Như các mẹ đã biết thì gần đây Sóc có bị ốm, và một phần để cải thiện tình trạng của bạn ý chắc chắn là RỬA MŨI THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC VÀ ĐÚNG CÁCH”
Ai đã từng cho bé đi khám ở FMP thì sẽ biết, phí rửa mũi là $15 cho 1 lần rửa (khá chát!), và để tiết kiệm, cùng với việc giúp Sóc có sức khỏe tốt thì mình đã hì hục học rửa mũi từ khi Sóc nhỏ xíu xíu khoảng 1-2 tháng tuổi.
Những nguồn mình đã học đó là từ bác sĩ, các mẹ đi trước, y tá chăm sóc Sóc sau sinh hồi đó, internet, đọc từng hướng dẫn một, xem từng clip, và tự thử rửa mũi cho mình để điều chỉnh lực sao cho dễ chịu nhất.
Và mình đã làm một video chi tiết về cách chăm sóc tai mũi họng
Những loại mình dùng để chăm sóc tai mũi họng cho Sóc sẽ bao gồm:
Gói muối rửa mũi Neilmed Kids (Ở ngoài hộp ghi là 4 years and up là khuyến cáo cho bình rửa mũi của Neilmed dùng cho các bạn từ 4 tuổi trở lên – không phải muối rửa mũi nha các mẹ, muối có thể dùng từ sơ sinh rồi)
Xilanh 5ml
Đệm mũi silicon
Tép nước muối hồng Gifrer
RỬA MŨI ĐỐI VỚI BÉ SƠ SINH
Đối với bé sơ sinh, chưa cứng cổ: Mẹ đặt bé nằm nghiêng, mẹ gấp 1 cái khăn xô để kê đầu bé cao hơn một chút, và hơi nghiêng đầu bé xuống dưới, trải một cái khăn sữa để lót dưới chỗ nước muối chảy ra. Sau đó, 1 tay giữ vai, 1 tay mẹ bơm nước muối vào. Sau đó đổi bên và làm tương tự.
Ở giai đoạn này, em bé vẫn chưa tự xì ra được, mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách dùng tay đẩy hàm dưới của con lên, để con ngậm khoang miệng lại, khi không há miệng thì bé sẽ có lực để xì mũi ra ngoài.
Nếu các mẹ sợ chảy qua tai thì có thể bịt tai ở dưới của con (theo tư thế nằm nghiêng) lại. Nhưng rửa mũi sẽ không gây viêm tai giữa nhé ạ.
RỬA MŨI VỚI BÉ LỚN HƠN (KHOẢNG 5-6M+)
Đối với bé lớn hơn, thì hầu hết các bé không chịu nằm nghiêng nữa, nên mẹ sẽ để bé nằm sấp trên đùi mẹ, hoặc có sự hỗ trợ từ người khác để giữ bé nằm sấp, hoặc để bé ngồi. Bé lớn thì sẽ dễ dàng hơn rồi.
Mẹ cầm một chiếc chậu để dưới đất, hoặc mẹ cầm trên tay để hứng dịch mũi của con chảy ra. Bằng cách này, mẹ sẽ quan sát được dịch mũi sau mỗi lần rửa. Mẹ bơm nước muối vào 2 bên mũi của con. Nước muối sẽ chảy qua khoang miệng và bên mũi còn lại. Sau đó mẹ dùng tiếp 1-2 xi lanh để bơm vào miệng, rửa khoang miệng cho con.
NHỮNG LƯU Ý ĐỂ RỬA MŨI ĐÚNG CÁCH
Liều lượng rửa: Tối đa 10ml/ bên mũi (2 xilanh) trong 1 lần rửa
Rửa quá nhiều trong 1 lần sẽ khiến niêm mạc mũi của con mỏng đi. Nếu mẹ thấy con quá nhiều mũi, đờm nhớt thì hãy tăng số lần rửa trong ngày lên. Sóc đang ốm và họng đỏ do virus nên mình đang rửa 3-4 lần/ngày.
Không nên cố gắng rửa hết đờm nhớt trong 1 lần và rửa liên tục với liều lượng nhiều. Nếu mẹ thấy con nhiều mũi dãi, thì có thể thêm 5ml/1 bên mũi.
Phải dùng đệm silicon để lắp vào đầu xilanh, vì nhựa cứng có thể gây xước niêm mạc mũi. Nếu không dùng xilanh thì mẹ có thể rửa trực tiếp bằng tép nước muối hâm ấm lên. (Tép nước muối có đầu tròn nhỏ)
Sử dụng nước đun sôi để nguội và hâm ấm lên để pha muối rửa.
Vệ sinh đầu silicon và xilanh sau mỗi lần rửa, thay đầu silicon và xilanh thường xuyên.
Cho dù con không ốm cũng rửa mũi thường xuyên, vì đôi khi chỉ đơn giản là dịch mũi tích lại và đẩy xuống họng cũng gây đờm.
Thử tự xịt trước khi xịt cho con.
Theo dõi dịch mũi thường xuyên để tự điều chỉnh tần suất rửa.
Nếu rửa đúng cách, thì các bạn ý sẽ không khó chịu gì đâu ạ. Sóc còn chả thèm khóc lóc gì luôn. Mẹ cứ giơ xilanh ra là hứng mũi ra rồi =))))
Hết về rửa mũi rùiiii
Ngoài ra thì sau khi tắm và trước khi đi ngủ Sóc vẫn được bôi dầu ấm (Winter blue balms – Litte Innocents) để chống cảm. Dầu hữu cơ dùng được từ sơ sinh ạ
–
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)