Dọn dẹp đồ chơi là trách nhiệm, không phải kỷ luật.
[Tối qua]
Quá trình từ việc Sóc từ chối dọn đồ chơi tới khi hoàn thành việc dọn dẹp, tóm gọn lại bằng đoạn hội thoại và thực tế là kéo dài hơn 20 phút.
• Con dọn đồ chơi nào.
• Con không dọn.
• Mẹ sẽ đợi đến khi con dọn, bởi vì con là người bỏ đồ chơi ra, con cần có trách nhiệm. (20p trôi qua và con vẫn không dọn – Lúc này mẹ đang ngồi làm việc trên điện thoại và đợi con.)
• Bây giờ con muốn làm gì?
• Con muốn mẹ dọn.
• Ban đầu ai muốn chơi?
• Sóc muốn chơi.
• Ừ Sóc muốn chơi. Sau đó ai bỏ đồ chơi ra?
• Mẹ bỏ đồ chơi ra (bắt đầu cố tình nói sai).
• Con nói lại nào, con đang nói không đúng sự thật.
• Sóc bỏ đồ chơi ra.
• Ừ Sóc bỏ đồ chơi ra. Vậy bây giờ mình sẽ cần làm gì?
• Cần dọn đồ chơi.
• Vậy ai sẽ có trách nhiệm dọn đồ chơi?
• Mẹ dọn đồ chơi.
• Không. Đây là đồ chơi của con, không phải của mẹ. Ai sẽ dọn đồ chơi hả con?
• À Sóc sẽ dọn đồ chơi.
• Vậy con làm gì tiếp để dọn đồ chơi?
• Con nhặt đồ chơi vào.
• Ừ đúng rồi, con là người bỏ đồ chơi ra, con sẽ cần có trách nhiệm cất đi. Bây giờ mình sẽ cất dọn như nào?
• Mình sẽ bỏ đồ vào hộp.
• Đúng rồi. Chỉ cần bỏ đồ vào hộp là được mà, con thấy đơn giản không?
• Có đơn giản.
• Sóc là em bé có trách nhiệm nhỉ. Xong mình đi tắm nhé. Không có sự tức giận nào diễn ra đúng không nào?
Rồi sau đó em bé líu lo ôm hôn mẹ, đi tắm và đi ngủ. Không có một trận lăn lê ăn vạ nào cả. Dọn dẹp đồ chơi được gắn liền với trách nhiệm của con với đồ đạc. Không có một câu nào mình ép buộc con rằng: con phải dọn đồ. Kết quả đầu ra có thể như nhau (dù thế nào con cũng sẽ dọn), nhưng trong quá trình này, con ngấm được sự trách nhiệm. Bởi vì một trong những giá trị mình muốn dạy con là trách nhiệm. Lớn lên là quá trình hình thành giá trị bên trong con người con, không phải chỉ những bài học về sự kỷ luật.
Sau đó, trước giờ đi ngủ, con đã nói rằng con là em bé có trách nhiệm. Rồi khi mẹ hỏi con có trách nhiệm khi nào, con đã trả lời 3 thứ: con có trách nhiệm cất dọn đồ chơi, con có trách nhiệm mang em thỏ đi chơi và nhớ mang em thỏ về, con có trách nhiệm đánh răng sạch sẽ.
Cả quá trình, mình cũng không nói gì đặc biệt, nhưng quan trọng đó là sự bình tĩnh, mặt thả lỏng, giọng không căng. Khi con thấy năng lượng của mẹ bình ổn, con cũng sẽ bình ổn.
Chúng ta có thể copy y nguyên tất cả các câu nói học được trên mạng. Nhưng chúng ta không thể copy được những tín hiệu phi ngôn ngữ khi chúng ta không thực sự thả lỏng. Chỉ cần mắt mẹ tròn hơn, mày hơi nhíu, tông giọng gằn xuống, năng lượng chùng xuống, con sẽ đều cảm nhận được hết. Ngôn ngữ không bao giờ che giấu được những điều đó. Tín hiệu phi ngôn ngữ luôn thành thật và đáng tin hơn.
Thay vì học cách thay đổi lời nói, hãy học cách thay đổi quan điểm và tư duy.
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)