Th1 31, 2023

KHÔNG CÓ ĐẢM BẢO AN TOÀN NÀO KHI DÙNG MEN VI SINH LIÊN TỤC

Hiện nay, rất rất nhiều bên nói rằng Men vi sinh bổ sung liên tục không sao, với hàng trăm lợi ích và như một tấm bùa hộ mệnh cho tăng đề kháng. Và có rất ít mẹ đặt ngược lại câu hỏi về độ an toàn khi dùng liên tục như vậy. Lợi ích của men là có thật; mình vẫn đang dùng men vi sinh cho con sau khi con bị lồng ruột. Nhưng những lợi ích này đang được thần thánh hóa và quảng cáo một cách tràn lan.

1. WHO định nghĩa: Lợi khuẩn (probiotics) là “vi sinh vật (VSV) sống” mà khi dùng với số lượng ĐỦ sẽ mang lại lợi ích sức khỏe trên vật chủ. Chúng ta không thể biết thế nào là “số lượng đủ” nếu cứ dùng liên tục hàng ngày trong thời gian dài.

2. Men vi sinh được đăng ký là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, nên các tiêu chuẩn áp dụng và cấp phép của probiotics cũng không kĩ như Dược phẩm. Nếu là Dược phẩm, số thủ tục có thể lên đến hàng trăm loại kiểm soát và phải trải qua thử thách trong tối thiểu 2 năm. Từ năm 2016-2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã kiểm tra hơn 650 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và phát hiện hơn 50% trong số đó có vi phạm. Các vi phạm liên quan đến độ tinh khiết, hiệu lực và thậm chí cả đặc tính của sản phẩm, chúng khác với những gì mà nhà sản xuất đã đăng ký lưu hành.

3. Tác dụng của Probiotics mới được thử nghiệm trên một quy mô nhỏ, và được quản lý thiếu chặt chẽ hơn thuốc. Trong nghiên cứu của nhóm tác giả M van den Nieuwboer và cộng sự, “Probiotic and synbiotic safety in infants under two years of age” (2014), số liệu được thống kê trên 5.643 trẻ sử dụng probiotics. Thời gian sử dụng là 121 ngày (4 tháng). 
Mặc dù kết quả ít ghi nhận phản ứng nào đặc biệt. Chính nhóm tác giả cũng nêu rõ: “Dựa trên nghiên cứu của Hempel et al. (2011) kết hợp với dữ liệu hiện tại, chúng tôi vẫn không thể cung cấp hồ sơ an toàn mang tính quyết định của probiotics và synbiotics. Tài liệu về các nghiên cứu lâm sàng rất nghèo nàn, vì chúng thiếu thông tin chi tiết về hệ quả, tên gọi cụ thể của từng chủng lợi khuẩn và không được thiết kế để đánh giá hồ sơ an toàn. Ngoài ra, độ an toàn nên được đánh giá trên cơ sở từng chủng, tùy thuộc vào việc tiếp xúc với liều lượng cao và lâu dài.” 
Hiện nay, các nghiên cứu vẫn đang gặp khó khăn về từng chuỗi trong các chủng, với những đặc tính khác nhau của nó. Các nghiên cứu dừng lại ở thời gian sử dụng ngắn.

4. Trong một bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa (JAMA International Medicine), PGS. Pieter Cohen – Khoa Y Dược, Trường Đại Học Havard – đã kêu gọi mọi người hãy cân nhắc tác hại cũng như lợi ích của Probiotics. Ví dụ, trong số những người bị suy giảm miễn dịch, sử dụng probiotics có thể dẫn đến nhiễm trùng. Trong các chế phẩm bổ sung probiotics cũng đã tìm thấy các VSV không phải VSV có lợi. 

5. Hiện nay, một số loại SCT đã thêm lợi khuẩn để trẻ uống hàng ngày. Điển hình là Aptamil Profutura Úc. Tuy nhiên, loại lợi khuẩn trong SCT này – Bifidobacterium Breve M.16 – chỉ là một chuỗi trong chủng Bifidobacterium. 
Hiện nay các loại men vi sinh sử dụng rất nhiều chuỗi và chủng khác. Nhưng chỉ khi sử dụng probiotics được chỉ định trong các trường hợp cụ thể với các chủng vi khuẩn cụ thể thì tác dụng của nó mới thực sự hiệu quả. 

6. Trong “Commercial Probiotic Products: A call for Improved Quality Control. A position paper by the ESPGHAN Working Group for Probiotics and Prebiotics” (ESPGHAN: Hiệp hội Nhi khoa châu Âu về Tiêu hóa, Gan và Dinh Dưỡng), có nêu 4 vấn đề về sản phẩm Probiotics: 
– Không nêu rõ loài/chủng, đặc biệt trong các sản phẩm nhiều chủng. (20,29,32,42-50)- Làm giảm dung nạp với acid hoặc mật, giảm khả năng kết dính vào tế bào ruột (11,54,55)- 23-33% sản phẩm chứa quá ít VSV đủ để có thể mang lại hiệu quả, số lượng VSV giảm theo thời gian dù vẫn còn hạn sử dụng, số lượng thay đổi theo lô (29,32,43,44,46-48,52)- Nhiễm khuẩn: Thường gặp và có thể mang lại hậu quả tiềm tàng. (43,45-48,53)
Và hiện nay ở thị trường Việt Nam, chúng ta – những người mua hàng – dường như rất khó để biết được vấn đề của men vi sinh. 

7. Khuyến cáo từ ESPGHAN – Hiệp hội Nhi khoa châu Âu về Tiêu hóa, Gan và Dinh Dưỡng:
– Chọn đúng chủng Probiotic đã được chứng minh có hiệu quả (Chủng đặc hiệu)- Đủ liều lượng, Đúng thời điểm, Đủ thời gian- Chọn Probiotic tiêu chuẩn theo khuyến cáo WHO/FAO

8. Tiêu chuẩn 7-S của WHO-FAO về lựa chọn Probiotics:
– Source (nguồn gốc)- Strain Specific (Chủng đặc hiệu): mã gene- Strength and Stability: Đủ liều đủ lượng, ổn định ở khí hậu địa phương- Survival: Khả năng sống sót của VSV- Scientific studies: Có nhiều nghiên cứu ở người- Standards: Tiêu chuẩn sản xuất (quốc tế)- Safety: An toàn

TÓM LẠI: Men vi sinh vẫn chưa hề có Hồ sơ an toàn chính thức cho tất cả các chuỗi. Việc kết luận men dùng liên tục an toàn – là nhận định chủ quan của các cá nhân; và hết sức lưu ý, nhận định này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Là một người mẹ, mình sẽ luôn tìm câu hỏi ngược lại và sẽ làm cái lưới lọc lại thông tin cho con của mình. 

Những gì trong bài viết này, mình đã nêu tác giả trích dẫn trong bài. Ngoài ra, để có thêm thông tin, mọi người có thể tìm trên trang https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/ của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia – (tiếng Anh: National Center for Biotechnology Information, viết tắt NCBI) một đơn vị trực thuộc Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Đây là một trang mình cũng tìm khá nhiều nghiên cứu khác để có thêm thông tin và xin phép không trích dẫn cụ thể tại đây./

Một lần nữa nhắc lại nguồn tham khảo:

1. Báo Sức khỏe Đời sống – Cảnh giác với những lợi ích bị thổi phồng của men vi sinh

2. Van den Nieuwboer M, Claassen E, Morelli L, Guarner F, Brummer RJ. Probiotic and synbiotic safety in infants under two years of age. Benef Microbes. 2014 Mar;5(1):45-60. doi: 10.3920/BM2013.0046. PMID: 24463207.

3. Cohen PA. Probiotic Safety—No Guarantees. JAMA Intern Med. 2018;178(12):1577–1578. doi:10.1001/jamainternmed.2018.54034. Kolaček S, Hojsak I, Berni Canani R, Guarino A, Indrio F, Orel R, Pot B, Shamir R, Szajewska H, Vandenplas Y, van Goudoever J, Weizman Z; ESPGHAN Working Group for Probiotics and Prebiotics. Commercial Probiotic Products: A Call for Improved Quality Control. A Position Paper by the ESPGHAN Working Group for Probiotics and Prebiotics. J Pediatr Gastroenterol Nutr. 2017 Jul;65(1):117-124. doi: 10.1097/MPG.0000000000001603. PMID: 28644359.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *