Th3 14, 2023

BĂN KHOĂN VỀ KHÁM ĐỊNH KỲ & KHÁM BÁC COLLIN FMP MỐC 2 TUỔI

26.04.2022 – Sóc nhỏ 28m11ds

🔴🔴🔴 KHÁM ĐỊNH KỲ CHO SÓC – KHÁM NHỮNG GÌ?

Kiểm tra định kỳ không bắt buộc, nhưng là một thói quen tốt và cần thiết. Khám để đánh giá tổng quan sức khỏe của con, và xin lời khuyên từ bác sĩ. Vậy nên, với những bé khỏe mạnh, việc đi khám định kỳ là một bước đảm bảo an tâm cho mẹ; ngoài ra, không có gì đặc biệt. Nhiều mẹ thấy khám định kỳ bác Collin vừa đắt vừa không có gì; nhưng thực chất là như vậy, con khỏe rồi thì cũng chỉ khám đến vậy và tham khảo lời khuyên về vận động + dinh dưỡng từ bác.

⁉️ Xét nghiệm có bắt buộc phải làm không?

Không nhất thiết. Nhưng nên làm định kỳ, bởi vì con thừa thiếu cái gì, tình trạng máu ra sao phải được đánh quá thông qua xét nghiệm. Mình không tin vào những kết luận kiểu: “Con em hơi còi, thế là thiếu canxi rồi, phải bổ sung nhé.” Thiếu canxi là thiếu bao nhiêu? Tham chiếu bình thường là bao nhiêu? Lượng bổ sung là bao nhiêu? Bổ sung trong bao lâu thì đủ và không sợ thừa chất?

Chúng ta nên thay đổi thói quen tự ý bổ sung cho con, chúng ta sợ con thiếu chất, vậy có sợ con thừa chất không? Chẳng có một đầu bếp nào, muốn làm một cái bánh chất lượng, lại nhắm mắt thêm thắt bừa phứa nguyên liệu vào cả. Làm bánh còn cần đến cân tiểu ly, nữa là vấn đề liên quan đến sức khỏe đề kháng của trẻ.

⁉️ Sóc nhỏ thường làm xét nghiệm gì?

2 loại thông thường nhất là xét nghiệm công thức máu (đánh giá tình trạng máu thông qua bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu) và vi chất (đánh giá các loại vitamin và khoáng chất trong người). Ngoài ra, nếu chi tiết hơn, thì có thể làm thêm XN chức năng gan thận (Thực ra không quá cần thiết, nhà mình chưa bao giờ làm).

Hiện tại, các bệnh viện như Thu Cúc, Hồng Ngọc,… đang có các gói tổng quát với tất cả các xét nghiệm ở trên.

⁉️ Nên mua gói khám tổng quát ở 1 viện hay tự xét nghiệm và khám lẻ?

Tùy bố mẹ. Nhà mình chọn tự xét nghiệm và khám lẻ vì:
– Các bác sĩ bên FMP thường tư vấn nhiệt tình và không chèo kéo mua TPCN.
– FMP có xét nghiệm nhưng đắt, nên mình tự gọi Medlatec lấy mẫu tại nhà.
– Thời gian chờ KQXN khá lâu, khiến con bị mệt.
– Lấy danh mục XN và tự gọi XN cũng không khác gì mua gói cả. (Xét nghiệm là do máy, đọc kết quả xét nghiệm mới do con người)
– Khi có sẵn KQXN, các bác sĩ có thể khám nhanh hơn, mẹ có thời gian hỏi nhiều hơn, không cần mất thời gian tư vấn về xét nghiệm nữa.

⁉️ Khám tại FMP, nên chọn bác Collin hay chọn BS khác?

– Điểm đầu tiên là phí khám. Bác Collin 2300k 40p, 3300k 60p (có giới hạn thời gian). Các bác khác: 690k (sau khi áp dụng Thẻ sống khỏe của FMP). Nên khám ở FMP không phải mỗi lần khám đều mấy triệu. 2 năm rồi, nhà mình mới khám bác Collin 2 lần thôi, cũng vì phí cao. Tất nhiên, đó là phí khám, không phải gói khám tổng quát. Để cẩn thận thì mẹ XN trước như nhà mình rồi mang KQ đi.

– Bác Collin rất giỏi, đặc biệt với những ca bệnh khó. Bác là bác sĩ ít dùng thuốc nhất mình từng khám và luôn nghĩ tới bảo vệ đề kháng cho con lâu dài. Bác Maria là người giải thích kĩ nhất mà mình từng gặp, rất thân thiện và khéo dỗ trẻ con, cũng không hề lạm dụng thuốc. Bác Maria cũng là bác sĩ mình thường xuyên khám tại FMP, vì mình hay hỏi nhiều. Lần nào gặp bác Maria cũng ngồi cả tiếng.

– Bác Collin sẽ khám tổng thể, hỏi từng kĩ năng và nếp ăn uống của con, kiểm tra lâm sàng tất tần tật về tai mũi họng, bộ phận sinh dục, cơ đùi, phản xạ… Khám 60p, bác còn đưa ra lịch ăn uống cho con luôn. Bác Maria cũng hỏi nhiều, nhưng không đi chi tiết như bác Collin. Tuy nhiên, mẹ hỏi gì và nhờ bác kiểm ra gì bác cũng đồng ý. Nên nhà mình vẫn yêu bác Maria vô cùng.

Việc chọn BS sẽ tùy gia đình thôi. Tuy nhiên nếu con khỏe mạnh thì bố mẹ có thể đặt khám các bác khác cho đỡ chi phí cũng được. Lần này nhà mình đặt bác Collin vì muốn tìm hiểu sâu về bệnh, và xem các hướng điều trị của bác.

🔴🔴🔴 LẦN KHÁM BÁC COLLIN MỐC 2 TUỔI

Nhà mình cứ 6-8 tháng khám định kỳ 1 lần. Lần này, vì Sóc mới bị ốm, kèm theo Viêm tai giữa (VTG) nên mình đặt bác Collin khám tổng thể.

☎️ Đặt lịch: Gọi cho hotline 024 38430748 bên FMP để đặt lịch. Với bác Collin thì cần đặt cọc 1 triệu sau khi chốt lịch. Trước ngày khám 1 ngày, FMP sẽ gọi điện để nhắc lịch. Có phiên dịch hết nha.

🔹 Khi đến, mẹ báo với lễ tân, và cho con vào đo chiều cao cân nặng, chỉ số Sp02. Khi đo cân nặng, con cần cởi giày và bỉm, nên cân nặng chính xác. Sau đó con mới vào phòng bác Collin khám.

Bác Collin sẽ hỏi lần này mẹ muốn khám về gì kĩ nhất. Nếu mẹ bảo khám tổng quát, bác sẽ hỏi về vận động dinh dưỡng như bình thường. Nhưng nhà mình cần khám đặc biệt về mũi họng và VTG. Nên lần này những câu hỏi sẽ tập trung vào bệnh lý:

✔Con sốt ngày nào? Nhiệt độ cao nhất bao nhiêu? Sốt bao lâu? Cữ sốt thế nào? Lần gần nhất sốt là khi nào?
✔Con mũi dãi từ hôm nào? Từ hôm đó mẹ làm gì? Con có bỏ ăn, nôn trớ vì đờm không?
✔Con có bị cản trở giấc ngủ vì ho, đờm không?
✔Con có chơi bình thường không, hay con quấy khóc?
✔Con đã bị covid chưa? Bị ngày nào? Khi bị covid, con có biểu hiện gì?
✔VTG: Tai có chảy mủ ra bên ngoài không? Con có quấy đêm và kêu đau tai không?

Bác Collin dặn nên theo dõi thể trạng của con trong đợt ốm: ăn, chơi, ngủ thế nào? Những biểu hiện của con là quan trọng nhất. Bởi nếu con vẫn sinh hoạt bình thường, có nghĩa là bệnh lý đang không cản trở cuộc sống của con và con vẫn ổn.

Với VTG của Sóc, nguyên nhân là do virus gây nên viêm mũi họng. Khu tai mũi họng như một cỗ máy, nếu 1 bộ phận có vấn đề, thì các bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng. Khởi phát là do virus, thì chỉ có hệ miễn dịch của con tự chiến đấu. Điều mẹ cần làm là giữ mũi con sạch và cho con uống nhiều nước, để hỗ trợ cơ thể con. Không cần dùng thuốc vì tình trạng của Sóc chưa tệ.

Thông thường, trong một đợt viêm mũi họng, tình trạng ở mũi sẽ đạt đỉnh sau 3-5 ngày và giảm dần. Họng sẽ khoảng 10-14 ngày và giảm dần. Khi mẹ cho con dùng thuốc vào ngày thứ 3-5 vì con nặng lên, nhưng thật ra nó trùng với thời gian đạt đỉnh, và trùng hợp, mẹ thấy thuốc có tác dụng. Thực tế là, thứ giúp con đỡ dần là hệ miễn dịch của con, không phải do thuốc.

🔴🔴🔴 NHỮNG BĂN KHOĂN CỦA MẸ

⁉️ Nguyên nhân gây VTG là gì?

– Do virus, vi khuẩn hoặc tác nhân bên ngoài.
– Cách phát hiện: Quan sát thể trạng của con + thăm khám bác sĩ.

⁉️ VTG có những giai đoạn nào?

Ứ dịch – ứ mủ – vỡ mủ (chảy ra bên ngoài). Khi chuyển sang ứ mủ, là lúc con cần dùng kháng sinh.

⁉️ Nước vào tai có gây VTG không?

Có thể. VD như khi con đi bơi, đi biển, cát hoặc bụi bẩn kèm nước vào trong tai. Nên cần vệ sinh tai mũi họng sạch sau khi đi bơi, đi biển nghịch cát.

⁉️ Vệ sinh tai thế nào?

– Sau khi đi bơi: Dùng tăm bông ngoáy nhẹ nhàng.
– Sau khi đi biển: Nếu có cát vào trong tai, thì rửa tai. Rửa bên trái thì nghiêng sang trái và tương tự với bên phải. (Giống như cách rửa tai khi đi ra hàng gội đầu). Không xối hẳn nước vào trong tai, mà dùng vòi hoa sen để chếch chéo một chút.
– Lấy ráy tai định kỳ tại viện 3-6 tháng 1 lần.

⁉️ VTG có phòng tránh được không? Có tái lại không?

– VTG có thể tái lại. Bởi vì bản chất của viêm mũi họng sẽ gây sưng và chèn lên ống eustachian sang tai, nên bất kỳ khi nào bị viêm mũi họng đều có nguy cơ bị VTG.
– VTG rất khó để phòng tránh, vì khởi phát là virus vi khuẩn, những thứ chúng ta không nhìn thấy được.

⁉️ Xử lý đờm thế nào?

– Ho là một phản xạ tự nhiên để đẩy đờm khỏi cơ thể. Nhưng các bé thường không biết nhổ đờm ra khi ho mà hay nuốt lại, đôi khi lợm giọng gây nôn.
– Mẹ chỉ cần giữ sạch mũi, tránh mũi kéo tiếp xuống họng và ứ lại đó quá nhiều. Khi rửa mũi, nước muối xuống cũng sẽ làm loãng đờm, và bé sẽ nuốt dần xuống/ hoặc ho ra.
– Những thuốc gọi là tiêu đờm hiện tại, đều nhằm mục đích cắt đứt cầu nối phân tử đờm, làm đờm loãng ra và bé nuốt dần xuống. Chứ thuốc không làm đờm biến mất.

⁉️ Vỗ rung long đờm có tác dụng thế nào?

Hệ hô hấp chia làm: Hệ hô hấp trên (tai mũi họng) và hệ hô hấp dưới (phế quản và phổi). Vỗ rung long đờm là một phương pháp của bên vật lý trị liệu, chỉ có tác dụng với hệ hô hấp dưới (khi có đờm dịch ở phế quản và phổi). Bé ho vì đờm ngay họng thì không cần cho đi vỗ, vì bác Collin thấy vỗ rung hơi bạo lực.

