CALM DOWN AN ANGRY BABY
Em đã từng chứng kiến rất nhiều cách mà người lớn dỗ trẻ con nín khóc như: cho đồ chơi, xem điện thoại, rong rong rung lắc, … mục đích để trẻ tạm thời quên đi yếu tố khiến mình cáu giận và khó chịu.
Nhưng những cách này, nhìn chung sẽ dẫn đến 1 vài yếu tố như:
- không giúp trẻ nhìn nhận được cảm xúc của mình;
- trẻ không hiểu được ăn vạ không phải là một cách giải quyết tốt;
- khi trẻ đang bị kích thích, thì việc rong rong hay cho xem điện thoại sẽ làm gia tăng kích thích đối với trẻ;
- đó đơn thuần chỉ là dời sự chú ý, không phải một tín hiệu giúp trẻ tìm thấy sự an tâm và bình tĩnh lại.
Sóc nhỏ cũng có vài trận ww banh nhà từ khi sinh ra tới giờ. Khi Sóc nhỏ bé xíu, việc đầu tiên mẹ làm đó là bồng Sóc lên, sau đó shh nhẹ nhàng, để con tựa vào ngực mình, rồi hát một bài nhạc êm dịu; bởi vì đứa trẻ nào khi mới sinh ra cũng thấy yên tâm khi nghe nhịp tim và giọng của mẹ – giọng mà bé đã rất quen thuộc khi ở trong bụng. Cách này vẫn được em duy trì cho tới tận bây giờ.
Tuy nhiên, khi Sóc lớn hơn, và bắt đầu biết ăn vạ, thì việc mẹ cần đưa ra một vài quy tắc nhất định là điều cần thiết:
QUY TẮC 1: KHÔNG NÓI CHUYỆN KHI ĐANG CÁU KHÓC.
Mỗi khi mà Sóc khóc um lên, hoặc lăn giãy ra ăn vạ, thì việc đầu tiên em làm đó là: thông báo cho con về việc: Mẹ sẽ không nói chuyện với con khi con đang khóc. Sau đó để im đó khoảng 2-3 phút. Ở quy tắc này, 1,2 lần đầu chắc chắn Sóc sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, bị tổn thương đôi chút vì mẹ không quan tâm. Nhưng em bé sẽ dần nhận ra được cách giải quyết ở những quy tắc sau.
QUY TẮC 2: LUÔN GHI NHẬN CẢM XÚC CỦA CON.
Đôi khi người lớn cho rằng: Chuyện có thế mà cũng khóc. Đối với người lớn, chuyện A là chuyện hiển nhiên, nhưng đối với trẻ, chuyện A có thể chứa cả A1, A2, A-n…..Và không ai có thể chắc chắn rằng, trẻ đang phải trải qua những điều tồi tệ như thế nào. Nên để con có thể tin tưởng ở mẹ, thì mẹ hãy luôn công nhận cảm xúc của con.
Đối với Sóc, sau khi khóc ầm nhà 2-3 phút, em bé sẽ bình tĩnh lại, và lúc này, em sẽ thường nói: “Con đã bình tĩnh hơn rồi đúng không?”, để báo hiệu rằng mẹ con mình chuẩn bị đi vào một câu chuyện. Và LUÔN bắt đầu bằng câu: “Mẹ hiểu con đang buồn/cáu vì con không được cầm sách nữa, con muốn đọc tiếp đúng không? NHƯNG MÀ sách là để đọc, không phải để xé đâu con.”
Và luôn để thời gian để em bé ghi nhận thông tin trong đầu, cũng là để bé nín khóc hoàn toàn.
QUY TẮC 3: HƯỚNG CON ĐẾN NHỮNG HÀNH ĐỘNG TÍCH CỰC VÀ ĐIỀU CHỈNH TÂM TRẠNG
Sau khi con đã ổn định lại, thì mẹ có thể đề nghị con cùng làm những việc như: “Chúng mình ôm nhau một cái nhé, con high-five mới mẹ nào, mẹ thơm con 1 cái nhé, con cùng mẹ hát bài One little finger nhé.”
QUY TẮC 4: KHÔNG BAO GIỜ ĐỂ CON COI RẰNG ĂN VẠ LÀ MỘT HÌNH THỨC ĐỂ ĐẠT NHỮNG GÌ MÌNH MUỐN
Nếu mẹ kiên trì và nhất quán từ đầu đến cuối, thì chắc chắn em bé sẽ hiểu được: Ăn vạ không có tác dụng gì cả, và cũng không giúp con giải quyết vấn đề.
QUY TẮC 5: KHÔNG DÙNG BẤT CỨ THỨ GÌ ĐỂ “DỤ” CON NÍN KHÓC
Điều này cũng áp dụng với việc: Không bao giờ dùng bất cứ thứ gì để dỗ con ăn, dỗ con đi ra chỗ khác chơi cho mẹ làm việc. Bởi vì, một khi đã làm, bé sẽ sinh ra tâm lý đòi hỏi sau này.
QUY TẮC 6: KIÊN NHẪN, KHÔNG QUÁT THÁO VÀ KHÔNG HỎI “TẠI SAO CON LÀM THẾ?”
Trong cơn bực tức, những câu đầu tiên dễ bắt gặp nhất đó là: Tại sao con lại đổ nước ra sàn. Tại sao con lại ném đồ ăn đi như thế? Tại sao con lại đánh em? Nhưng đối với trẻ, câu này hoàn toàn vô nghĩa. Và mẹ cần bình tĩnh hết sức để xử lý tình huống theo một cách nhất quán và quyết đoán.
QUY TẮC 7: LUÔN CÓ NGUYÊN TẮC CHO NHỮNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM
Những nguyên tắc: “Con không được làm”, thường được đặt cho những việc gây nguy hiểm tới con, hoặc gây tổn thương cho bản thân và người khác. Ví dụ như con cố tình ọe ra để mẹ lo lắng và đòi xem TV, hoặc con đập đầu vào tường để đòi đồ chơi.
—————-
Những quy tắc này đã được thực hiện kiên trì từ khi Sóc vài tháng tuổi tới bây giờ. Và thật vui, dù đang trong cơn khủng hoảng tuổi lên 1, dù cáu gắt hay ăn vạ, thì Sóc cũng biết hướng xử lý khá nhanh. Và mẹ cũng không phải mất nhiều thời gian cho việc “vật vã” giải quyết những câu chuyện ầm ĩ hàng ngày nữa.