Th4 05, 2023

KHÁM ĐỊNH KỲ MỐC 3 TUỔI – BÁC COLLINS

Hôm nay là lịch đi khám định kỳ của Sóc. Lần này, mình đã làm xét nghiệm bên Medlatec vào 10 ngày trước và đặt khám bác Collins bên Family Medical Practice. Lần này mình đặt lịch trước 2 ngày là đã có lịch của bác Collins rồi. Phí khám là 3400k cho 1 tiếng. Khi book lịch sẽ cần đặt cọc trước 1 triệu và ghi thông tin của con và số điện thoại của mẹ.

Lịch khám của Sóc là 11h và nhà mình có đến sớm trước 30p để các cô y tá kiểm tra chiều cao cân nặng cho Sóc. Với các bạn trên 2 tuổi, khi kiểm tra chiều cao và cân nặng, các cô sẽ để con đứng chứ không nằm như trước nữa. Sau khi kiểm tra xong, con sẽ đợi đến giờ khám. Bác Collins là người Pháp nên sẽ có phiên dịch viên ngồi cùng mẹ trong quá trình khám. Khi bắt đầu vào khám, bác sẽ hỏi là khám tổng quát định kỳ thôi hay muốn khám gì đặc biệt không, thì nhà mình là khám định kỳ. Bác sẽ có một vài trò chơi để tương tác với con sau khi hỏi mẹ sơ qua ban đầu.

Những câu hỏi mốc 3 tuổi bao gồm:

– Con biết đi khoảng mấy tháng? Sóc biết đi khoảng 12-14 tháng.

– Con giao tiếp câu dài đã tốt chưa? Sóc đã có thể kể câu chuyện ngắn rồi.

– Con đi mẫu giáo từ khi nào? Sóc đi mẫu giáo khoảng 2 tuổi.

– Con đã học nhạc chưa? Sóc đã có các hoạt động với âm nhạc ở nhà rồi.

– Con đã phân biệt được hình khối chưa? Sóc đã phân biệt được hình khối từ 18 tháng rồi.

– Con đã phân biệt được màu từ khi nào? Sóc đã phân biệt màu được từ 18 tháng.

  • Con có xem TV không? Khi xem thì con xem bao lâu? Có mẹ đồng hành cùng không?

– Mình thường sẽ dành ra các khoảng thời gian để xem các kênh Youtube cùng Sóc và hỏi con về các nhân vật khoảng 15-30p mỗi ngày. và bác bảo điều này ổn, bác đồng ý với mẹ.

  • Con xem kênh nào? Các kênh đó có câu chuyện không?

– Mình có đưa cho bác các kênh được cài đặt trong Youtube Kids sẵn mà hôm trước mình có một bài chia sẻ lại rồi. Bác bảo các kênh này có truyện thì ổn rồi, con cần học các câu chuyện và hội thoại. Không chỉ xem cho vui và xem thụ động. Tuy nhiên, bác dặn con vẫn cần tăng cường trải nghiệm cho con như đi dã ngoại picnic.

  • Bác thấy con khá bám mẹ, thì bác hỏi mẹ đã có em bé nữa chưa.

– Nhưng nhà mình thì chưa có bé khác. Sóc mới bắt đầu ngại hơn khoảng 2 tháng gần đây, trước đó con khá thân thiện và mạnh dạn. Sau khi trao đổi kĩ hơn thì bác bảo tính cách của con sẽ dè dặt và thận trọng, và đó là điều tốt thôi, vì con sẽ cẩn thận với những người lạ, không phải người lạ nào cũng tốt.

  • Con ngủ lúc mấy giờ? Khi đi ngủ thì mất bao lâu để vào giấc? Con đã ngủ riêng hay chưa?

– Sóc thường ngủ khoảng 9.30-10h hoặc đôi khi muộn hơn khi mẹ có họp. Con mất khoảng 15p để vào giấc và cũng chưa ngủ riêng. Thì bác khuyên là nên tập thói quen cho con ngủ riêng để con tự lập dần.

  • Sáng con thức dậy lúc mấy giờ? Con cần mẹ gọi dậy hay tự dậy?

– Sóc thì cả 2 trường hợp. Nếu hôm nào con cần mẹ gọi dậy nghĩa là con vẫn thiếu ngủ, vì vậy mẹ nên đẩy giờ ngủ của con sớm lên (khoảng 8.30-9h). Việc chuẩn bị giấc ngủ cũng rất quan trọng. 1-2 tiếng trước giờ ngủ buổi tối không được cho con xem TV, chỉ nên làm các hoạt động nhẹ nhàng như đi dạo hóng mát hoặc nghe nhạc giao hưởng không lời. Con nên tăng cường hoạt động nhảy nhót vận động vào ban ngày để xả năng lượng. Giờ vận động ngoài trời của Sóc đã có sẵn trong thời khóa biểu hàng ngày của trường rồi và điều đó rất tốt cho con. Vậy nên mỗi khi đi xem trường mình luôn hỏi trường là có giờ vận động ngoài trời không.

  • Chỉ số chiều cao, cân nặng: Sóc đang 13.3kg, 95cm. Trong bảng chiều cao cân nặng thì đây là chỉ số ổn, không có cái nào bị tụt khỏi khung.
  • Xét nghiệm:

– Nhà mình có làm xét nghiệm trước đó, nhưng đợt đó chỉ số xét nghiệm máu cho thấy có virus (vì lúc đó Sóc hơi đau mắt, nên chắc là virus từ hệ hô hấp đi theo tuyến lệ lên mắt).Sóc có 2 chỉ số đang thấp là sắt và D3. Sắt hơi thấp nhưng chỉ số Ferritin (dự trữ sắt vẫn ổn), nên con không cần uống thuốc sắt. Con có thể ăn tăng cường các thực phẩm chứa sắt như đậu phụ, bông cải xanh, những con có vỏ như hàu, sò. D thấp thì bác kê đơn uống D3 liều cao. Khi con trên 3 tuổi, con sẽ uống D3 liều cao chứ không uống D3 giọt nữa. D3 loại nào cũng được, nhưng cần đủ 200 000UI/năm. Như Uvedose là 100 000UI thì con sẽ cần 2 ống/năm.

  • Chăm sóc vùng kín cho bé gái:

– 2 tuần trước, Sóc có tiết ít dịch trắng, và mình khá lo lắng. Nhưng sau khoảng 3 ngày thì giảm dần và hết. Đó là lần đầu tiên Sóc bị và cũng chưa bị lại lần nào nữa. Bác có hỏi kĩ hơn: Dịch có dây ra ngoài quần trong không? Tần suất dịch như nào? Khi dây ra quần xong có thấy cứng lại không? Một ngày thấy dịch mấy lần? Có mùi không? Con có sốt không?Lúc đó, Sóc đi học nên khi đón về mình cũng không xem được tần suất ra dịch. Nhưng nếu lần sau con bị lại, thì bác khuyên là nên cho con đi khám và xét nghiệm dịch đó xem có nấm không. Xét nghiệm dịch thì khi đến chỗ khám, các bác sĩ sẽ lấy một que bông tiệt trùng và lấy dịch mang đi xét nghiệm.

  • Sữa:

– Trên 3 tuổi con sẽ không cần duy trì SCT nữa, mà mẹ có thể chuyển sang sữa tươi được rồi. Và cố gắng giữ nếp ăn không đường, không hương vị. Sữa nguyên kem (full cream) có thể dùng được. Sữa thanh trùng và tiệt trùng đều có thể dùng được.

  • Ăn uống:

Lúc này con đi học rồi, thì bác có hỏi mẹ về lịch ăn cuối tuần để bác xem:

– Sáng ăn gì? Trưa ăn gì? Tối ăn gì? Lượng ăn mỗi bữa là bao nhiêu?

– Ăn rau nhiều không?

– Bữa xế chiều ăn gì? Nếu uống sữa thì bao nhiêu sữa? (Sóc thường uống 110ml sữa tươi hộp)

– Tối có ăn gì thêm sau giờ ăn tối không? (Không)

– Hoa quả có ăn rải rác trong ngày không? (Sóc có – Điều này tốt)

– Ăn đều các loại hạt chưa? (Sóc có)

– Khi nấu mẹ có nấu đa dạng các loại gia vị như quế, gừng, tiêu, hành không? (Có)

– Sóc ăn ít thịt có sao không? Không sao, thì thịt không phải là ưu tiên đứng đầu, rau mới là ưu tiên.

  • Nếu con ốm và cần dùng kháng sinh, thì có thể dùng men vi sinh sau khi uống kháng sinh không (vì kháng sinh diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại)?

– Có. Con có thể dùng men vi sinh, nhưng không được dùng liên tục. Cơ thể nên lấy lợi khuẩn từ tự nhiên hơn (như đồ lên men – sữa chua, kim chi, dưa muối…). Nếu mẹ cẩn thận mà có thể ủ sữa chua thì càng tốt, vì sữa chua ở ngoài vẫn có chất bảo quản và phụ gia.

  • Mắt:

– Từ 3 tuổi trở đi thì con có cần kiểm tra mắt định kỳ hay không? Bác có hỏi mẹ bị cận hay loạn. Nếu mẹ bị cận thì mẹ có thể cho con đi kiểm tra thị lực trước khi vào lớp 1, con bây giờ chưa cần. Trước đó Sóc cũng có bị co rút mí mắt phải bẩm sinh, đến giờ con đã cải thiện nhiều rồi, và bác cũng xem lại hồ sơ khám ngày trước, không có vấn đề gì cả. Thị lực cũng không liên quan đến mí mắt nên không lo.

  • Mốc 2 tuổi nếu con nói được vài từ đơn thì có gọi là chậm nói không?

– Ở mốc 2 tuổi, con sẽ có thể nói được câu gồm 2-3 từ. Nói được từ đơn thì cũng cần phải xem môi trường con sống thế nào, con có xem TV điện thoại nhiều không, con có tương tác nhiều với mẹ không. Nếu chưa tương tác nhiều thì mẹ cần thay đổi và tích cực giao tiếp đọc sách truyện cho con nghe và vứt cái điện thoại đi.

Sau đó bác sẽ kiểm tra cơ thể của Sóc: tim phổi, tai mũi họng, bụng, vùng kín và các khớp tay chân.

Sau khi khám hết 1 tiếng thì bác cũng hỏi xem mẹ còn câu hỏi gì không. Rồi bác đưa cho mình một loạt giấy tờ thêm thông tin cho 2 mẹ con. Lần trước khám thì thấy bác hôm đó hơi khó tính, lần này lại rất nhẹ nhàng và đáng yêu. Thế là nhà mình đã xong nhiệm vụ của mốc 3 tuổi. Bác bảo tổng thể thì con chỉ cần ngủ sớm hơn thôi, mọi thứ mẹ chăm rất ổn rồi. Và bảo lâu lắm rồi mới thấy một học trò nghiêm chỉnh của bác (vì nhà mình theo bác lâu rồi). Thật vui!

Chốt lại là quyển sách note mỗi khi đi khám bệnh

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *