Th6 21, 2023

Giúp con uống thuốc và theo dõi tiến trình bệnh

1. DẠY CON NHỚ TÁC DỤNG TỪNG LOẠI THUỐC

Điều đầu tiên này mẹ có thể áp dụng khi con trên 3 tuổi như Sóc. Ở giai đoạn này con bắt đầu hiểu về những biểu hiện trong cơ thể mình khi ốm. Ví dụ như: có đờm, ho, đau tai, đau bụng, có vi khuẩn, sưng đau, chảy máu,… Trong mỗi đợt ốm, mẹ hãy cùng con gọi tên các dấu hiệu trong cơ thể. Khi đi khám, mẹ cũng hãy thông báo trước cho con về mục đích của những xét nghiệm và chẩn đoán của bác sĩ, để con có thể hiểu về quy trình khám ốm hơn.

Với thuốc, mẹ hãy giới thiệu cho con trong mỗi lần uống thuốc: Thuốc này có tác dụng gì? Thuốc kia có tác dụng gì? Cùng con chơi trò ghi nhớ và gọi tên một lượt các loại thuốc, để con hiểu rằng thuốc sẽ có tác dụng với tình trạng bệnh của con. Từ đó con cũng sẽ coi đấy là một nhiệm vụ và dễ tiếp nhận việc uống thuốc hơn.

2. HÃY ĐỂ CON PHA THUỐC

Có rất nhiều thuốc như Augmentin, Klacid, Acemuc dạng bột sẽ cần pha với nước, mẹ hãy chuẩn vị sẵn lượng nước và thuốc, để con pha thuốc cho mình. Quá trình đó con sẽ thấy quen dần với mùi của thuốc hơn. Và khi đã quen dần, ít nhất sự bất ngờ về mùi và vị cũng đã giảm đi.

3. HÃY UỐNG NHỮNG LOẠI THUỐC DỄ UỐNG TRƯỚC

Thông thường, mỗi lần uống thuốc, con sẽ cần uống 3-4 loại. Mẹ hãy thử tự nếm vị của từng loại để xem rằng loại gì dễ uống, để con uống trước. Tránh việc khi con đã uống kháng sinh rồi, và con sợ, con sẽ tránh né việc uống thuốc.

4. HÃY ĐỂ CON CẦM MỘT BẠN GẤU BÔNG YÊU THÍCH

Bất kể đi khám, đi chơi, hay làm gì có những thử thách khó khăn cho Sóc, mình đều để con cầm một bạn thú bông. Có thể đó là một bạn thỏ nhẹ nhàng và tình cảm, hoặc là một bạn thú bông tượng trưng cho sự dũng mãnh và khoẻ mạnh (như hổ, sư tử, khủng long). Lúc này con sẽ thấy như được đồng hành và trao sức mạnh.

Khi uống thuốc, hãy nhắc nhở con về việc con sẽ nắm chặt tay bạn gấu bông để cảm thấy ổn hơn.

5. HÃY HỎI VỀ SỰ SẴN SÀNG CỦA CON

Bản thân mình cũng là một người không thích uống thuốc, sợ bệnh viện và sợ kim tiêm. Nên mình cũng rất sợ việc ép con khi đối diện với những điều này. Dù rằng việc uống thuốc là bắt buộc và con cần phải làm để khỏi ốm. Nhưng nếu quá trình đó khiến con bị ám ảnh, con sẽ sợ rất lâu sau này.

Mẹ hãy luôn hỏi con về việc con cảm thấy thế nào sau khi uống một loại thuốc. Liệu rằng thuốc có đắng không? Thuốc có vị cam hay vị dâu? Con có buồn nôn hay khó chịu sau khi uống không? Con cảm thấy ổn không? Con có cầm mẹ giúp đỡ gì không?

Khi con chưa sẵn sàng, đừng cố gắng ép con. Mẹ có thể gia hạn thời gian chờ bằng cách: Chúng mình nghỉ 30 giây (bấm giờ) để con sẵn sàng rồi tiếp tục uống thuốc nhé. Hoặc là: Chúng mình sẽ ôm nhau khoảng 15 giây để con sẵn sàng hơn rồi mình uống nhé.

Hãy tôn trọng cảm xúc của con.

6. HÃY CỔ VŨ CON

Với mình thì việc con hoàn thành uống thuốc đắng ngắt là biểu hiện của sự dũng cảm. Nên mình sẽ luôn khen ngợi con rằng: “Sóc đã thật dũng cảm khi uống hết thuốc đắng đấy. Nếu là mẹ, mẹ cũng sẽ thấy khó khăn.”

Như vậy, con sẽ biết rằng con vừa vượt qua một thử thách của bản thân và con sẽ tự hào, tự tin về điều đó.

7. LUÔN THÔNG BÁO THẬT VỀ VỊ CỦA CÁC LOẠI THUỐC

Đừng bao giờ nói giảm nói tránh, thậm chí là nói dối, về cảm giác hoặc vị của các loại thuốc. Ví dụ: Thuốc này hơi đắng thôi con ạ. “Hơi” ở đây nghĩa là sao? “Hơi” đối với mẹ có thể là “quá đắng” đối với con mà. Khi con cảm thấy rằng thuốc này rất đắng, con sẽ có cảm giác bị lừa. Và từ đó, sự trấn an của mẹ sẽ không có hiệu quả với con nữa.

8. NHẤN MẠNH RẰNG: ĐÂY LÀ THỬ THÁCH VÀ CON SẼ VƯỢT QUA ĐƯỢC

Chúng ta sẽ thường chênh vênh giữa “vấn đề” và “thử thách”. Đôi khi, theo bản năng, khi có trở ngại, chúng ta sẽ mặc định đó là một vấn đề khó giải quyết. Nhưng thực ra, nó có thể là thử thách – nơi mà khả năng giải quyết sẽ nhiều hơn.

Thật khó để dạy con trẻ về điều trừu tượng này khi con còn quá bé. Nhưng thực tế, chúng ta có thể dần dần ghim vào trong con ý nghĩa của thử thách thông qua các tình huống. Như vậy, con sẽ thấy những thứ chỉ cần con cố gắng, con sẽ vượt qua được. Khi con đã vượt qua được một thử thách rồi, con sẽ bắt đầu có lòng tin với những thứ mẹ gọi là “thử thách” cho mình. Con sẽ làm được và quan trọng là con sẽ thử làm điều đó.

Khi uống thuốc, chỉ cần con vượt qua nỗi sợ tâm lý và cảm giác khó chịu về vị giác, con sẽ vượt qua được thử thách. Hãy chia sẻ với con về những yếu tố này.

THEO DÕI TIẾN TRÌNH BỆNH

Những dấu hiệu mẹ cần theo dõi con trong quá trình ốm bao gồm:

  • Nhiệt độ đo từ lúc bắt đầu ốm đến khi con khỏi
  • Con có bỏ ăn không? Con có uống nhiều nước không?
  • Con sốt từ bao giờ, trước khi đấy con có dấu hiệu gì?
  • Con sốt cao nhất là bao nhiêu độ, và thời gian gần nhất mà con sốt là bao nhiêu?
  • Con có sốt theo cữ hay không, mấy tiếng thì con sốt lại một lần?
  • Những loại phương án hạ sốt nào mà mẹ đã cho con dùng?
  • Những biểu hiện ra bên ngoài của con là gì? (mũi dãi, quấy khóc,…)
  • Output của con thế nào? Con có bị nổi mẩn phát ban không?
  • Con có thở nhanh/khó thở không?
  • Đêm ngủ có trằn trọc không?

Các dấu hiệu mẹ cần theo dõi sát sao và ghi lại vào trong ghi chú, đặc biệt khi đợt ốm đó ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của con.

Ghi lại nhiệt độ

Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu trữ những đợt khám theo bảng để theo dõi lịch sử khám và đưa cho bác sĩ xem lúc cần.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *