Th6 21, 2023

CƠ HỘI ĐỂ CON HIỂU VỀ SỰ TRÂN TRỌNG

Hôm qua Sóc gặp một chuyện hết sức to lớn, đó là Sóc làm rơi em chó cứu hộ đồ chơi khi đi xe máy trên đường. Đó là một bạn đồ chơi rất thân thiết, gần như có mặt trong mỗi kỉ niệm của Sóc như đi học, đi chơi, thậm chí là mỗi khi đi ngủ. Em chó cứu hộ bé xíu, có thể bỏ vào bất cứ đâu, Sóc cũng muốn che chở và bảo vệ em lắm. Khi đang ngủ gật và em rơi xuống, Sóc đã giật mình và òa khóc lên vì nhận ra em đã rơi khỏi tay rồi. Cảm xúc không chỉ là vì mình đã làm rơi, mà nó là sự tạm biệt một người bạn rất thân.

Sóc bảo mẹ là mẹ ơi em chó rơi rồi, con muốn nhặt em chó. Nhưng lúc đó giữa đường, xe cộ đi lại đông, trời cũng đã tối. Mình không muốn vì một món đồ chơi (dù Sóc rất yêu quý), mà bà hay bản thân phải đối diện với những rủi ro trên đường. Vì rõ ràng tập trung tìm một món đồ chơi bé xíu, mình sẽ không thể để ý xe cộ đi lại. Sự an toàn sẽ được đặt lên trên hàng đầu, và mình cũng muốn để con trải nghiệm cảm giác trân trọng một thứ. Đúng, giá trị mà mình muốn Sóc học được trong trải nghiệm này là sự trân trọng. Con cũng sẽ cần biết đứng giữa 2 sự lựa chọn, mẹ sẽ lựa chọn bảo vệ sự an toàn của gia đình. Vậy là con đã trải qua một khoảng thời gian không mấy vui vẻ tối qua.

Tôn trọng và công nhận cảm xúc của con

Đầu tiên, Sóc khóc rất dữ dội. Mình cũng đã rất cố gắng nói với con rằng: “Mẹ hiểu con đang rất buồn, bạn chó là bạn của con. Đây là điều mẹ cũng không muốn”. Sóc cũng vẫn chưa dừng khóc khi mẹ nói vậy. Sóc vẫn bảo là: “Bạn chó ở đằng kia. Con muốn xuống lấy bạn chó.” Cũng vẫn một hồi lâu, và con vẫn chưa có dấu hiệu muốn lắng nghe điều gì. Mình vẫn sẽ lặp lại về việc mẹ rất hiểu điều đó, và đề nghị rằng mẹ sẽ ôm con để giúp con vượt qua cảm xúc buồn bã. Sóc đồng ý dần và con dần nín.

Nói về những gì đã diễn ra

Sau đó mình nói về những gì đã diễn ra: “Con mang bạn chó đi chơi, sau đó con cầm bạn trên tay. Con ngủ gật và bạn chó bị rơi. Mẹ biết là con không cố ý, điều này là hoàn toàn bình thường. Mẹ hiểu và mẹ không trách con. Lần sau con có thể nhờ sự giúp đỡ từ mẹ để giữ bạn chó hộ con”. Sau mỗi một câu, mình đều dừng lại, và xác nhận với con về điều đó. Mẹ đừng giải thích dài, vì khi con đang trong một nhóm cảm xúc dâng trào, việc con lắng nghe một lượng thông tin dài là rất khó. Khi con công nhận nhiều, con sẽ dần đồng ý với mẹ. Nhưng sau đó Sóc vẫn khóc. Bởi vì mình cũng nói rõ với Sóc về việc dù con yêu bạn đến thế nào, đôi khi con cũng sẽ vô tình phải tạm biệt bạn.

Giải thích góc nhìn của mẹ

Sau khi âm lượng của con đã nhỏ lại, con bình ổn dần hơn. Mình bắt đầu nói về vấn đề an toàn: Đường rất đông, và trời quá tối; nếu bây giờ dừng sẽ có nguy cơ các xe khác không nhìn thấy nhà mình và mình sẽ bị đâm. Mình sẽ cần giữ an toàn để về nhà. Sóc đã bắt đầu nhẹ nhàng hơn. Nhưng được 2 phút thì con lại òa khóc mãi. Con bảo: “Bạn chó đằng kia mà. Con muốn xuống lấy.” Vậy là mẹ lại đợi con bình tĩnh hơn, ôm con, vỗ nhẹ lưng tới tận khi về đến nhà.

Trò chuyện về tình cảm của con

Về tới nhà, Sóc vẫn nhắc về bạn chó. Và 2 mẹ con đã bắt đầu cuộc nói chuyện về tình cảm của con. Bởi vì bây giờ sự tập trung của con nằm ở tình cảm với bạn chó. Mình cùng con kể về những kỉ niệm của Sóc và bạn chó cứu hộ. Sóc bảo bạn chó đi học cùng con, đi chơi cùng con. Con còn ăn giống bạn nữa. Rồi cuối cùng, con bảo là: “Con thương bạn chó lắm, bạn chó tối nay không ngủ cạnh con, bạn chó ở một mình.” Đến đây mình đã rưng rưng nước mắt, bởi vì thấy con mới trải qua một khoảnh khắc buồn và cũng rất đẹp. Nhưng đồng thời, Sóc cũng nói rằng: “Mình sẽ không dừng ở giữa đường đâu, nó không an toàn.” Vậy là con đã hiểu hết những gì mẹ nói. Mình không mong gì hơn ngoài điều này.

Tận cuối cùng, mình vẫn nói với con rằng: “Đôi khi chúng ta sẽ cần nói lời tạm biệt dù không muốn như vậy. Đây cũng không phải một lỗi sai của con. Lần sau con sẽ tìm cách để cẩn thận và giữ bạn an toàn hơn là được.” Và Sóc đã bình tĩnh để nói về bạn chó, với một tâm thế sẵn sàng đón nhận sự xa cách này. Nhưng đồng thời, con cũng sẽ để ý về những đồ vật quanh mình hơn. Trước giờ đi ngủ, Sóc bảo mẹ bế ra cửa sổ một lần nữa, con vén rèm lên và con bảo: “Bạn chó ở đằng xa, con tạm biệt bạn”. Lúc đó, mình gần như vỡ òa trong cảm xúc: Sao mà có những cảm xúc đẹp như thế? Các em bé sao lại đẹp như vậy? Là người lớn, mình đã rất lâu rồi không còn thấy tiếc nuối một món đồ nhỏ gì tới nỗi òa khóc lên. Nhưng Sóc đã khiến mình sống lại cảm xúc đó, chính mình cũng thấy quyến luyến và tiếc nuối em chó như con vậy.

Có nhiều người nói rằng mua nhiều đồ chơi cho con khiến con không biết trân trọng. Chẳng phải vậy, trân trọng nằm ở trong mỗi lời nói và cảm xúc. Nó là một giá trị vô hình, không thể quy về vật chất như vậy. Mua nhiều đồ chơi cũng không cản lại sự sáng tạo của con. Đồ chơi ít hay nhiều không có lỗi lầm gì cả, trân trọng hay sáng tạo đều do cách thức chúng ta đưa đến với con.

Con yêu đồ chơi cái ít cái nhiều là chuyện bình thường, nhưng con sẽ biết trân trọng những giá trị, những kỷ niệm và cách mà đồ chơi đó đến với mình. Con sẽ thấy một món đồ chơi do ông già Noel đem đến rất đáng trân trọng và khích lệ con rất nhiều. Cũng như việc người lớn luôn hỏi con rằng: Ai mua đồ chơi này cho con đây? Câu này cũng xuất phát từ việc mong muốn con ghi nhớ về việc con có món đồ chơi đó như nào mà. Nhưng người lớn lại vô tình bỏ qua những giá trị này, mà tập trung nói về bài học, hay thậm chí là ‘hậu quả’ của hành động. Điều này thật tệ. Lâu dần, con sẽ đè nén cảm xúc của chính mình chỉ vì sợ mình sẽ làm ra một hậu quả nào đó. Ngược lại, mình muốn Sóc sẽ được sống trong cảm xúc của chính mình. Con sẽ được thật sự chạm vào bên trong con và tìm thấy chính mình – điều mà mẹ đã từng đánh mất rất lâu.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *