Th9 24, 2021

KHUYẾN KHÍCH TRẺ HỌC NÓI 0-18 THÁNG

GIỚI THIỆU CHUNG

Học nói là một quá trình lâu dài và tự nhiên được bắt đầu ngay tư khi em bé mới sinh ra. Con sẽ được trải nghiệm việc lắng nghe âm thanh lời nói từ xung quanh từ đó bé sẽ học được cách bắt chước và phát ra âm thanh bập bẹ, các từ, cụm từ sau đó phát triển thành câu. Sự đồng hành của ba mẹ là điều vô cùng quan trọng trong từng chặng đường phát triển của con, đặc biệt là trong việc “học nói” ở những năm đầu đời.

Từ 0 – 18 tháng tuổi thì giao tiếp cảm xúc với người lớn chính là hoạt động chủ đạo của trẻ. Đây là hoạt động có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý của trẻ, đặc biệt là về mặt cảm xúc.

Sóc là một em bé song ngữ. Và việc nuôi dạy bạn ý thì khá tự nhiên: Mẹ sẽ nói tiếng Anh, và những thành viên khác trong gia đình sẽ nói tiếng Việt. Giống như những bạn khác, Sóc bắt đầu nói được 2 âm môi dễ nhất trong mọi ngôn ngữ, đó là M, P. Và sau đó, bạn ý tiến đến kết hợp với nguyên âm, tạo nên từ có kết cấu CV (Consonant + vowel, Phụ âm + nguyên âm) như mama, papa vào khoảng hơn 6 tháng. Đoạn này mọi em bé sẽ đều như nhau, dù cho em bé nói ngôn ngữ gì, có quốc tịch nào.

Khoảng 15 tháng, Sóc đã có sự phát triển vượt bậc về ngôn ngữ, đó là bạn nhỏ đã có thể nói được 2 âm tiết trong cùng một từ (kết cấu CVC), dù là từ đó có nghĩa hay không: Ví dụ như pappy, happy, mappy. Và điều này cho thấy rằng:Sóc đã tự chọn cách kết hợp các âm mình đã nói được, tạo nên từ mới phức tạp hơn; thay vì việc tiến tới những phụ âm khác cùng chung kết cấu CV “ta, da, ca,….”. Sóc có xu hướng gắn các âm đã biết vào các từ tiếp cận được. (Vì mẹ hay nói với Sóc: I know you’re happy, you love going to class, hay hát bài If you’re happy để dạy Sóc vỗ tay theo nhịp…..), và Sóc nhỏ biết từ “happy”.

Để khuyến khích bé nói một cách hiệu quả thì trước tiên chúng ta cần nắm được đặc điểm phát triển ngôn ngữ của trẻ giai đoạn 0 – 15 tháng tuổi.

Giai đoạn 0 – 3 tháng tuổi hầu hết bé có những khả năng sau:

  • Có thể mỉm cười khi hóng chuyện
  • Khóc khác nhau để thể hiện nhu cầu
  • Có thể tạo ra các âm thanh như: ahh, ohh..

Giai đoạn 3 – 6 tháng: Giai đoạn bập bẹ

  • Bé có thể tạo ra những âm thanh to hơn bao gồm cả tiếng la hét
  • Thổi bong bóng bằng miệng
  • Lảm nhảm, tạo ra nhiều âm thanh mới bao gồm các âm như “p p” “b b” và “m m” nghe gần giống như lời nói để thu hút sự chú ý.
  • Biết sử dụng “papa, mama, bà bà”

Giai đoạn 6 – 12 tháng tuổi:

  • Lảm nhảm, tạo ra nhiều âm thanh mới bao gồm các âm như “p p” “b b” và “m m” nghe gần giống như lời nói để thu hút sự chú ý.
  • Biết sử dụng “papa, mama, bà bà”
  • Trẻ có thể tham gia vào các giao tiếp chơi 2 chiều: chơi với đồ chơi – chơi với người chăm sóc.
  • Bé có thể nhận biết được tên các đồ vật quen thuộc và tên các thành viên trong gia đình: ba, me, bà, bố, măm, đi,..

Giai đoạn 12 – 18 tháng tuổi:

  • Bé đã có thể nói được từ đơn hoặc từ đôi thông dụng.
  • Có thể sửn dụng các từ chỉ hành động đúng ngữ cảnh giao tiếp.

Giai đoạn 18 tháng trở lên:

  • Những câu gồm 2-3 từ chỉ những ý nghĩa đơn giản. VD: mẹ ăn = mẹ ơi con muốn ăn
  • Một từ đơn, hoặc từ có một âm tiết. Ở giai đoạn này, một từ bé nói sẽ có ý nghĩa bằng cả 1 câu (VD: sữa = mẹ ơi con muốn uống sữa)

Giai đoạn 24-30 tháng – Giai đoạn Telegraphic (giai đoạn kết hợp nhiều từ)

  • Bé sẽ hiểu được ý nghĩa của trật tự từ và hình thành những câu theo ngôn ngữ được tiếp cận: Chủ ngữ – Vị ngữ – Tân ngữ….
  • VD: Bạn chơi vườn = Bạn đang chơi trong vườn
  • Baby play garden = the baby is playing in the garden

MỤC ĐÍCH

  • Phát triển ngôn ngữ cho bé.
  • Phát triển khả năng tương tác của bé với thế giới xung quanh.
  • Phát triển cảm xúc cho bé.

MỤC TIÊU

  • Nhận thức: Giới thiệu cho bé về những hình ảnh sơ khai với thế giới xung quanh.
  • Vận động: Đẩy mạnh giao tiếp và tương giữa bé và các đối tượng gần gũi.
  • Vận động thô: Hình thành và phát triển kỹ năng cầm nắm, tương tác với đồ vật
  • Ngôn ngữ: kích thích ngôn ngữ của trẻ giúp trẻ đạt được các mốc ngôn ngữ cần thiết theo độ tuổi.
  • Nội dung tích hợp: Giáo dục cảm xúc.

CHUẨN BỊ

  • Sách phù hợp với độ tuổi 0 -15 tháng tuổi.
  • Một số đồ chơi cho bé để bé có thể tương tác với đồ vât: trống, đàn, gặm nướu..
  • Các thẻ tranh, thẻ chữ..
  • Và sự chuẩn bị quan trọng nhất chính là sự đồng hành của ba mẹ cùng con.’

HOẠT ĐỘNG CÙNG CON

Giai đoạn 0 – 6 tháng tuổi: Ba mẹ dạy bé thông qua gióng nói của mình. Khi thực hiện hoạt động cho bé ở giai đoạn này ba mẹ có thể sử dụng những loại ghế, gối nằm phù hợp để đảm bảo bé có thể qaun sát được hoạt động của ba mẹ.

  • Hát cho bé nghe
  • Trò chuyện cùng bé hoặc để bé quan sát cách ba mẹ tương tác với các đối tượng xung quanh.
  • Đọc sách có hình đen trắng kết hợp cho bé xem các hình ảnh trên các quyển sách dành cho trẻ sơ sinh.
  • Cầm thẻ đen trắng đưa về các hướng để bé học dõi theo, giúp tăng khả năng tập trung và quan sát
  • Mẹ vỗ tay để thu hút sự chú ý của bé ở các hướng khác nhau

Giai đoạn 6 – 9 tháng:

  • Cùng bé chơi các trò chơi: ú òa, kín bò, nhện giăng tơ.. hoặc các trò chơi có nịp điệu.
  • Giới thiệu cho bé về tên các trò chơi, cuốn sách, các món đồ chơi .
  • Đặt ra các câu hỏi đơn giản: Gấu bông đâu rồi? và hướng dẫn bé nhìn về các đồ vật khi bé chưa trả lời.
  • Bế em bế ở gần, nói và cười với bé.
  • Bắt chước các âm thanh bập bẹ của bé.
  • Hát, đọc truyện có hình đơn to, màu sắc tương phản cao.
  • Vỗ tay, sử dụng các nhạc cụ để vỗ theo nhịp (1,2,3 stop….)
  • Che khăn vào mặt và chơi ú òa, che khăn lên mặt bé và để bé tự kéo xuống
  • Hát để miêu tả các hoạt động đang làm: This is the way we change the diaper….

Giai đoạn 9 – 12 tháng:

  • Giai đoạn này bé đã bắt đầu bắt chước khá nhanh, ba mẹ hãy chơi các trò chơi tương tác như nu na nu nống hoặc các bài đồng giao ngắn và dạy bé nói vuốt đuôi.
  • Nhấn mạnh các động từ chỉ hoạt động: ném, đá, đưa, uống… Bé sẽ bắt đầu và tiếp thu nhanh hơn các động từ.
  • Chơi game ú òa, peek-a-poo. Giúp bé di chuyển tay theo giai điệu, hiệu lệnh
  • Cho bé nhìn gương và hỏi: Ai đây? Và nhắc to tên bé.
  • Đưa cho bé một món đồ chơi và miêu tả nó: “Chú gấu bông thật mềm”, …
  • Hỏi bé các câu hỏi: “Bạn mèo nhà mình đâu rồi?”, à bạn mèo đang ở dưới ghế.
  • Đọc sách về các từ xung quanh
  • Giúp bé trườn tới thẻ từ và gọi tên hình trong thẻ
  • Ở giai đoạn này, bé có thể hiểu các từ đơn giản: không/no
  • Khi ai đó hỏi “Mẹ ở đâu?”, bé sẽ tìm mẹ
  • Bé sẽ dùng ngôn ngữ cơ thể như giơ tay lên về phía mẹ để muốn mẹ bế, đưa cho mẹ 1 món đồ chơi để nói rằng con muốn chơi
  • Đọc sách để cung cấp lượng từ vựng nhiều nhất có thể
  • Biến tấu các bài hát kết hợp hành động: We’re kicking, we’re kicking, kick kick kick, kick kick kick …….
  • Dạy bé thì thầm (Hát to, nhỏ lại và dừng, shhh)
  • Trò “đóng băng”, mẹ hát và vỗ trống, rồi dừng lại đột ngột và nói “stop” + dừng hành động lại, mẹ có thể bật nhạc để chơi trò này
  • Ở giai đoạn này, bé đã có thể nhận biết chuỗi hành động, mẹ có thể dùng bài hát và chạm lần lượt vào các bộ phận cơ thể của bé (mắt, mũi, miệng, tai,,…..) theo một thứ tự nhất định, và sau đó lặp lại, bé sẽ thấy thích thú và học theo khi đoán được mẹ định làm gì tiếp theo
  • Tìm các từ gắn với các âm mà bé đã biết nói, hoặc những âm gần với âm mà bé đã nói được
  • Sử dụng sách âm thanh, mô tả tiếng các con vật.
  • miêu tả những việc đang làm. VD: Mình đang đi xe ô tô, mình sẽ đến gặp bác sĩ. Ah, đèn đỏ kìa, chúng ta phải dừng lại….
  • Cho bé lên đùi và mẹ rung theo nhịp hát, đếm 1,2,3 và thả bé xuống dưới giường)

Giai đoạn 12 – 15 tháng:

  • Nhận thức là tiền đề để phát triển ngôn ngữ, vì vậy ở giai đoạn này ba mẹ đừng ngần ngại việc bé bị bẩn hay bé sẽ gặp nguy hiểm mà hãy đồng hành và cho con khám phá thế giới xung quanh. Điều này sẽ giúp bé khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ đó kích thích ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ: Hoạt động khám phá Quả cà chua.
  • Ngoài việc để bé nhận biết quả cà chua trên thể tranh ba mẹ hãy để con có cơ hội cầm nằm, sờ vỏ quả cà chua, để bé cắt quả cà chua ra để xem bên trong quả cà chua có gì, hãy để bé bóp nát và vân vê quả cà chua để bé cảm nhận xem nó thế nào… Hoạt động này sẽ giúp bé khám phá được thêm nhiều điều mới mẻ. Hóa ra quả cà chua không chỉ là quả có màu đỏ bên ngoài mà quả cà chua còn cỏ lớp vỏ rất mịn, bên trong còn có hạt…
  • Gọi tên các đồ vật xung quanh (những đồ vật gần gũi nhất: bàn ghế, cốc, chén,…)
  • Cười và vỗ tay khi bé có thể gọi tên thứ gì đó. Nói thêm 1 vài điều về thứ đó: A Sóc nhìn thấy bạn chó này, bạn ý thật to, con nhìn đuôi của bạn chó đang vẫy kìa. /You see the doggie. He is soooo big, look at his tail wag.
  • Hỏi ý kiến của con. Việc đặt câu hỏi khá quan trọng. Đừng bao giờ hỏi con: Con đang làm gì thế? Thực tế là trẻ vẫn chưa đủ từ vựng để gọi hẳn tên hoạt động ra ở giai đoạn này. Hãy đưa cho trẻ chọn lựa: VD: Con thích mặc chiếc áo màu xanh hay đỏ? Con muốn uống nước cam hay nước dừa? Trẻ sẽ trả lời dựa trên lựa chọn mẹ đưa ra và học được từ vựng từ đó.
  • Xây dựng câu dựa trên từ mà bé nói được. VD: Bé nói “quả bóng”, mẹ sẽ nói “Con có quả bóng to màu đỏ”
  • Giới thiệu trò chơi đóng kịch với gấu bông, rối tay. Bắt đầu cuộc hội thoại với gấu bông: Emma muốn chơi với con đấy. Để xem Emma có thể lăn bóng được không nào.
  • Dạy con đếm theo nhịp để học nhịp phách cảm thụ âm nhạc. (Đứng lên ngồi xuống theo nhịp, nu na nu nống, bò đều theo nhịp qua hầm, …)

LƯU Ý

Điều quan trọng nhất trong tất cả các hoạt động mà ba mẹ thực hiện với con để đạt được hiệu quả tốt nhất với con đó chính là “niềm vui” cho cả bé và ba mẹ. Bé sẽ tiếp thu tốt nhất khi bé cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Tất cả các hoạt động mà ba mẹ tập trung khi tương tác cùng con đều chính là đang hỗ trợ và khuyến khích bé học nói rất tuyệt vời.

CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG

Khi bé đã có thể nói tốt các từ đơn và một số từ đôi. Ba mẹ sẽ phát triển ngôn ngữ cho bé theo tahng tăng dần khi hướng dẫn bé thể hiện các nhu cầu.

Ví dụ với nhu cầu uống nước, ba mẹ sẽ phát triển dần từ: uống – uống nước – con uống nước. Và dần dần tăng lên để bé hoàn thiện câu.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *