Th9 20, 2021

GIỮ EM BÉ BẬN RỘN

Các mẹ hay thấy Sóc nhà em bận quá nhiều. Và bảo em là siêu nhân khi có thể giữ Sóc bận rộn suốt với nhiều trò chơi. Nhưng thật ra em chỉ là đọc nhiều hơn, mò nhiều sẽ quen. Nếu mẹ nào biết tiếng Anh, có thể search google bằng tiếng Anh, tìm được rất nhiều ideas hay ho đó ạ. Các hoạt động sẽ ưu tiên: tiết kiệm – tận dụng – tái chế. Một món đồ có thể sử dụng được nhiều trò khác nhau là tốt nhất.

Trước hết, khi mẹ có mong muốn tạo nhiều trò chơi cho con, thì mẹ cần hiểu rõ NHẬN THỨC của con qua từng giai đoạn, và sau đó đến KĨ NĂNG của bản thân con. Các mốc mà Sóc chơi chỉ là để tham khảo, có bé sẽ nhanh hơn, cũng có bé hoàn thiện kĩ năng muộn hơn một chút.
Và KHÔNG PHẢI TẤT CẢ các trò chơi ĐỀU PHÙ HỢP với tất cả các bé.

Kỳ thực, các con nhìn nhận mọi thứ không quá phức tạp, và các con cũng không có nhu cầu cao siêu gì ở những mốc dưới 1 tuổi. Quanh đi quẩn lại vẫn là: màu sắc, hình khối góc cạnh, cách vận hành, sự liên kết giữa các hành động nguyên nhân – kết quả. Tất cả đều xoay quanh các giác quan của con. Và em vẫn nói rất thường xuyên: CÁC GIÁC QUAN NÊN ĐƯỢC KÍCH THÍCH ĐỒNG THỜI VÀ CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT.

Vì vậy, bất kỳ cái gì trong nhà đều có thể trở thành đồ chơi của bé. Tất nhiên là mẹ sẽ cố gắng để đảm bảo tránh khỏi những đồ gây nguy hiểm cho bé. Và cố gắng gợi mở nhiều thông tin nhất có thể:
🔺 Đồ này màu gì? Có tên gọi là gì?
🔺 Nặng hay nhẹ? (Có 2 đồ thì cái nào nặng nhẹ hơn)
🔺 Sờ có cảm giác gì? (Thô, ráp, mịn, mềm, mượt, sần,..)
🔺 Di chuyển có âm thanh gì, gõ vào có âm thanh gì? (To, nhỏ, …)
🔺 Có hình gì? (Vuông, tròn, tam giác…)
🔺 Các góc cạnh thế nào?
🔺 Nhiệt độ nóng hay lạnh?
🔺 Tại sao nó lại lăn, bay, đứng được?
🔺 Nó giống với cái gì?
🔺 Con có thể dùng nó làm gì? (Thìa để xúc, múc…)
🔺 Khi con …. thì ….. (nguyên nhân – kết quả)

Về kĩ năng, vận động thô sẽ quyết định nhóm trò chơi: nằm ngửa, lẫy, ngồi, trườn, bò, đi men, đi. Vận động tinh bao gồm những kĩ năng theo thứ tự: di chuyển bàn tay tự do – nắm mở bàn tay – với đồ – nắm đồ bằng 2 tay – nắm đồ bằng 1 tay – nắm đồ bằng đầu ngón tay + dùng ngón tay ấn vào vật – nhón bằng ngón trỏ và cái – các kĩ năng đóng nắp, xoay vặn, cầm bút màu vẽ. Và MỌI HOẠT ĐỘNG ĐỀU DỰA TRÊN KĨ NĂNG CỦA BẢN THÂN CON.

Ví dụ như:
🔻 Con mới nắm đồ bằng cả bàn tay thì mẹ sẽ đưa các hoạt động thuộc nhóm “giải cứu” đồ vật khỏi băng dính ➡️ Để con cảm nhận được sự chắc chắn khi cầm đồ trong lòng bàn tay, khéo léo của đôi tay
🔻 khi con đã cầm chắc đồ trong lòng bàn tay thì mẹ sẽ hướng con đến những hoạt động để truyền đồ qua lại 2 bàn tay và với sự xuất hiện của 1 món đồ thứ 3 khi 2 tay đều đã cầm đồ
🔻 khi muốn luyện khả năng bốc nhón thì đồ chơi phải đủ nhỏ để yêu cầu bé phải tìm cách để dùng 2 ngón tay trỏ và cái.
🔻 Khi con đã bốc nhón được rồi, thì mẹ sẽ hướng đến nhóm hoạt động để đạt được mục tiêu nào đó. (Bỏ ống vào lỗ, ném đồ vào giỏ ở xa)

Tất nhiên, thứ tự em nêu trên chỉ mang tính tương đối, nhưng sẽ là những mốc để mẹ tham khảo và thiết kế đồ chơi cho con. Ví dụ như khi con chưa thể bốc nhón, thì sẽ khó cho con để chơi những trò như bỏ ống vào lỗ nhỏ, hoặc bốc hạt đậu.

MỘT SỐ ĐỒ TẬN DỤNG TRONG NHÀ LÀM TRÒ CHƠI

✔️ Rổ và các sợi dây đan luồn vào rổ sẽ luyện nhón ngón tay cực tốt.
✔️ Vỏ hộp nhựa/ lọ nhựa/ chai nhựa để làm lọ giác quan (bỏ các chất liệu khác nhau vào lọ)
✔️ Nồi niêu xoong chảo để nghe âm thanh
✔️ Các loại vật dụng theo từng phòng: bếp, phòng tắm
✔️ Giấy cuộn xé tung để làm bông tuyết
✔️ Vò giấy thành quả bóng nhỏ để ném vào rổ
✔️ Các chất liệu quần áo mũ khác nhau
✔️ Nặn bột
✔️ Tìm đồ trong hũ đậu
✔️ Chơi với gạo
✔️ Đổ đậu từ khay này sang khay kia
✔️ Múc gạo từ bát nọ sang bát kia
✔️ Đồ nhựa nổi trên nước, thìa inox chìm dưới nước
✔️ Điều khiển các thiết bị quạt, robot hút bụi
✔️ Giấy ăn lau bàn
✔️ Thả em bé vào giữa đống chăn, vải, đồ chơi…. trong 1 cái chậu to đùng
✔️ Dựng lều bằng chăn và ghế
✔️ Bò qua các hộp carton to
✔️ Cắt hoa quả bỏ vào nước để thử vị giác

Nên là các mẹ không cần phải lăn tăn quá đâu nè ♥️ Mọi thứ đều có thể khiến em bé bận được. Miễn là mẹ biết cách thu hút sự chú ý và gợi mở cho con thôi.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *