Th10 10, 2021

KHỦNG HOẢNG NGỦ 2 TUỔI (SLEEP REPRESSION)

Ở giai đoạn tuổi lên 2, không chỉ có sự thay đổi về hành vi, mà các em bé còn có thay đổi về giấc ngủ. Ở giai đoạn này, khủng hoảng ngủ (sleep repression) được miêu tả như sự từ chối khi đến giờ ngủ. Và đây là chính xác những gì Sóc nhỏ đang trải qua, Sóc không hề muốn đi ngủ cho dù đã đến 11.30 đêm, Sóc muốn đọc sách, muốn nghe nhạc, muốn chơi và hoàn toàn tỉnh táo. Việc này sẽ khác biệt với rối loạn giấc ngủ (vấn đề được gây ra bởi sự lo lắng, ti để ngủ, thức giấc bất thường giữa đêm…). Khủng hoảng ngủ có thể là tình trạng khó đi ngủ vào giấc đêm, thường xuyên tỉnh giấc trong đêm, sáng thức dậy sớm hoặc sự kết hợp của một vài yếu tố trên.

NGUYÊN NHÂN GÂY KHỦNG HOẢNG NGỦ TUỔI LÊN 2

Thứ nhất, trong giai đoạn này, nhận thức của bé đang chuyển từ giai đoạn nhận thức về “sự trường thực của vật thể” (object permanence) sang giai đoạn “suy nghĩ trừu tượng” (symbolic thoughts) (Học thuyết phát triển nhận thức của Piaget). Sự thay đổi này sẽ giúp bé nhìn mọi thứ với một góc nhìn khác hơn và bé có mong muốn học hỏi, khám phá nhiều thứ mới mẻ hơn. Điều này sẽ khiến bé khó khăn khi ngủ vào ban đêm, vì bé luôn giữ tinh thần háo hức khám phá cho tới tận khi đi vào giấc ngủ.

Sự phát triển vượt bậc về kĩ năng thể chất (physical), ngôn ngữ (language) và xã hội (social abilities) trong khi cơ thể nhỏ bé vẫn chưa đáp ứng đủ chon nhu cầu giao tiếp và khám phá là nguyên nhân thứ 2.

Thứ 3, giai đoạn này, các em bé có sự lo lắng về xa cách nhất định (separation anxiety). Đây là giai đoạn mà mọi người thường hay gọi là giai đoạn “bám mẹ”, bởi vì hơn 1 tuổi, bé phát triển nhận thức với sự hiện diện của vật – nghĩa là vật tồn tại; nhưng giai đoạn này, bé mơ hồ cảm nhận được sự tồn tại bền vững hơn. Nên bé luôn muốn mọi thứ trong tầm mắt. Bản thân Sóc là một em bé đã rèn được nếp cất dọn khá tốt. Nhưng đến gần 2 tuổi, Sóc vẫn đang trải qua giai đoạn bày mọi thứ trong tầm mắt và làm nhà bừa bộn lên.

Thứ 4, bé quá mệt (overtired). Ở giai đoạn này, khi khả năng thể chất đã giúp bé có nhiều năng lượng và thức dài hơn giai đoạn trước, bé thường mải chơi và phấn khích nên sẽ khó để làm bản thân bình tĩnh, ổn định đủ để đi ngủ (difficult calming themselves down enough to sleep).

Thứ 5, mong muốn tự lập. Giai đoạn này, bé phát triển kĩ năng vượt bậc nên có mong muốn độc lập hơn bao giờ hết. Có thể là xỏ vào đôi giày, hoặc cho mình vào bộ pyjama, hay chỉ là khả năng tự trèo lên trèo xuống, bước qua đống gối và chăn.

Thứ 6, sự thay đổi trong gia đình. Sự thay đổi này có thể là chào đón một em bé mới, hoặc chuyển nhà. Đợt vừa rồi nhà mình có chuyển nhà, và Sóc cũng trải qua một khoảng thời gian xáo trộn sau chuyển nhà khiến Sóc khó ngủ hơn.

Thứ 7, sự thay đổi về lịch ngủ trong ngày. Ở độ tuổi này, những lịch hoạt động với thế giới xung quanh (social calendar) đang dần được lấp đầy, đó có thể là một buổi picnic của gia đình, hoặc đi ngắm sở thú. Tất cả những hoạt động như vậy sẽ thu hút bé và bé có xu hướng bỏ giấc trưa.

Thứ 8, mọc răng. 2 tuổi là giai đoạn bé sẽ học răng hàm. Quá trình nứt lợi và nhú răng sẽ khiến bé cực kỳ đau và khó chịu.

Thứ 9, nỗi sợ hãi. Khi em bé nhìn thế giới với một cái nhìn phức tạp và đầy đủ hơn, từ đó cũng đem đến những nỗi sợ hãi mới. Ví dụ như nỗi sợ về bóng tối, sợ những gì mà chính các em bé tưởng tượng ra.

CÁCH KHẮC PHỤC KHỦNG HOẢNG NGỦ TUỔI LÊN 2

Thứ 1: Đảm bảo sức khỏe cho bé và sự an toàn môi trường ngủ.

Vì các bé có xu hướng lăn qua lăn lại, trèo leo và khám phá cũi nhiều hơn, nên việc lựa chọn một chiếc giường thấp và thích hợp cho các hoạt động trèo leo là điều nên cân nhắc. Mẹ cũng cần lưu ý về tình trạng mọc răng của bé.

Thứ 2: Duy trì một nếp sinh hoạt và nếp ngủ đều đặn.

Dù nếp ngủ của em bé có đang “toang” thì việc mẹ cần làm vẫn là duy trì một nếp đều đặn, dù em bé có cáu gắt thì đến giờ đó cũng lên giường.

Thứ 3: Bình tĩnh và kiên định.

Giai đoạn khủng hoảng này các em bé có xu hướng “test thử mẹ”. Bé sẽ muốn xem giới hạn của việc không được làm và có được làm là gì. Nên nếu mẹ nhượng bộ và thỏa hiệp, thì rất dễ các bé sẽ đi chệch nếp và sau 2 tuổi sẽ “toang” hẳn luôn.

Thứ 4: Hạn chế xem TV và điện thoại.

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng xanh từ màn hình TV và điện thoại sẽ ngăn chặn quá trình sản sinh melatonin (loại hormone gây buồn ngủ), cản trở quá trình vào giấc và chất lượng giấc ngủ. Melatonin đã được chỉ ra sẽ gia tăng khoảng 2 tiếng trước giờ đi ngủ. Do vậy, các bé nên dừng việc xem TV trước giờ đi ngủ ít nhất 1 giờ.

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

1. Sleep association

Trường hợp này là khi bé gắn kết việc ăn uống với việc ngủ hoặc bé có thói quen ngậm ti mẹ ngủ mà không rời được.

Khi bé ở trong tình trạng này, việc đầu tiên là mẹ hãy thiết lập dần cho bé một thói quen mới (new habit) mà độc lập với bố mẹ (parent-independent). Có thể đó là việc giới thiệu một vật dụng trấn an nào đó như dou dou. Nếu bé kết hợp ăn uống với việc ngủ, thì mẹ hãy cho bé bú hoặc ti bình ở nơi nào đó không phải phòng ngủ trước giờ ngủ ít nhất 20 phút.

Tiếp theo, mẹ có thể áp dụng 2 phương pháp:

a. Controlled comforting (Trấn an có kiểm soát)

Mẹ thực hiện bằng cách vỗ nhẹ vào mông hoặc đùi con để con yên tâm với sự có mặt của mẹ, nhưng không nằm với con. Mẹ lặp lại tới khi con bình tĩnh nhưng chưa vào giấc ngủ. Sau đó mẹ rời khỏi phòng và lặp lại quá trình trấn an nếu con vẫn chưa thể đi ngủ.

b. Camping out

Phương pháp này thực hiện bằng cách mẹ lấy một chiếc ghế và ngồi cạnh cũi/hoặc trên giường bên cạnh chỗ con ngủ đến khi con đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, mẹ nên theo dõi quá trình vào giấc để chuyển dần sang phương pháp controlled comforting ở trên.

2. LIMIT SETTING TYPE (Vấn đề thiết lập giới hạn)

Đây là tình trạng bé chạy ra khỏi phòng, không muốn đi ngủ và gặp khó khăn trong việc duy trì nếp ngủ.

Đầu tiên, để cải thiện tình hình, việc mẹ vẫn cần làm đó là đưa ra một giờ ngủ quy địnhthiết lập những giới hạn rõ ràng, không nhượng bộ. Dĩ nhiên, khi bắt đầu, những hành vi trong những hành đầu tiên chắc chắn sẽ khiến tình trạng tồi tệ thêm. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thiết lập đó không có tác dụng. Mẹ có thể đưa ra những câu rõ ràng và lặp lại mỗi ngày như: “Con cần ở trên giường khi đến giờ ngủ”. Và mẹ cũng nên kiểm tra nhanh những nhu cầu của con (uống nước, đi tiểu) trước khi tắt đèn.

Nếu bé gào thét ăn vạ, mẹ không nên quá tập trung vào hành vi của bé, vì như vậy sẽ chỉ khiến bé càng phát triển hành động đó lên để thu hút sự chú ý của mẹ. Nếu bé chạy ra khỏi phòng, mẹ hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng đặt bé trở lại giường, đợi cơn giận dữ qua đi.

Sau đó áp dụng biện pháp trấn an (controlled comforting ở trên).

Một biện pháp nữa mà mẹ có thể làm đó là: Bedtime pass (đối với bé 3 tuổi trở lên). Mẹ sẽ đưa ra thỏa thuận có một “vé” cho một yêu cầu khi đến giờ ngủ (đi vệ sinh, uống nước hoặc thơm mẹ).

3. MẤT NGỦ LIÊN QUAN ĐẾN LO LẮNG

Ở tuổi lên 2, có thể bé sẽ có những nỗi sợ mơ hồ và bé sẽ cố gắng thức thật lâu để đỡ sợ. Điều đầu tiên mà mẹ làm đó là luôn luôn trấn an con, công nhận cảm xúc trong con.

Và trong lúc này, mẹ hãy cùng bé nói/viết/vẽ về những nỗi sợ vào một cuốn sổ. Sau đó đóng cuốn sổ về nỗi sợ lại và bye bye tất cả những nỗi sợ đó. Mẹ cũng có thể cùng con sử dụng sự tưởng tượng về hình ảnh đẹp, những gì giúp con thư giãn để giúp con bình tĩnh hơn.

Mẹ Sóc nhỏ.

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *