Th12 20, 2021

THỰC HÀNH CUỘC SỐNG – RÓT NƯỚC

GIỚI THIỆU CHUNG

Rót nước là hoạt động thuộc nhóm: thực hành cuộc sống. Thực hành cuộc sống là nhóm hoạt động giúp con giúp con thực hiện những hoạt động trong cuộc sống một cách có mục đích và hiệu quả. Thực hành cuộc sống trao cho con quyền kiểm soát và phối hợp những hành động của mình, nhằm giúp con độc lập và thích nghi với xã hội. Giống như bà Montessori nói rằng, chúng ta cần “dạy con chứ không sửa sai”, để thúc đẩy con trở thành một thành viên thực sự của xã hội. Thực hành cuộc sống bao gồm 4 khía cạnh cơ bản: Chăm sóc bản thân, chăm sóc môi trường, kiểm soát chuyển động, đức tính bao dung và lịch sự. Rót nước cũng là một hoạt động thông qua Thực hành cuộc sống để rèn vận động tinh – khả năng kiểm soát và kết hợp các nhóm cơ nhỏ trong bàn tay để tạo ra những chuyển động chính xác. Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối. 

MỤC ĐÍCH

Đến với hoạt động này, các con được biết thêm một kĩ năng thực hành cuộc sống mới, đó là: rót nước. Thông qua hoạt động, con sẽ được rèn luyện cho con sự khéo léo và cẩn thận cũng như rèn luyện tính kiên nhẫn thông qua việc kiên trì hoàn thành và lặp lại hoạt động. Bên cạnh đó thì hoạt động rót nước sẽ kích thích sự tò mò thông qua quan sát hiện tượng khi rót nước (bong bóng nước nổi lên).

MỤC TIÊU

– Nhận thức: Con có thể hiểu được cách thực hiện hoạt động rót nước;
– Vận động tinh: Con có thể cầm bình nước bằng một tay và thực hiện rót nước ra cốc, khay;
– Vận động thô: Ngồi vững trên ghế;
– Ngôn ngữ: Con có thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản của mẹ;
– Nội dung tích hợp: Hiện tượng nổi bong bóng khi rót nước;
– Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.

ĐỘ TUỔI 

Độ tuổi tham khảo cho bố mẹ ở hoạt động này là khi con được 18 tháng tuổi. Khi đó con đã có thể ngồi vững, đã biết cầm nắm đồ vật bằng một tay. 

Lưu ý: mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp.

CHUẨN BỊ

– Bình nước nhựa trong suốt;

– Ly nhựa trong/cốc nhựa trong;

– Bàn trà/khay hoạt động;

– Nước lọc (có thể thêm màu thực phẩm để con quan sát nước dễ hơn).

CÁCH CHƠI

Bước 1: Bố mẹ giới thiệu cho con về các dụng cụ để cung cấp từ vựng cho con;

Bước 2: Bố mẹ hướng dẫn con cầm vào quai bình nước;

Bước 3: Bố mẹ làm mẫu rót nước;

Bước 4: Bố mẹ để con thực hành rót nước;

Bước 5: Bố mẹ quan sát và đặt các câu hỏi để kích thích sự quan sát của con: 

     – Con thấy sự thay đổi của nước như thế nào (Nước đầy bình đã vơi đi);

     – Khi rót nước, con thấy có gì xuất hiện trong ly nước? (Bong bóng nước);

     – Khi rót nước, con nghe thấy âm thanh gì? (Tiếng nước róc rách chảy).

Kết quả: Sóc đã kiên trì hơn 30p một xíu, rót qua rót lại không dưới 30 lần 😛

LƯU Ý 

Khi tham gia hoạt động, bố mẹ nên dùng bình nước có kích thước vừa với con, tránh để bình nước quá nặng so với con. Trong quá trình rót, không phải bé nào cũng kiên nhẫn rót từ bình ra khay/cốc. Bố mẹ cần bình tĩnh và kiên trì cùng con. Ngoài ra, bố mẹ có thể kết hợp với những câu giao tiếp để dạy con về cách nhờ sự giúp đỡ: Mẹ ơi, mẹ giúp con với ạ. Con cảm ơn mẹ ạ.

CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG

Đối với các bé nhỏ hơn, bé chưa thể kiểm soát tốt quá trình rót nước vào cốc, bố mẹ có thể chuyển hoạt động thành rót nước ra chậu hoặc khay to hơn, để con có thể quan sát quá trình rót nước. Sau đó mới kết hợp sự tỉ mỉ để rót vào cốc nhỏ và không làm tràn nước ra ngoài. Còn đối với các bé lớn hơn, bố mẹ có thể gia tăng độ khó bằng việc sử dụng chai có cổ hẹp, để con cẩn thận rót qua lại.

Bên cạnh đó, bố mẹ có thể gia tăng nội dung bằng việc hỏi các câu như: Bình có chất liệu gì? Bình/Nước có màu gì? Bình nặng hay nhẹ? Khi con sờ vào bình, con cảm thấy thế nào? Khi rót nước, con quan sát điều gì? Với các bé càng nhỏ, bố mẹ càng nên hỏi cụ thể, chi tiết và hướng dẫn con. Với các bé càng lớn, bố mẹ nên để con có không gian để suy luận và trả lời nhiều hơn.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *