Th10 18, 2021

HỌC THUYẾT PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA ERIK ERIKSON

Erik Erikson (1902-1994)

Erik Erikson là một nhà tâm lý học bản ngã, người đã xây dựng nên một trong những học thuyết nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng nhất về sự phát triển con người. Mặc dù học thuyết của ông bị ảnh hưởng bởi nhà phân tâm học Sigmund Freud, Erikson tập trung vào nghiên cứu sự phát triển tâm lý xã hội hơn là tâm lý tính dục.

Những giai đoạn trong học thuyết này bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Tin tưởng – Hoài Nghi (Trust vs Mistrust)
  • Giai đoạn 2: Tự chủ – Xấu hổ và Ngờ vực (Autonomy vs. Shame and Doubt)
  • Giai đoạn 3: Chủ động – Cảm giác tội lỗi (Initiative vs. Guilt)
  • Giai đoạn 4: Siêng năng – Tự ti (Industry vs. Inferiority)
  • Giai đoạn 5: Cái tôi – Bối rối (Identity vs. Confusion)
  • Giai đoạn 6: Gắn kết – Cô lập (Intimacy vs. Isolation)
  • Giai đoạn 7: Kiến tạo giá trị – Đình trệ (Generativity vs. Stagnation)
  • Giai đoạn 8: Trọn vẹn – Thất vọng (Integrity vs. Despair)

Theo Erikson, tính cách phát triển qua một chuỗi các giai đoạn. Tuy nhiên, không giống như lý thuyết của Freud về các giai đoạn tâm lý, lý thuyết của Erikson mô tả tác động của trải nghiệm xã hội trong toàn bộ cuộc đời. Erikson quan tâm đến vai trò của tương tác xã hội và các mối quan hệ đối với sự phát triển và trưởng thành của con người.

Mâu thuẫn (Conflict) trong mỗi giai đoạn

Mỗi giai đoạn trong học thuyết của Erikson được xây dựng dựa trên các giai đoạn trước và mở đường cho các giai đoạn phát triển sau. Trong mỗi giai đoạn, Erikson tin rằng mọi người sẽ trải qua những mâu thuẫn – là bước ngoặt của sự phát triển.

Theo góc nhìn của Erikson, những mâu thuẫn này tập trung vào việc phát triển phẩm chất tâm lý hoặc không. Trong thời gian này, tiềm năng phát triển cá nhân là cao nhưng khả năng thất bại cũng rất lớn.

Nếu một người xử lý mâu thuẫn thành công, họ sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với những sức mạnh tâm lý có lợi đối với họ trong suốt cuộc đời. Nếu họ thất bại trong việc xử lý hiệu quả những mâu thuẫn này, họ không thể hình thành những kỹ năng thiết yếu cần có để hiểu rõ chính mình.

Tinh thông (Mastery) mang lại sức mạnh bản ngã

Erikson cũng tin rằng ý thức về năng lực sẽ thúc đẩy các hành vi. Mỗi giai đoạn trong lý thuyết của Erikson đều liên quan đến việc hình thành năng lực trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống.

Nếu giai đoạn này được xử lý tốt, người đó sẽ có cảm giác làm chủ, đôi khi được gọi là sức mạnh bản ngã (Ego strength). Nếu ngược lại, người đó sẽ có cảm giác thiếu hụt trong khía cạnh phát triển đó.

Bảng tóm tắt 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội

Nhóm tuổiMâu thuẫnSự kiện quan trọng Phẩm cách Mối quan hệ chínhCâu hỏi sống còn
0-18 thángTin tưởng – Hoài Nghi (Trust vs Mistrust)Cho ănHi vọng (Hope)MẹTối có thể tin tưởng thế giới này không?
2-3 tuổiTự chủ – Xấu hổ và Ngờ vực (Autonomy vs. Shame and Doubt) Đi vệ sinh Ý chí (Will)Cha mẹLà tôi thì có ổn không?
3-5 tuổiChủ động – Cảm giác tội lỗi (Initiative vs. Guilt)Khám pháÝ muốn (Purpose)Gia đìnhTôi làm các thứ, hành động, di chuyển thì có được không?
6-11 tuổiSiêng năng – Tự ti (Industry vs. Inferiority)Trường họcTự tin (Confidence)Hàng xóm, trường họcLiệu tôi có thể làm gì đó trong thế giới con người và đồ vật?
12-18 tuổiCái tôi – Bối rối (Identity vs. Confusion)Mối quan hệ xã hộiTrung thực (Fidelity)Bạn học, thần tượngTôi là ai? Tôi có thể trở thành ai?
19-40 tuổiGắn kết – Cô lập (Intimacy vs. Isolation)Mối quan hệ nam nữTình yêu (Love)Bạn, người yêuTôi có thể yêu không?
40-65 tuổiKiến tạo giá trị – Đình trệ (Generativity vs. Stagnation)Công việc, Làm cha mẹSự quan tâm (Care)Gia đình, đồng nghiệpTôi có thể sống có ý nghĩa không?
65 tuổi trở lênTrọn vẹn – Thất vọng (Integrity vs. Despair)Chiêm nghiệm cuộc sốngSự khôn ngoan (Wisdom)Nhân loại, đồng cảnh ngộTôi như tôi đã sống có ổn không?

Giai đoạn 1: Tin tưởng – Hoài Nghi (Trust vs Mistrust)

Giai đoạn đầu tiên trong lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson xảy ra từ khi trẻ mới sinh đến 1 tuổi và là giai đoạn cơ bản nhất trong cuộc đời. Bởi vì trẻ sơ sinh hoàn toàn phụ thuộc, sự tin tưởng phát triển dựa trên sự tin cậy và phẩm chất của những người chăm sóc trẻ.

Tại thời điểm phát triển này, đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào những người lớn về mọi thứ chúng cần để tồn tại, bao gồm: thức ăn, tình yêu, sự ấm áp, sự an toàn và sự nuôi dưỡng. Nếu người chăm sóc không cung cấp sự quan tâm và tình yêu thương đầy đủ, đứa trẻ sẽ cảm thấy rằng chúng không thể tin tưởng hoặc phụ thuộc vào người lớn trong cuộc sống của chúng.

Nguồn: sprouts.co.th

Kết quả
Nếu một đứa trẻ phát triển thành công lòng tin, đứa trẻ sẽ cảm thấy an toàn và an tâm trong thế giới.

Khi người chăm sóc không nhất quán, không bên trẻ khi chúng cần, hoặc có thái độ chối bỏ sẽ gây ra cảm giác không tin tưởng ở trẻ. Và không phát triển lòng tin sẽ dẫn đến nỗi sợ hãi và tin rằng thế giới không nhất quán và không thể đoán trước được.

Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý xã hội, trẻ phát triển cảm giác tin tưởng khi được người chăm sóc tin cậy, quan tâm và yêu mến. Nếu ngược lại, trẻ sẽ nhìn thế giới với ánh mắt ngờ vực.

Tất nhiên, không có một đứa trẻ nào phát triển cảm giác tin tưởng 100% hoặc nghi ngờ 100%. Erikson tin rằng sự phát triển thành công sẽ nhằm tạo ra sự cân bằng giữa hai mặt đối lập: tin tưởng và ngờ vực. Khi đó, trẻ sẽ có được hy vọng, mà theo Erikson mô tả, hy vọng đó chính là sự cởi mở để đón nhận những cảnh giác về nguy hiểm sau này.

Những công trình nghiên cứu sau này của John Bowlby và Mary Ainsworth cũng đã chứng minh tầm quan trọng của “niềm tin” trong việc hình thành sự gắn kết lành mạnh trong suốt thời thơ ấu và trưởng thành.

Giai đoạn 2: Tự chủ – Xấu hổ và Ngờ vực (Autonomy vs. Shame and Doubt)

Giai đoạn thứ hai của lý thuyết phát triển tâm lý xã hội của Erikson diễn ra trong thời thơ ấu. Điểm nổi bật trong thời kỳ này đó là sự phát triển ý thức kiểm soát cá nhân tốt hơn.

Nguồn: sprouts.co.th

Vai trò của Sự độc lập

Ở thời điểm phát triển này, trẻ bắt đầu có một chút độc lập. Trẻ đang bắt đầu tự mình thực hiện các hoạt động cơ bản và đưa ra các quyết định đơn giản về những gì chúng thích. Bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển cảm giác tự chủ trong giai đoạn này bằng cách cho phép trẻ đưa ra lựa chọn và quyết định.

Thời kỳ cai bỉm (Potty Training)

Điểm quan trọng trong giai đoạn này đó là: ý thức độ lập và sự phát triển cảm giác kiểm soát cá nhân đối với các kỹ năng thể chất. Việc tập ngồi bô đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển ý thức tự chủ này.

Giống như Freud, Erikson tin rằng tập ngồi bô là một phần quan trọng của quá trình phát triển này. Tuy nhiên, lý do của Erikson hoàn toàn khác với lý do của Freud. Erikson tin rằng học cách kiểm soát các chức năng cơ thể sẽ đem lại cho con cảm giác kiểm soát và độc lập. Những điểm quan trọng khác trong thời kỳ này bao gồm có quyền quyết định và lựa chọn đồ ăn, đồ chơi, quần áo yêu thích.

Kết quả
Nếu trẻ loay hoay và bị chê trách, xấu hổ về những lỗi sai do mình mắc phải, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hình thành cảm giác tự chủ. Thành công trong giai đoạn phát triển tâm lý xã hội này sẽ khiến trẻ tự chủ hơn; tuy nhiên, nếu thất bại, sẽ dẫn đến cảm giác xấu hổ và nghi ngờ.

Tìm kiếm sự cân bằng
Theo Erikson, nếu trẻ hoàn thành tốt giai đoạn này, trẻ có xu hướng cảm thấy yên tâm và tự tin, nếu ngược lại, trẻ sẽ mang cảm giác hụt hẫng và thiếu tự tin vào bản thân và cuộc sống. Erikson tin rằng việc đạt được sự cân bằng giữa sự tự chủ, nỗi tủi hổ và sự nghi ngờ sẽ giúp trẻ tạo dựng ý chí, chính là niềm tin rằng trẻ có thể hành xử có suy tính, biết suy nghĩ và có giới hạn.

Giai đoạn 3: Chủ động – Cảm giác tội lỗi (Initiative vs. Guilt)

Giai đoạn thứ ba của sự phát triển tâm lý xã hội diễn ra trong những năm học mầm non. Ở thời điểm này, trẻ em bắt đầu khẳng định quyền lực và quyền kiểm soát của mình đối với thế giới thông qua việc tham gia đóng vai (diễn kịch) và các tương tác xã hội khác.

Những đứa trẻ thành công trong giai đoạn này sẽ nhận định được năng lực của bản thân và có khả năng chỉ dẫn người khác. Những người không đạt được những kỹ năng này sẽ có cảm giác tội lỗi, thiếu tự tin và thiếu chủ động.

Nguồn: sprouts.co.th

Kết quả
Điểm quan trọng của giai đoạn này đó là trẻ em cần bắt đầu khẳng định khả năng kiểm soát và điều khiển với mọi thứ xung quanh môi trường sống. Những đứa trẻ thành công trải qua giai đoạn này sẽ nắm giữ được mục đích của mỗi sự việc và hoạt động trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi đưa ra quá nhiều kiểm soát và quyền lực, trẻ sẽ nhận lại sự không tán thành, và điều này có thể dẫn đến một cảm giác mắc lỗi.

Khi đạt được sự cân bằng lý tưởng giữa sáng kiến cá nhân và sự sẵn lòng làm việc với người khác, những phẩm chất bản ngã về sự chủ động, có mục đích bắt đầu hình thành.

Giai đoạn 4: Siêng năng – Tự ti (Industry vs. Inferiority)

Giai đoạn tâm lý xã hội thứ tư diễn ra trong những năm đầu đi học từ khoảng 5 đến 11 tuổi. Thông qua các tương tác xã hội, trẻ bắt đầu hình thành cảm giác tự hào về thành tích và khả năng của mình.

Nguồn: sprouts.co.th

Trẻ cần phải đương đầu với những nhu cầu mới về xã hội và học tập. Sự trải nghiệm thành công trong giai đoạn này sẽ đem lại sự nhận thức về năng lực cá nhân, trong khi ngược lại, trẻ vượt qua giai đoạn này một cách không thành công sẽ dẫn đến cảm giác tự ti theo trẻ trong suốt thời gian sau này.

Kết quả
Những đứa trẻ nhận được sự khuyến khích và khen ngợi từ người lớn sẽ phát triển nhận thức về năng lực cá nhân và có niềm tin vào khả năng của chính mình. Những người nhận được ít hoặc không nhận được sự khuyến khích từ cha mẹ, giáo viên hoặc bạn bè đồng trang lứa sẽ nghi ngờ khả năng thành công của họ.

Giai đoạn này, nếu trẻ có thể cân bằng giữa 2 yếu tố mâu thuẫn, trẻ sẽ có sức mạnh về năng lực rất lớn, nghĩa là trẻ phát triển niềm tin vào khả năng của mình để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trước mắt.

Giai đoạn 5: Cái tôi – Bối rối (Identity vs. Confusion)

Giai đoạn này diễn ra ở độ tuổi 12-18 tuổi và đóng một vai trò thiết yếu trong việc phát triển ý thức về cái tôi cá nhân – khía cạnh ảnh hưởng đến hành vi và sự phát triển trong suốt phần đời còn lại của một người. Trải nghiệm thành công của giai đoạn này sẽ đem lại khả năng sống thật, đúng và tự tin với chính mình, trong khi thất bại dẫn đến cảm giác yếu kém, mất định hướng về vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

Nguồn: sprouts.co.th

Trong thời kỳ thanh thiếu niên, trẻ em khám phá sự độc lập và phát triển ý thức về bản thân. Những trẻ nhận được sự khuyến khích và củng cố thích hợp trong quá trình khám phá sẽ khơi gợi ý thức cá nhân mạnh mẽ và cảm giác độc lập. Những trẻ không chắc chắn về niềm tin và ước muốn của mình sẽ cảm thấy bất an và bối rối về bản thân và tương lai.

Định hình cái tôi cá nhân là gì?
Khi các nhà tâm lý học nói về bản sắc, họ đang đề cập đến tất cả những niềm tin, lý tưởng và giá trị giúp định hình hành vi của một người. Hoàn thành giai đoạn này thành công dẫn đến sự trung thành xã hội, yếu tố mà Erikson mô tả là khả năng sống theo tiêu chuẩn và kỳ vọng của xã hội.

Trong khi Erikson tin rằng mỗi giai đoạn phát triển tâm lý xã hội đều quan trọng, thì ông lại đặc biệt nhấn mạnh vào sự phát triển của cái tôi. Cái tôi cá nhân là sự cảm nhận và định hình rõ ràng về bản thân chúng ta thông qua tương tác xã hội. Cái tôi cá nhân là trọng tâm trong giai đoạn tâm lý này.

Theo Erikson, cái tôi cá nhân của chúng ta liên tục thay đổi qua những trải nghiệm hàng ngày. Khi chúng ta có những trải nghiệm mới, chúng ta cũng sẽ phải đương đầu với những thách thức mới có thể thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của cái tôi cá nhân.

Tại sao Định hình cái tôi cá nhân lại quan trọng?
Cái tôi cá nhân mang lại cho mỗi chúng ta cảm giác hòa nhập và gắn kết về bản thân, và cảm giác này tồn tại trong suốt cuộc đời mỗi con người. Ý thức về cái tôi cá nhân được hình thành thông qua trải nghiệm và tương tác của chúng ta với mọi người, và chính ý thức này sẽ giúp định hướng hành động, niềm tin và hành vi của chúng ta qua mỗi thời kỳ.

Giai đoạn 6: Gắn kết – Cô lập (Intimacy vs. Isolation)

Giai đoạn 19-40 tuổi là giai đoạn hình thành những mối quan hệ yêu thương với những người khác như tạo dựng gia đình, người yêu, làm cha mẹ. Trải nghiệm thành công ở giai đoạn này sẽ đem đến sự bền chặt trong những mối quan hệ đó, trong khi thất bại dẫn đến sự cô đơn và cô lập sau này. Giai đoạn này bao gồm giai đoạn trưởng thành sớm khi con người đang khám phá các mối quan hệ cá nhân.

Nguồn: sprouts.co.th

Xây dựng trên nền tảng các giai đoạn trước đó
Trong 8 giai đoạn của học thuyết, mỗi giai đoạn sau đều được xây dựng dựa trên nền tảng của giai đoạn trước đó. Erikson tin rằng, ý thức về cái tôi cá nhân mạnh mẽ của giai đoạn 5 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ gắn bó ở giai đoạn này. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có ý thức về cái tôi cá nhân không cao thường có xu hướng có ít những mối quan hệ gắn kết lâu dài hơn và nhiều khả năng phải vật lộn với sự cô lập về cảm xúc, cô đơn và trầm cảm.

Giải quyết thành công giai đoạn này dẫn đến phẩm chất tốt đẹp đó là “tình yêu thương”. Nó được đánh dấu bởi khả năng hình thành các mối quan hệ lâu dài, có ý nghĩa với những người khác.

Giai đoạn 7: Kiến tạo giá trị – Đình trệ (Generativity vs. Stagnation)

Trong giai đoạn trưởng thành (40-65 tuổi), chúng ta tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình, tập trung vào sự nghiệp và vun đắp gia đình. Những người thành công trong giai đoạn này sẽ cảm thấy rằng họ đang đóng góp cho thế giới bằng cách hoạt động tích cực trong gia đình và cộng đồng của mình. Những người không đạt được kỹ năng này sẽ cảm thấy mình không có ích và không được mọi người quan tâm.

Nguồn: sprouts.co.th

Sự quan tâm là phẩm chất “gặt hái” được khi giai đoạn này được trải nghiệm thành công. Sự tự hào về thành tựu của mình, quan sát con cái trưởng thành và cảm giác thống nhất với người bạn đời là những thành tựu quan trọng trong giai đoạn này.

Giai đoạn 8: Trọn vẹn – Thất vọng (Integrity vs. Despair)

Giai đoạn tâm lý xã hội cuối cùng xảy ra ở tuổi già và tập trung vào việc phản ánh lại cuộc sống. Tại thời điểm này, mọi người nhìn lại các sự kiện trong cuộc đời của mình và xác định xem họ có hạnh phúc với cuộc sống mà họ đã sống hay không, hoặc họ có hối tiếc về những điều họ đã làm và bỏ lỡ hay không.

Nguồn: sprouts.co.th

Học thuyết của Erikson khác với nhiều học thuyết khác vì nó đề cập đến sự phát triển trong suốt cuộc đời, bao gồm cả tuổi già. Những người lớn tuổi cần nhìn lại cuộc sống và cảm nhận một cảm giác thỏa mãn. Thành công ở giai đoạn này dẫn đến cảm giác “khôn ngoan”, trong khi thất bại dẫn đến hối tiếc, cay đắng và tuyệt vọng.

Ở giai đoạn này, mọi người chiêm nghiệm lại cuộc sống của chính mình. Những người nhìn lại cuộc sống, mà họ thấy rằng đã sống tốt, sẽ cảm thấy hài lòng và sẵn sàng đối mặt với cuối đời trong sự bình yên và thanh thản. Thay vào đó, những người nhìn lại và hối tiếc sẽ thấy sợ hãi rằng cuộc sống của họ sẽ kết thúc mà không đạt được những điều họ mong muốn.

Một vài lời đến từ bản thân mình – Mẹ của Sóc

Khi tìm hiểu về phát triển tâm lý của con, thực sự mình đã dừng lại ở nhu cầu tìm hiểu những năm đầu đời. Bởi lúc đó mình nghĩ đơn giản rằng: Đến đâu hay đến đó, con đến giai đoạn nào thì mẹ sẽ tìm hiểu giai đoạn đó. Nhưng khi càng đọc về thuyết phát triển tâm lý của Erikson, mình càng bị cuốn theo và mình thấy rằng, cái nhìn tổng quan của cả cuộc đời con người không chỉ giúp hiểu con, mà còn giúp mình hiểu chính bản thân và đón nhận những tương tác xã hội xung quanh một cách tích cực hơn và cởi mở hơn. Đây cũng chính là điểm mạnh học thuyết này, và cũng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ những quan điểm của ông. Mặc dù có nhiều người cho rằng, điểm thiếu sót là chưa chỉ ra được cách giải quyết những mâu thuẫn để phát triển thành công qua mỗi giai đoạn. Bản thân mình nhận định rằng, để tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi này thực sự là rất khó, bởi vì cách vận hành của xã hội tác động lại con người luôn chuyển biến, và mâu thuẫn giữa tâm lý với những tương tác bên ngoài cũng hết sức phức tạp.

Mình thực sự thấy biết ơn những nhà nghiên cứu đã để tri thức của cả một đời người ở lại, một chiếc chìa khóa của quá khứ để mở ra cánh cửa nghiên cứu cho tương lai.

Resources:

  1. Bài viết được dựa trên các nguồn trích dẫn dưới đây và trang Verywellmind và Sprouts.
  2. Vogel-Scibilia SE, McNulty KC, Baxter B, Miller S, Dine M, Frese FJ. The recovery process utilizing Erikson’s stages of human developmentCommunity Ment Health J. 2009;45(6):405-14. doi:10.1007/s10597-009-9189-4
  3. Malone JC, Liu SR, Vaillant GE, Rentz DM, Waldinger RJ. Midlife Eriksonian psychosocial development: Setting the stage for late-life cognitive and emotional healthDev Psychol. 2016;52(3):496-508. doi:10.1037/a0039875
  4. Orenstein GA, Lewis L. Erikson’s Stages of Psychosocial Development. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing. Updated March 9, 2020.
  5. Meeus W, van de Schoot R, Keijsers L, Branje S. Identity statuses as developmental trajectories: A five-wave longitudinal study in early-to-middle and middle-to-late adolescentsJ Youth Adolesc. 2012;41(8):1008-1021. doi:10.1007/s10964-011-9730-y
  6. Fadjukoff P, Pulkkinen L, Kokko K. Identity formation in adulthood: A longitudinal study from age 27 to 50Identity (Mahwah, N J). 2016;16(1):8-23. doi:10.1080/15283488.2015.1121820

Additional Reading

  1. Carver, CS & Scheir, MF. Perspectives on Personality. Needham Heights, MA: Allyn & Bacon; 2011.
  2. Erikson, E.H. Childhood and Society. (2nd ed.). New York: Norton; 1993.
  3. Erikson, EH & Erikson, JM. The Life Cycle Completed. New York: Norton; 1998.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *