Th6 21, 2023

HIỂU VỀ NGỮ ÂM TIẾNG ANH CHO BÉ

Để Sóc nói tiếng Anh như video hôm qua, đúng là do Sóc học ngữ âm từ khi mới 1 tuổi. Việc học ngữ âm sẽ giúp con bóc tách các âm và phát âm đúng và hay hơn. Dạy con về ngữ âm (phonics) vẫn luôn là một phương pháp hay, tuy nhiên, không phải ai cũng nên chạy theo phương pháp này và cố gắng để dạy con. Bởi những phần sau:

1. Letter sounds vs Letter names

Sự căn bản của Phonics nằm ở việc phân biệt ‘letter sounds’ và ‘letter names’. Letter sounds là các âm của chữ cái, letter names là tên của chữ cái. Khi bắt đầu với Phonics, con sẽ bắt đầu với letter sounds. Nếu sự phân biệt này mẹ chưa biết, nghĩa là rất khó để tiếp tục với những phần khó hơn. Nếu không cẩn thận cả mẹ và con đều bị loạn

2. Mục tiêu tiếng Anh cho con trong những giai đoạn vàng từ 0-6 tuổi là sự tiếp nhận ngôn ngữ tự nhiên, hình thành phản xạ, sự tự tin trong ngôn ngữ và hướng tới mục tiêu giao tiếp. Đánh vần hỗ trợ con phần đọc từ, không phải phản xạ giao tiếp 2 chiều. Mẹ cần xem lại mục tiêu mẹ mong muốn là gì trước khi quyết định phương pháp với con.

3. Các kĩ năng nghe nói đọc viết thuộc nhóm Thực hành tiếng, còn ngữ âm là thuộc Ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học là chuyên ngành nghiên cứu ngôn ngữ chứ không chỉ là kỹ năng ngôn ngữ thông thường.

Các giáo viên sẽ cần học một học phần gọi là Ngữ âm và Âm vị học (Phonetics and Phonology) trong suốt một học kì. Với các sinh viên sư phạm chính quy hiện nay, học phần này nằm ở năm học thứ 3, cùng với Từ vựng – ngữ nghĩa học, và Thụ đắc ngôn ngữ thứ hai.

Đã là kiến thức chuyên ngành, nghĩa là cần có nền tảng và chuyên môn. Với ngữ âm và âm vị học, điều đầu tiên mà sinh viên chuyên ngành cần học là kết cấu khoang miệng, các khớp nối trong miệng và các nhóm âm theo kết cấu đó:

The articulators, sách “English Phonetics and Phonology 4th Ed, Peter Roach, trang 8

Riêng nguyên âm, những vị trí của lưỡi và cỡ mở của nguyên âm cũng phải học:

Primary Cardinal Vowels, sách “English Phonetics and Phonology 4th Ed, Peter Roach, trang 12

Và đây là tổng hợp những gì cực kỳ đau đầu mà giáo viên tiếng Anh cần phải học để có thể hiểu về Ngữ âm và Âm vị học:

The International Phonetic Alphabet, sách “English Phonetics and Phonology 4th Ed, Peter Roach

Vậy nên, mọi người tưởng chừng là dễ vậy thôi, nhưng để làm được thì người ta cũng cần dựa trên những lượng kiến thức khổng lồ. Nếu bố mẹ không chắc chắn rất dễ chệch choạc và bị sai. Nên mình vẫn nhắc lại rất nhiều lần: việc dạy hãy để thầy cô có chuyên môn, việc của bố mẹ là đồng hành cùng con. Thầy cô giao gì về nhà, con học gì trên trường, bố mẹ hãy giúp con ôn tập ở nhà.

Nhiều bố mẹ bảo mình làm 1 video về dạy ngữ âm cho con đi, mình không thể làm 1 video để gói gọn được cả một học kì và một quyển giáo trình dày gần 300 trang. Nếu có làm, nó cũng chỉ là lớt phớt, mà như thế ngứa mắt lắm, thà không làm còn hơn. Mặc dù bây giờ, tất cả nội dung về tiếng Anh đang là chủ đề có chỉ số tương tác cao nhất.

4. Với các bé, bố mẹ hãy cố gắng để con tự tin, yêu thích một ngôn ngữ mới, cố gắng khơi gợi phản xạ nói của con, thay vì cố gắng lao theo phonics. Vì mục đích cuối cùng của ngôn ngữ vẫn là khả năng sử dụng được nó.

Không phải ngẫu nhiên mà đánh vần tiếng Việt được đưa vào chương trình tiểu học chứ không phải mầm non, và đánh vần cũng chỉ 1,2 năm đầu. Còn ở mầm non, các cô sẽ dạy con đọc thơ, hát, kể chuyện và thúc đẩy sự tự tin của con trong diễn đạt ngôn ngữ. Tiếng Anh cũng sẽ như vậy.

5. Với Sóc, mình vẫn bắt đầu phonics với con từ rất sớm. Nhưng đó là giai đoạn để phá băng, mình tận dụng ngay từ giai đoạn con bắt đầu bập bẹ các âm để tập âm với con. Mục tiêu để con bóc các âm trong từ ra và nói không bị nuốt âm. Sau đó mình chỉ tập trung vào luyện tập các âm, từ, cụm từ thành câu và ghép nối thành câu chuyện.

Từ đó đến nay, mình không hề dạy thêm cho Sóc gì về đánh vần tiếng Anh, mà hoàn toàn tập trung vào kĩ năng và phản xạ của con. Cố gắng để con có thể kể chuyện được bằng tiếng Anh và diễn đạt mong muốn của mình một cách tự tin.

Mặc dù đúng về lộ trình nếu tiếp tục từ bé đến giờ, chắc chắn chỉ nửa năm nữa thôi Sóc sẽ đọc được sách theo đúng nghĩa chứ không phải là nhớ và lật trang như video đọc sách hôm qua. Mình đã thử cho Sóc ghép âm, và Sóc đã ghép được toàn bộ bảng chữ cái với nguyên âm theo dạng kết cấu (phụ âm-nguyên âm: ba, ma, sa, ta, ..) ngay từ khi 2 tuổi. Nhưng nó chẳng để làm gì cả. Khi quá tập trung vào đánh vần trong giai đoạn con học nói, con sẽ không được tự nhiên, mà cứ nhìn chữ con sẽ có phản xạ đánh vần từ.

Nên ngữ âm mặc dù nếu biết thì rất tốt, nhưng mình cũng sẽ dừng ở mục tiêu bóc tách âm và nói đúng âm thôi, chưa đi tiếp. Nó không thực sự quan trọng tới mức thần thánh hóa và phải chạy theo nó khi con học tiếng Anh, đặc biệt với bố mẹ trái chuyên ngành.

6. Vẫn sẽ có những cách để tận dụng ngữ âm và chơi các trò chơi thú vị, những trò chơi nhanh gọn như vậy mình cũng đã làm clip chơi mẫu với Sóc trong video: “Cách giúp con phát âm đúng hơn” trên Youtube rồi. Kết quả của Sóc là sự kiên trì chứ cũng không có gì đặc biệt cả. Vậy nên, cứ nhẹ nhõm mà đồng hành cùng với con thôi, không cần cuống vì ngữ âm và tốc độ nói của Sóc đâu ạ.

Hết rồi, nhìn chung là mình cũng không hiểu mấy bên cứ truyền thông phương pháp phonics rồi này kia, nhưng họ làm được tới đâu, và sự đồng hành của họ với bố mẹ được tới đâu. Nhưng mình thấy bố mẹ bị mệt và hoang mang, lại còn tốn tiền. Con học nguyên âm ngắn, nguyên âm dài rồi làm gì tiếp? Con học cụm phụ âm rồi làm gì tiếp? Bố mẹ cũng không biết mà.

Vậy nên, nếu trường hoặc trung tâm theo ngữ âm, thì hãy cứ để con theo với các thầy cô, mẹ ở nhà lấy đúng tài liệu ở trường gửi về và ôn tập lại với con ở nhà. Chúng ta không cần làm thay vị trí người thầy cho con đâu. Con không bao giờ bị giới hạn bởi hiểu biết của mẹ. Không cần sốt sắng chạy theo các phương pháp “hot” bây giờ làm gì.

Giáo dục sớm không phải là dạy con đọc, viết. Giáo dục sớm là quá trình hình thành tâm lý giữa con và người chăm sóc thông qua tương tác với môi trường xung quanh. Tiếng Anh cũng quan trọng nhất là môi trường tiếp xúc và tương tác đều đặn.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *