GIỚI THIỆU CHUNG
Đây là nhóm hoạt động hướng tới mục tiêu chính: Phát triển giác quan. Ngay từ khi sinh ra, con đã bắt đầu phản ứng lại với những yếu tố kích thích giác quan từ môi trường xung quanh. Con di chuyển đầu theo hướng âm thanh, dõi theo vật bằng mắt và khám phá thế giới bằng đôi bàn tay. Sau đó, con mới phát triển vận động tinh, kĩ năng phối hợp tay và mắt, và các kĩ năng khác. Năm giác quan cơ bản bao gồm: thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), xúc giác (chạm), thị giác (nhìn), vị giác (nếm). Ngoài ra, trong cơ thể của con tồn tại hai nhóm giác quan khác, đó là: cảm giác động học (Proprioception) là khả năng cơ thể cảm nhận được vị trí, chuyển động và hành động của cơ thể; và cảm giác tiền đình (Vestibular Sense) là khả năng cơ thể cung cấp cảm giác thăng bằng và chuyển động của đầu. Hoạt động với piano là nhóm hoạt động hướng tới thính giác (nghe). Thông qua thính giác, chúng ta có thể: Cảm nhận và giải thích âm thanh mà chúng ta nghe thấy, xác định hướng phát ra âm thanh, xác định khoảng cách của nguồn phát âm, hiểu tầm quan trọng của âm thanh (ví dụ: một chiếc xe đang chạy quá tốc độ về phía bạn khi bạn đang băng qua đường là một âm thanh nguy hiểm trong tình huống đó). Thính giác phát triển tốt hơn so với thị giác ở thời điểm sơ sinh. Bởi vì thính giác đã phát triển từ sau 28 tuần tuổi thai. Trẻ sơ sinh có thể nhận biết giọng nói của mẹ từ rất sớm và có thể nghe tốt những âm thanh có âm vực cao. Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối.
MỤC ĐÍCH
Đến với hoạt động này con được tiếp xúc với một loại nhạc cụ đó là đàn piano. Hoạt động này nhằm khơi gợi tính tò mò và hứng thú thông qua các nốt nhạc đen và trắng, cũng như được kích thích thính giác và khả năng tập trung, khả năng phân biệt độ cao – thấp của tiếng đàn.
MỤC TIÊU
– Nhận thức: Con có thể ghi nhớ các âm thanh phát ra từ đàn piano;
– Vận động tinh: Con có thể sử dụng ngón tay để nhấn phím đàn và tạo ra âm thanh;
– Vận động thô: Ngồi vững trên ghế;
– Ngôn ngữ: Con có thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản của mẹ;
– Nội dung tích hợp: Màu sắc và số đếm: Con có thể gọi tên các số đếm và màu sắc đã được giới thiệu trước đó;
– Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.
ĐỘ TUỔI
Độ tuổi thích hợp để tham gia hoạt động là khi con khoảng 2 tuổi. Khi con có thể ngồi vững trên ghế, con đã biết dùng ngón trỏ để chỉ vật cũng như sử dụng ngón tay và bóc nhón một cách linh hoạt.
Lưu ý: mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp.
CHUẨN BỊ
– Vòng tròn sắc màu, có thể thay bằng các stickers màu;
– Stickers số đếm;
– Đàn piano (có thể là đàn to hoặc đồ chơi). Nếu ngồi đàn to, bố mẹ cần lưu ý chỉnh ghế đàn cao lên để vừa với chiều cao của con;
– Thảm hoạt động.
CÁCH CHƠI
Bước 1: Bố mẹ giới thiệu cho con về đàn (tên gọi: đàn, ghế, phím đàn) để cung cấp từ vựng cho con;
Bước 2: Bố mẹ để con chơi tự do với đàn, con sẽ khám phá âm thanh qua các quãng khác nhau;
Bước 3: Bố mẹ hướng dẫn con sử dụng tay đặt lên dàn và nhấn các phím đàn;
Bước 4: Bố mẹ kết hợp với vòng tròn màu và stickers số đếm để chơi các trò chơi như dưới đây.
Hoạt động 1:
Xếp các vòng tròn lên phím đàn theo đúng vị trí Do trung tâm và hết 1 quãng. Để bé bấm các nốt lần lượt và mẹ đọc nốt nhạc cho bé kết hợp nghe và bấm đàn.
Hoạt động 2:
Xếp vòng tròn 3 màu với 3 nốt Do Re Mi và giao cho bé nhiệm vụ bấm 2 nốt Do cùng màu, 2 nốt Re cùng màu và 2 nốt Mi cùng màu.
Hoạt động 3: Vẫn xếp như hoạt động 2, nhưng mẹ sẽ đánh bài Mary Has A Little Lamb cho bé nghe với 3 nốt Do Re Mi và ở các vị trí thấp cao khác nhau trên đàn, và hát theo.
Hoạt động 4:
Hoạt động này nhằm kết hợp số đếm và âm nhạc. Đây là một trò mà Sóc tự nghĩ ra với các stickers số của mình. Sóc lấy ý tưởng từ quyển sách piano nhỏ, với các số đếm trên mỗi phím đàn, và mỗi bài hát sẽ có một bản nhạc với số theo từng nốt giúp các bé nhìn số và đánh theo giai điệu của bài. Hoạt động với một chiếc đàn to đùng khiến Sóc rất phấn khích và đã chơi được khá lâu.
LƯU Ý
Có một số lưu ý nho nhỏ khi bố mẹ cho các con tham gia hoạt động này. Đó là, tay con vẫn còn yếu nên bố mẹ có thể khuyến khích con dùng 2 – 3 ngón tay để nhấn đàn. Nếu con chơi đàn cơ thật, phím gỗ sẽ khá nặng nên bố mẹ chỉ nên để con chơi ít, không nên sốt ruột để con học piano quá sớm.
Lưu ý tiếp theo là khi bắt đầu chơi, con có thể không kiên trì và dùng cả 2 tay đập lên đàn. Điều này là hoàn toàn bình thường với con, bố mẹ có thể kiên trì lặp lại hoạt động với con vào một khoảng thời gian khác trong tuần.
Cuối cùng là ngoài màu sắc và số đếm, bố mẹ có thể dựa vào những đồ chơi mà con yêu thích, có thể tìm stickers dính lên đàn để con thêm hứng thú với hoạt động.
CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG
Đối với các con dưới 2 tuổi, nếu bố mẹ biết chơi đàn, bố mẹ có thể chơi một vài giai điệu quen thuộc như: Twinkle Twinkle Little Star hay Mary has a Little Lamb… để con nhún nhảy theo nhạc. Bố mẹ có thể chơi với tốc độ chậm, nhanh khác nhau để kích thích khả năng cảm thụ âm nhạc của con. Hoặc bố mẹ có thể đánh theo từng quãng và đọc theo, rồi bất chợt dừng, cùng lúc đó, con sẽ dừng việc chạy hoặc nhảy lại (freeze game);
Ngoài ra, đối với các con lớn hơn, bố mẹ và con có thể cùng hát theo giai điệu hoặc con học bài hát theo số đếm (thay vì đọc nốt), hoặc bố mẹ đánh một quãng Do Re Mi Fa Sol La Si Do và cứ hết một quãng con lại nhảy lò cò, và bật nhảy thêm một bước.
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)