GIỚI THIỆU CHUNG
Đây là nhóm hoạt động hướng tới mục tiêu chính: Phát triển giác quan. Ngay từ khi sinh ra, con đã bắt đầu phản ứng lại với những yếu tố kích thích giác quan từ môi trường xung quanh. Con di chuyển đầu theo hướng âm thanh, dõi theo vật bằng mắt và khám phá thế giới bằng đôi bàn tay. Sau đó, con mới phát triển vận động tinh, kĩ năng phối hợp tay và mắt, và các kĩ năng khác.
Năm giác quan cơ bản bao gồm: thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), xúc giác (chạm), thị giác (nhìn), vị giác (nếm). Ngoài ra, trong cơ thể của con tồn tại hai nhóm giác quan khác, đó là: cảm giác động học (Proprioception) là khả năng cơ thể cảm nhận được vị trí, chuyển động và hành động của cơ thể; và cảm giác tiền đình (Vestibular Sense) là khả năng cơ thể cung cấp cảm giác thăng bằng và chuyển động của đầu.
Túi giác quan là nhóm hoạt động hướng tới xúc giác (chạm). Thông qua xúc giác, chúng ta có thể: cảm nhận được cảm giác đau và dễ chịu, cảm nhận lực tác động mạnh hay nhẹ, cảm nhận về nhiệt độ, cảm nhận về bề mặt tiếp xúc của vật. Xúc giác là giác quan đầu tiên phát triển sau khi thụ thai. Thai nhi có khả năng phản ứng với các kích thích về nhiệt độ và cơn đau khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh ra, con cần nhận được sự âu yếm qua những cái “chạm” để phát triển và khỏe mạnh.
Trong quá trình tương tác, ngoài mục tiêu chính, chúng ta có thể hướng tới những mục tiêu khác đi kèm như nhận thức, vận động thô, ngôn ngữ … đan xen trong hoạt động đó. Mục tiêu sẽ không phải cố định, mà bố mẹ sẽ thay đổi theo khả năng và nhận thức của con ở từng mốc tháng tuổi. Những mục tiêu và mốc tháng tuổi gợi ý trong này chỉ là tương đối.
MỤC ĐÍCH
- Giới thiệu cho con về các cảm giác khi con sờ chạm bằng bàn tay;
- Khơi gợi sự tò mò về thế giới xung quanh;
- Kết hợp một vài khái niệm để giúp con gợi nhớ và sáng tạo;
MỤC TIÊU
- Nhận thức: Con có thể ghi nhớ cảm giác mát lạnh, mềm…khi chạm bằng lòng bàn tay; Con có thể liên tưởng túi giác quan tới những gì con đã tiếp xúc và mô tả chúng (mục tiêu dành cho các bé lớn);
- Vận động tinh: Con có thể cầm nắm túi giác quan bằng hai bàn tay; Con có thể sử dụng ngón tay để di chuyển các đồ trong túi giác quan;
- Vận động thô: Con có thể trườn tới túi giác quan (3-6m); Con có thể chống tay lên ở tư thế nằm sấp và chơi với túi giác quan (3-6m); Con có thể chuyển tư thế trườn sang bò và chơi với túi giác quan;
- Ngôn ngữ: Con có thể bắt chước các âm thanh mà mẹ tạo ra (3-6m+); Con có thể lắng nghe và làm theo các chỉ dẫn của mẹ (9-12m+); Con có thể gọi tên các màu khi chơi với túi giác quan (18m+);
- Nội dung tích hợp: Màu sắc, con vật, bộ phận cơ thể.
- Con có thể kiên nhẫn hoàn thành hoạt động.
ĐỘ TUỔI
Hoạt động này sẽ phù hợp với các bé 3 tháng trở lên. Khi con bắt đầu lẫy được. (Mốc tháng tuổi ở đây chỉ là tham khảo, bố mẹ nên dựa vào khả năng của con để điều chỉnh hoạt động sao cho phù hợp. Có những bé chưa lẫy được, nhưng con có thể nằm sấp và chống tay trong một khoảng thời gian ngắn, mẹ cũng có thể cho con bắt đầu hoạt động với túi giác quan được.)
CHUẨN BỊ
Dụng cụ: Giấy bóng ép plastic, máy là tóc, nước mix màu thực phẩm, mắt dính Mẹ vẽ hình quái vật lên giấy bóng ép plastic và dùng máy là ở khoảng 180 độ, là theo mép viền xung quanh để túi kín lại, chừa một chỗ hở để đổ nước và thả mắt vào. Sau đó là nốt phần còn lại cho kín túi. Túi này sẽ khá chắc chắn và mẹ cũng không lo bị bục nước ra ngoài như túi zip. Thực tế là Sóc cũng chơi được hơn 1 tháng mới bị bục 1 chỗ nhỏ và rỉ nước ra ngoài.
CÁCH CHƠI
Cách chơi với bé nhỏ: Mẹ sẽ cho con khám phá tự do túi giác quan, chỉ cho con cảm giác mát, trơn khi chạm vào túi giác quan, và sự di chuyển của mắt dính khi con đập tay vào túi. Mẹ có thể giới thiệu thêm về màu sắc nếu bé khoảng 9-12 tháng tuổi.
Cách chơi với bé lớn:
Bước 1: Mẹ giới thiệu cho con về túi giác quan;
Bước 2: Mẹ hỏi con về hình dạng, màu sắc của túi giác quan;
Bước 3: Mẹ hỏi con về những gì con nhìn thấy trong túi (mắt dính);
Bước 4: Mẹ làm mẫu, dùng ngón tay di chuyển các chiếc mắt qua lại trong túi;
Bước 5: Mẹ để con thực hiện di chuyển mắt trong túi;
Bước 6: Mẹ hỏi về liên tưởng của con sau khi con di chuyển những chiếc mắt; (Mẹ có thể hỏi thêm về lý do mà con di chuyển mắt như vậy – với những bé đã có khả năng giao tiếp tốt hơn)
Mình gọi túi ở trên là “Chú quái vật nhỏ” với 2 màu xanh, vàng và nhiều chiếc mắt chuyển động.
LƯU Ý
- Những nhóm hoạt động về giác quan sẽ thường được áp dụng với đa dạng độ tuổi. Việc linh hoạt thay đổi mục tiêu sẽ khiến con hứng thú với hoạt động theo từng mốc tháng tuổi.
- Khi chơi với túi giác quan nước, mẹ nên đặt túi giác quan trong một chiếc khay phù hợp với con (Với những bé đang lẫy, thành khay không được quá cao). Khay hoạt động cần có màu sáng và trơn để bé dễ quan sát sự chuyển động trong túi.
- Trong quá trình chơi, túi có thể bị bục nước nếu bé đập mạnh, mẹ cần lưu ý quan sát khi con chơi, và xử lý nếu túi bị bục và con có khả năng cho đồ vào miệng lúc đó.
CÁCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG
- Với các bé 2 tuổi trở lên, mẹ có thể vẽ lên phía ngoài túi những vòng tròn và để con dùng ngón tay di chuyển những hạt trong túi vào đúng vị trí vòng tròn đã vẽ.
- Mẹ cũng có thể đổ một ít gel tóc vào trong túi và cho bé dùng tay di chuyển hạt trong túi.
- Ngoài túi giác quan, mẹ cũng có thể sử dụng chính những Dụng cụ đang sử dụng, và bỏ vào các lọ khác nhau để tạo thành lọ giác quan. Bé sẽ nghe được các âm thanh khác nhau khi lắc lọ lên.
- Mẹ cũng có thể cho một ít màu nước/màu acrylic lên một tờ giấy trắng và cho vào trong túi zip, bé sẽ sử dụng tay để di chuyển màu trong túi cho màu lan ra.
- Mẹ cũng có thể thay đổi hoạt động bằng cách thay đổi màu nước, hình dáng của túi và Dụng cụ trong túi.
By,
Mẹ và Sóc
➫ KẾT NỐI VỚI MÌNH TẠI:
►Email: anh.nguyenvan1512@gmail.com
►Đăng ký kênh: Mẹ và Sóc (https://www.youtube.com/@mevasoc)
►Facebook: Vân Anh (mẹ Sóc Nhỏ) (https://www.facebook.com/anh.nguyenvan1512)
►Fanpage: Mẹ và Sóc (https://www.facebook.com/mevasoc.blog)
►Instagram: mami.va.soc (https://www.instagram.com/mami.va.soc/)
►Tiktok: Mẹ và Sóc (mevasoc.1512)
►Youtube Shorts: Vui cùng Sóc (https://www.youtube.com/@vuicungsoc)