⁉️ Đờm từ họng có xuống phổi được không?

Có thể, nếu mẹ không giữ sạch hệ hô hấp trên của con. Khi đờm dịch ứ đọng quá nhiều sẽ xuống phổi. Để kiểm tra, mẹ quan sát con (xem các dấu hiệu thở (rút lõm) hay biểu hiện gì khác) và cho con đi khám, chụp Xquang để biết rõ.

⁉️ Dịch mũi có sang tai được không?

Không. Rửa mũi cũng không gây viêm tai. Trừ khi mẹ nào rửa quá mạnh.

⁉️ Khi viêm họng, có cần tránh nước lạnh và sữa chua?

Không. Thực tế khi viêm họng, tức là họng con đang sưng đau, cần ăn đồ mát lạnh để làm dịu chỗ sưng đau ở họng lại. Đồ nóng càng khiến chỗ họng sưng khó chịu hơn.

⁉️ Bé ngủ hay nằm sấp có sao không?

Không. Đấy là lựa chọn của bé. Chỉ trừ những bé sơ sinh, chưa biết lẫy thì sợ trường hợp ngạt thở. Còn các bé lớn sẽ tự chuyển tư thế.

⁉️ Nổi mẩn trên da vào mùa này?

Nếu nổi lên và tự lặn trong vài ngày thì không sao. Nổi mẩn có thể do sau một đợt uống thuốc, do sau khi sốt, hoặc do tiếp xúc các tác nhân bên ngoài.

⁉️ Có cần kiểm tra cho bé hậu Covid không?

Khi nào bé có biểu hiện gì thì cho đi khám. Không thì thôi. Cũng không cần bổ sung gì. Duy trì ăn uống đa dạng như bình thường.

⁉️ Bé đổ mồ hôi ở đầu lưng nhiều?

Do hệ thống điều chỉnh thân nhiệt của bé còn non nớt. Quan sát thể trạng của con vẫn bình thường thì không sao cả.

⁉️ Sau 2T có cần bổ sung gì không?

Không, có bổ sung gì thì phải làm xét nghiệm vi chất, xem thiếu mới bổ sung, không bổ sung bừa bãi.

🔹🔹🔹 Khám tổng thể cho Sóc: Kiểm tra mọi thứ đều bình thường. Chiều cao 91cm. Cân nặng 11.6kg. Cân nặng hơi thấp, nhưng vẫn nằm trong khung, và Sóc vẫn tăng đều theo tiến trình đó nên không sao.

Việc theo dõi tiến trình phát triển thể chất của con rất quan trọng. Bởi nếu chỉ dựa vào số kg, chắc chắn Sóc sẽ có kết luận: Còi. Nhưng vì đây là nhịp độ phát triển đều đặn của Sóc, nên bác sĩ vẫn bảo ổn. Sóc không cần bổ sung bất cứ gì.

🔴🔴🔴 Lời khuyên: Tiếp tục duy trì đọc sách, nghe nhạc, vận động ngoài trời cho con và hạn chế TV.
Ăn: đa dạng thực phẩm, đồ tươi, không ăn những loại như: Bột xơ ….
Vì nhà mình chỉ tập trung vào sức khỏe, không đủ thời gian, nên bác chỉ đưa ngắn gọn lời khuyên vậy thôi.

🔴🔴🔴 Chuẩn bị những gì khi đi khám:
– Nếp ăn ngủ, sinh hoạt của con
– Kĩ năng của con
– Hồ sơ y tế nếu có
– Những câu hỏi cần giải đáp
– Hình ảnh lưu lại tình trạng của con (mũi, đờm, nổi mẩn trên da nếu có)
– Những đợt ốm cụ thể
– Sổ bút ghi sẵn câu hỏi và các thông tin. Câu hỏi ghi cách dòng để note câu trả lời vào luôn
– Các mốc chiều cao cân nặng, vòng đầu của con.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *