Th10 17, 2021

BỘ KHUY HÌNH KHỐI: PHÂN LOẠI 2

GIỚI THIỆU CHUNG

Phân loại khuy hình khối là hoạt động hướng tới mục tiêu chính: Nhận thức. Các cấp độ nhận thức của trẻ đó là: Ghi nhớ – hiểu – áp dụng – phân tích – đánh giá – sáng tạo (Benjamin Bloom, 2001). Với các bé dưới 2 tuổi, mục tiêu của nhận thức ở nằm chủ yếu ở 3-4 cấp độ đầu.
– Ở cấp độ ghi nhớ, con có thể gọi tên, sao chép (cách làm, cách gọi, …), liệt kê, ghi nhớ và lặp lại những hành động, sự việc mà con được tiếp xúc.
– Ở cấp độ hiểu, con có thể phân loại, nhận biết, lựa chọn, miêu tả, và giải thích những khái niệm, sự việc mà con được tiếp xúc.
– Ở cấp độ áp dụng, con có thể thực hiện hành động, giải quyết, phác họa, diễn giải… những khái niệm, sự vật, sự việc mà con được tiếp xúc.
– Ở cấp độ phân tích, con có thể phân biệt, liên hệ, so sánh, đối chiếu, thử nghiệm, đặt câu hỏi,…
– Ở cấp độ đánh giá, con có thể tranh luận, đánh giá, cân nhắc, lựa chọn, phê bình,…
– Ở cấp độ sáng tạo, con có thể thiết kế, lắp ráp, xây dựng, phỏng đoán, phát triển, điều tra…
Với hoạt động này, mục tiêu nhận thức đang hướng tới cấp độ 3-4 sau khi con đã ghi nhớ các hình khối con đã tiếp xúc. Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối.

MỤC ĐÍCH

Hoạt động này giúp con phân biệt và phân loại được các hình khối khác nhau. Rèn luyện cho con khả năng quan sát cũng như tính kiên nhẫn và kiên trì với hoạt động. Khơi gợi cho con sự hứng thú trong hoạt động.

MỤC TIÊU

– Nhận thức: Con có thể ghi nhớ và phân loại các hình khối; Con có thể so sánh các hình khối và ghép hình khối với hình vẽ; Con có thể quan sát phạm vi không gian và xếp hình khối trong phạm vi;

– Vận động tinh: Con có thể kết hợp tốt tay và mắt để xếp hình khối thành cầu vồng; – Vận động thô: Con có thể thành thục chuyển động cơ thể ở tư thế ngồi để sắp xếp hình khối;

– Ngôn ngữ: Con có thể gọi tên các hình khối, màu sắc và làm theo các chỉ dẫn đơn giản của mẹ;

– Nội dung tích hợp: Màu sắc, Từ vựng: Cầu vồng, hình vuông, tròn, thoi, tam giác, ngũ giác;

– Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.

ĐỘ TUỔI

Độ tuổi thích hợp để bố mẹ cho con tham gia hoạt động đó là khi con được 18 tháng. Lúc này con đã có thể ngồi vững, con đã biết cầm nắm đồ vật bằng một tay độc lập.

Lưu ý: mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp.

CHUẨN BỊ

– Khay có chia ô (khay bánh Muffin, khay mứt đựng bánh kẹo, hoặc khay ăn dặm của bé);

– Bộ khuy hình khối;

– Thảm cầu vồng, hoặc thảm có họa tiết khác (Họa tiết theo đường và không quá rối mắt);

– Bàn hoạt động (nếu có).

CÁCH CHƠI

Bước 1: Bố mẹ giới thiệu cho con về các hình khối và để con khám phá bộ hình khối tự do;

Bước 2: Bố mẹ cùng con gọi tên hình khối có trong bộ;

Bước 3: Bố mẹ giới thiệu từng hoạt động cho bé và làm mẫu: 

Trò 1: Phân loại hình khối vào khay. 

1, Bố mẹ bỏ 1 hình khối vào mỗi ô nhỏ trong khay;

2, Bố mẹ cầm một hình khối bất kỳ lên và hỏi con hình khối đó giống với hình trong ô nào;

3, Bố mẹ để con tự lấy hình khối và chơi.

 Trò 2: Ghép hình khối với hình vẽ. 

1, Bố mẹ vẽ sẵn một chùm bóng hình khối trên giấy;

2, Bố mẹ lấy một hình khối bất kỳ và cùng con tìm hình vẽ khớp với hình khối;

3, Bố mẹ để con tự lấy hình khối và ghép. 

Trò 3: Xếp hình khối thành cầu vồng. 

1, Bố mẹ điều chỉnh vị trí ngồi của con để con có thể nhìn bao quát hình cầu vồng trên thảm;

2, Bố mẹ lấy hình khối xếp theo đường cầu vồng của thảm (Lúc này, khuyến khích con tìm các hình khối cùng loại để xếp cạnh nhau giúp con phân loại hình khối);

3, Bố mẹ quan sát con hoạt động và hỏi con về màu sắc, tên gọi của hình khối.

LƯU Ý

Có khá nhiều bố mẹ băn khoăn rằng tại sao Sóc có thể ngồi tập trung lâu, nhưng thực ra Sóc không hề tập trung lâu đến vậy. Sóc cũng chỉ tập trung được vài phút cho đến hơn 10 phút là nhiều nhất với những hoạt động em bé thực sự thích. Và việc thay đổi hoạt động liên tục sẽ khiến Sóc có hứng thú khám phá cũng như thời gian ngồi một chỗ sẽ lâu hơn. Vì vậy, bố mẹ cũng nên thay đổi hoạt động liên tục để tạo sự hứng thú cho con.

CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG

Tùy độ tuổi mà bố mẹ có thể mở rộng hoạt động như:

  • Đối với những bé nhỏ tuổi hơn (khoảng 12m+), bố mẹ nên sử dụng màu khớp với hình khối và tô kín màu để bé dựa vào màu sắc mà phân biệt dễ hơn. Và giảm số lượng hình khối mỗi lần bé tiếp cận. 
  • Đối với các bé lớn hơn, bố mẹ sẽ cho bé học kết hợp số đếm/chữ cái bằng cách quy định: hình vuông = 1, hình tròn = 2, hình tam giác = 3, ngôi sao = 4 ….. và giao cho bé nhiệm vụ ghép số với hình vẽ ở tranh.
  • Ngoài các hoạt động mở rộng nêu trên, bố mẹ có thể rèn kĩ năng cầm bút cho con: Với độ tuổi 22m của Sóc, Sóc đang rèn luyện kĩ năng cầm bút và sử dụng kiên trì một tay trong một hoạt động (không đổi tay quá nhiều lần), nên để Sóc luyện tập kĩ năng này, mình sẽ dính khuy trên giấy và Sóc sẽ đưa nét bút theo viền của hình. 
  • Sử dụng bài hát kết hợp: What shape is it? Để tạo thêm sự hứng thú, vui vẻ trong suốt quá trình hoạt động của con.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *