con đã vượt qua là gì?

Cùng nhau nói về những thách thức trước đây và chỉ ra sự cố gắng của con sẽ giúp con có thêm sức mạnh trong lần này.

4. Một vài cách yêu thích mà con đã từng sử dụng để vượt qua các khó khăn là gì?

Hướng sự chú ý của con tới các cách mà con đã dùng trong quá khứ sẽ giúp nhắc nhở con rằng con luôn luôn có cách để thành công.

5. Một lỗi sai đã gặp phải và con học được thứ gì đó là gì?

Chỉ cho con rằng lỗi sai sẽ giúp con học được điều gì đó. Điều này sẽ khiến việc mắc lỗi ít đáng sợ hơn.

6. Thách thức mà con đối mặt ngày hôm nay là gì? Và cách con sẽ giải quyết ra sao?

7. “Hãy nói về những gì con đã thử, và những gì con có thể làm tiếp theo.” (Dweck, 2015, p.20).

Dweck (2015) chỉ ra rằng câu nói trên sẽ giúp con trở nên “không bế tắc”. Thay vì nói một câu vô thưởng vô phạt “Con sẽ làm được lần tới”, câu nói của Dweck sẽ giúp trẻ nhìn nhận và xem xét lại tổng thể vấn đề.


Tham khảo:

  1. Dweck, C. (2015, September 22). Carol Dweck revisits the growth mindset. Education Week35(5), 20–24.
  2. Einck, C. (2017). Growth mindset affects elementary students (Master’s thesis, Northwestern College, Orange City, IA). Retrieved November 5, 2021, from http://nwcommons.nwciowa.edu/education_masters/39/
  3. Tod, D., Hardy, J., & Oliver, E. (2011). Effects of self-talk: A systematic review. Journal of Sport and Exercise Psychology33(5), 666–687.
  4. Dweck CS. The Choice to Make a DifferencePerspect Psychol Sci. 2019;14(1):21-25. doi:10.1177/1745691618804180
  5. Yeager DS, Hanselman P, Walton GM, et al. A national experiment reveals where a growth mindset improves achievementNature. 2019;573(7774):364-369. doi:10.1038/s41586-019-1466-y
  6. Dweck CS, Leggett EL. A social-cognitive approach to motivation and personalityPsychol Rev. 1988;95(2):256-273. doi:10.1037/0033-295X.95.2.256
  7. Dweck CS. Mindset: The New Psychology of Success. New York: Random House Publishing Group; 2006.

KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512/)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Website: Mẹ và Sóc (https://mevasoc.com/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *