Đây là câu chuyện chia sẻ của cá nhân mình. Mình không coi đây là lời khuyên hay tư vấn đối với mọi người. Điều đầu tiên và mình cho rằng cực kì quan trọng đó là cho dù làm gì đi chăng nữa, hãy làm kiên trì và bền bỉ. Định hướng của mình là trong những năm đầu đời, con có thể nghe hiểu và sử dụng tốt tiếng Anh, làm tiền đề tiếp cận cho các ngôn ngữ khác, có thể hướng tới những kỳ thi chuẩn của Cambridge chẳng hạn.
Hiện tại, Sóc có thể nghe hiểu được cơ bản những câu như:
Where is your photo? Where is your tummy? Where is your nose/mouth?
Mama’s tired. Can you give me a kiss?
Mama’s thirsty. I would like some orange juice.
Sit down please. Stand up please.
Give me the spoon/ the bowl/ the tray/ the bottle/ the book/ the toy….
GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ
Nếu nói là bắt đầu từ bao giờ, thì mình bắt đầu từ khi Sóc còn trong bụng. Lúc đó, Sóc được làm quen với tiếng Anh, tiếng Pháp. Sóc nghe mẹ nói tiếng Anh lúc đi làm, và nghe tiếng Pháp khi mẹ đi ôn thi chứng chỉ.
Ngoài ra, mình sẽ nghe nhạc tiếng Anh cùng Sóc thường xuyên, và cũng không ép buộc bản thân nghe nhạc của Mozart hay Beethoven. Giai đoạn này mình cũng chuẩn bị rất kĩ từ tìm loại sách, phương tiện nghe, và tỉ thứ xoay quanh Sóc nhỏ.
GIAI ĐOẠN SAU KHI CHÀO ĐỜI
Những năm đầu đời của trẻ là giai đoạn vàng để tận dụng những tế bào thần kinh gương để giúp trẻ học bất cứ thứ gì. Và đây cũng là giai đoạn mình xác định sẽ cung cấp cho con môi trường để tiếp cận và thẩm thấu ngôn ngữ. Trẻ ở giai đoạn này KHÔNG HỌC, mà trẻ thẩm thấu ngôn ngữ thông qua trải nghiệm và tiếp cận với môi trường xung quanh, đây còn được gọi là thụ đắc ngôn ngữ. Vậy nên cho dù mẹ có giỏi tiếng Anh được hay không, mẹ vẫn có thể tạo được môi trường cho con.
Do vậy, giai đoạn này, ngoài việc nói tiếng Anh với con, thì mình có áp dụng những điều sau:
- Để cho con nghe tiếng Anh thụ động: Mình có mua loa Loci cho bé nghe hàng ngày. Cho dù con ốm hay con khỏe, con hợp tác hay không thì mình vẫn cho nghe.
- Đọc: Mua sách truyện tiếng Anh ít chữ, hình rõ nét, sách tương tác để khuyến khích bé đọc sách và lắng nghe mẹ đọc sách. Với những ba mẹ không giỏi tiếng Anh, cách tốt nhất là mua sách có audio hoặc CD
- Nói: khuyến khích bé nói các từ đơn, gọi tên các đồ vật thân thuộc nhất bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, bé có thể tiếp nhận thông qua phương pháp Phản xạ toàn thân bằng cách vừa chơi và vừa học. Con sẽ làm các động tác, nhảy, dậm chân, vỗ tay… và làm theo các chỉ dẫn của mẹ.
Với các bạn nhỏ này, việc hát là cực kỳ cần thiết. Mình luôn chế những lời bài hát và gọi tên con trong đó từ những giai điệu quen thuộc.
Ví dụ như: Nhạc Mary has a little lamb, Lời: This is the way Soc brushes her teeth, brushes her teeth, brushes her teeth … Hoặc “Come along and follow me, follow me, follow me. Come along and follow me, We’ll have fun together.”
Có những đoạn Sóc sẽ chẳng buồn nghe đọc sách, Sóc sẽ ném quyển sách đi và chạy quanh nhà. Nhưng mẹ vẫn kiên trì đọc, đọc đúng khoảng thời gian và cho dù Sóc không nghe, mẹ vẫn sẽ đọc. Tới một lúc Sóc sẽ ngồi xuống và cầm quyển sách đưa cho mẹ thôi.
ĐỊNH HƯỚNG TƯ DUY CHO CON BẰNG TIẾNG ANH
Một câu chuyện không bao giờ dừng lại ở một câu chuyện. Đây là lý do tại sao dù Sóc có đọc đi đọc lại một quyển sách thì mỗi lần đọc lại là một hứng thú mới. Đối với các bạn lớn hơn, việc khai thác câu chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều các bạn nhỏ.
Ví dụ: như câu chuyện Pig’s Egg kể về một chú lợn nhỏ luôn băn khoăn tại sao mình không thể bay như cô gà, cô ngỗng và cô vịt. Chú cũng luôn muốn có một quả trứng nở ra lợn con của riêng mình. Nhưng làm sao mà trứng nở ra lợn con được. Một ngày chú nhặt được một kén sâu và nghĩ rằng mình đẻ trứng được rồi. Chú cũng ấp trứng như cô gà, cô ngỗng và cô vịt khác. Đến một ngày trứng bỗng nở ra một chú bướm xinh đẹp và bay lên. Và chú mừng rỡ tin rằng mình đã ấp ra được lợn con, và chú lợn con có thể bay được rồi.
Với một câu chuyện như này, mình sẽ có thể cùng Sóc phân loại lợn và những loài gia cầm khác, cùng con liệt kê những con vật cùng loại. Hoặc là quả trứng nở ra bướm của lợn con thực ra là sâu bướm, và cùng con học về vòng đời của sâu bướm. Hoặc là những con nào có thể đẻ trứng, và cùng nhau tạo những quả trứng nở ra các con vật đáng yêu. Hoặc là học về môi trường sống của các loài động vật.
Không chỉ là tiếng Anh, khi kích thích con suy nghĩ về các vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau, đồng thời có thể kích thích được trí tò mò và nhu cầu tìm hiểu khai thác của con, là động lực để con học sau này.
Và như một thói quen, nếu con đã được cùng mẹ học sâu. Mai kia khi con lớn, chắc chắn con cũng sẽ có một nếp tư duy sâu và làm tiền đề cho việc tự học sau này.
ĐƯA CÂU HỎI PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG CỦA TRẺ
Khi tiếp cận một vấn đề bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, minh luôn có thói quen hỏi những vấn đề xoay quanh nó.
Ví dụ như con đang cầm cái cốc. Mẹ sẽ hỏi cái cốc có màu gì? Cái cốc có hình gì? Cái cốc dùng để làm gì? Cái cốc nhỏ hay to? Cái cốc nặng hay nhẹ? Cái cốc làm bằng nhựa hay thủy tinh? Con có thích cái cốc này không? Tại sao con lại thích?
Mỗi câu hỏi sẽ dựa vào mức độ nhận biết của con để đưa ra lượng câu hỏi phù hợp. Như vậy, lượng input càng nhiều, sẽ càng là nền tảng ngôn ngữ giúp con phát triển tốt hơn.
LỰA CHỌN HỌC GHÉP VẦN THAY VÌ HỌC CHỤP HÌNH
Đây là một khía cạnh cực kỳ phổ biến của pp Glenn Doman. Tuy nhiên, mình không thích phương pháp này, như cách sử dụng thẻ từ để con chụp lại, sao lại trong não bộ mặt chữ và ghi nhớ. Mình muốn hướng Sóc học ghép vần. Con sẽ học nguyên âm và ghép dần với phụ âm.
Việc này bắt đầu từ khoảng 9-10 tháng, khi con bắt đầu bập bẹ. Thì mình sẽ hướng tới việc đưa ra âm A, và ghép thanh mama, papa, tata, dada, sa sa….
Khi con lớn hơn, thì con sẽ học mặt chữ cái trước và ghép các chữ với nhau theo hướng học Phonics (ngữ âm).
TO CUT THE LONG STORY SHORT: Giai đoạn đầu tiên này, mình nghĩ việc cung cấp môi trường thường xuyên liên tục và một thói quen tư duy tốt đối với mọi thứ sẽ khiến con thành công ở bất cứ lĩnh vực nào, không chỉ riêng tiếng Anh. Quan trọng là chúng ta sẽ không làm hời hợt, và luôn kiên trì đồng hanh cùng con. Mình vẫn tin rằng, nuôi con là chặng đường dài, và bạn đồng hành với con không ai tốt hơn ngoài bố mẹ. Ẩn bớt