Th9 23, 2021

CON KHÔNG MUỐN BỊ CHỈ TRÍCH

Trong chuyến đi nho nhỏ cùng Sóc sang Vinhome Ocean Park, Sóc được mẹ cho ra bãi cát ngồi nghịch, và tất nhiên là em bé sẽ thoả thích nghịch theo ý thích của mình, cho dù đầu dính đầy cát và về sau mẹ phải gội mệt nghỉ.
Lúc mang Sóc ra khu rửa tay, 2 mẹ con bắt gặp 1 chị đang bị mẹ mắng với âm lượng khá to: Sao con ngốc thế, Con thấy việc con làm chưa, sao người khác bảo con cái gì con cũng làm, con có quyền không nghe lời cơ mà. (Lúc đó bạn nhỏ này cũng cát đầy đầu). Và mẹ vừa kéo chân kéo tay con ra để rửa, vừa mắng mỏ con. Lúc đó nhìn mặt bạn nhỏ thương cực kỳ, mặt đầy cam chịu nghe mẹ mắng.
Thật ra, trẻ con đâu hiểu được cát đầy đầu thì làm sao, cũng như chưa hiểu được ném đồ ăn thì sàn nhà sẽ bẩn và mẹ sẽ cần dọn dẹp, hay đánh rơi chiếc cốc, hoặc đổ nước ra sàn thì sẽ dẫn đến việc gì. Bởi, nếu trẻ hiểu hết thì sẽ chẳng làm những việc đó.
Nên mặc dù trước đây mình từng mắc những lỗi như này, chỉ chăm chăm vào sai lầm của con, và nói con như vậy. Nhưng sau đó, mình đã nhận ra và chuyển hướng thành cách nói tới kết quả, các bạn nhỏ sẽ không cảm thấy mình đang bị chỉ trích. Bởi vì những câu chỉ trích đó không giúp con tốt lên, mà chỉ khiến con sợ, sau này con sẽ e dè và ngại khám phá vì sợ rằng mình sắp làm điều gì sai và nhận được những câu chỉ trích như thế. Hơn nữa, lúc đó mẹ đang mất bình tĩnh, mẹ đang dồn sự mất kiểm soát của mình lên đầu con.
Trong quá trình lớn lên, Sóc cũng nghịch như rất nhiều bạn khác. Nhưng mình đang luôn cố gắng giữ bình tĩnh mọi lúc và luôn nói những câu như:

  • Đầu con dính nhiều cát rồi. Lát về con sẽ chịu khó để mẹ gội đầu nhé.
  • Thìa rơi xuống đất rồi, thìa bẩn rồi. Con sẽ không có thìa để ăn nữa.
  • Nước đổ ra rồi, con sẽ giúp mẹ lau nhé.

Hay ví dụ như việc Sóc làm bẩn bàn ăn và chỗ ngồi xung quanh. Mình cũng chỉ đưa cho con tờ giấy và nói rằng: Sóc ơi, sau khi ăn, bàn dính đồ ăn rồi này. Con lau cùng mẹ nhé. Và nếp lau bàn trước và sau khi ăn đã được hình thành trong vui vẻ.

Khi Sóc thấy kết quả được nhắc đi nhắc lại như vậy, em bé sẽ hiểu: “à, nếu mình làm thế này, thì sẽ dẫn đến việc này. Và sau đó mình phải ….”
Chắc chắn em bé cũng dần trở nên kiên nhẫn, và sẽ cố gắng hợp tác với mẹ hơn. Lúc đó con sẽ coi mẹ là người đồng hành, chứ không phải một “thế lực” chuẩn bị cho mình 1 bài ca mắng mỏ to tát nếu mình làm sai. Nếu mà con sợ mẹ theo cách này, mai kia mẹ sẽ chỉ đẩy con ra xa hơn, và mẹ sẽ dần không được nghe những câu chia sẻ của con nữa, bởi vì con sợ sẽ nhận lại chỉ trích từ mẹ.
Làm mẹ thật sự cần kiên nhẫn, và cũng cần tỉnh táo để trở thành một bà mẹ PC xịn (Patient and Concious) giống như trong cuốn sách của Tracy Hogg vậy.

By,

Mẹ và Sóc

➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:

►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com

►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)

►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)

►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)

►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)

►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)

►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)

You Might Also Like

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *